Ngày bé ở nhà, chỉ ngày mùa (tháng 9+10) âm lịch và 4 ngày tết, đám giỗ, đám cưới mới được ăn cơm vậy, còn lại là toàn ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, bột đót dong riềng. . . Vì ngày ấy trồng lúa năng suất không cao như bây giờ, chủ yếu giống lúa Mộc tuyền từ khi gieo mạ đến khi gặt phải 5.5 tháng ấy mà chỉ 2.5 - 3 tấn/ha thôi, vậy mới có Bài ca năm tấn đó. Nhưng cơm thì rất thơm ngon, ngày mới cưới dẫn vợ về quê ăn cơm nhà nấu cứ khen ngon, giờ lâu lâu còn nhắc đấy.
Vì gạo phải làm nghĩa vụ cho chiến trường, lúa một năm chỉ một vụ mùa, vụ xuân trồng khoai, ngô và chủ yếu là đay (cây lấy vỏ nghe nói làm nguyên liệu chế tạo thuốc nổ). Ngô, khoai thu hoạch để trong nhà ăn dần, ăn sáng là ngô, khoai, khoai tây, trưa chiều ăn cơm nhưng chỉ cỡ 1/3 là gạo còn lại là độn, thức ăn lại thiếu thốn nên có bữa bưng bát cơm nhìn mà chảy nước mắt, Bố nói có mà ăn là mừng đấy chúng mày! Bữa nào toàn cơm vậy là ăn no ưỡn bụng ra, có thức ăn ngon là Mẹ phải nhắc chúng mày ăn cơm ít thôi không thì nứt bụng đứng lên không được đấy! Xới bát cơm cho chúng tôi Mẹ chỉ bỏ hai ba miếng khoai sắn lên trên thôi, vùi ở dưới toàn cơm vậy, bát của Bố Mẹ thì ngược lại.
Phải đến cỡ năm 1990 tôi xa quê lâu rồi nghe nói mới hết cảnh ấy.
Bây giờ thì khoai, ngô lại là đặc sản chứ? Lâu lâu bà xã mua về hấp cơm là con nó đòi ăn hết, ôi! Sao chúng thảo ăn thế?
Ngày tết nhắc lại một thời nghèo khó!
L. V. S
Chuyện làng quê