Đến ăn họ cũng chẳng ngồi cùng. Cô vẫn nấu cơm cả hai người nhưng khi dọn mâm, cô không muốn cùng ăn. Cô cứ một mình ăn trước.
Hai người họ cưới nhau là tự nguyện chứ có ai ép gả gì đâu. Khi xưa, cô từng yêu một sĩ quan, nhưng do quê anh ấy quá xa, bố mẹ cô không đồng ý gả, cô đành nghe theo. Rồi giữa biết bao người, toàn những người có đủ tiền tài địa vị thì cô chẳng ưng ai. Cô đồng ý lấy anh ta chỉ vì thấy anh ta hiền lành chân chất. Sau hai tháng tìm hiểu, cô về nhà chồng. Mẹ cô cũng không đồng ý nhưng cô kiên quyết” nếu mẹ không cho con lấy anh ấy thì con sẽ đi tu”. Mẹ cô đành chịu nhưng trong lòng ấm ức. Bà bảo,người ta nói “ mặt quắt tai dơi thì nghèo kiết xác. Mày cố tình theo nó, sướng thì hưởng khổ phải chịu , đừng mở miệng kêu tao”. Lúc bấy giờ cô thuộc diện hoa khôi ấy chứ, người ra kẻ vào tấp nập nhưng cô lại đồng ý lấy anh ta, một chàng trai lính biển vừa xuất ngũ, trong tay chẳng có gì, cả nghề nghiệp cũng không có. Giờ cô mới nghĩ có lẽ đó là duyên phận.
Cô về nhà chồng, nhà chồng cũng nghèo lắm. Ngày cô cưới mà không sắm nổi cái chăn. Chỉ có cái vỏ bằng vải hoa con công mà không có ruột. Suốt một đêm rét lạnh thấu xương cô chẳng thể nào ngủ được. Sáng mai cô bảo với hắn, hai đứa lên chợ mua cái ruột bông lồng vào chứ thế này thì không chịu nổi. Từ tối đó cô mới ngủ yên giấc.
Nghỉ được ba ngày, cô phải đi làm. Cô nhận công tác tại xã nhà. Mà từ nơi cô làm việc về tới nhà chồng chừng 20 km. Cứ sáng ra, cô đạp xe đến cơ quan, trưa ở nhà mẹ đẻ, tối mới về nhà. Đường xa, cái rét mùa đông những năm 90 thật khắc nghiệt. Ngược đường, gió cứ Phả vào mặt từng hồi làm cô ngạt thở . Nhưng đâu thể không về. Ngày nào cũng vậy, cô quầng chân đạp con xe Phượng hoàng của tàu đã cũ đi về 40 km. Sáng ra, hắn xách xe ra cho vợ( vì nhà cấp 4, bậc thềm lại cao) chiều đến hắn thẫn thờ ngồi bên cửa sổ ngóng vợ về. Lúc bấy giờ còn đói lắm, đâu có cơm để ăn. Cô ghé mẹ đẻ thường xuyên, nhà mẹ đẻ, cả hai bố mẹ là cán bộ nhà nước nên có gạo tem phiếu, cũng đỡ hơn nhà khác. Lại có mấy sào vườn, ông bà tăng gia thêm. Chỗ thì ông bà cấy khoai lang, chỗ thì cấy dong giềng. Vì thế mấy chị em cô cũng không đến nỗi chịu đói. Thỉnh thoảng mẹ cô thương hại lại đong cho mấy bơ gạo, ít khoai, ít dong về độn. Chỉ được hai mươi ngày mẹ chồng cho ăn riêng với bốn mươi kg thóc làm vốn . Hắn nấu cơm độn khoai, nói đúng là khoai cõng cơm. Hắn thương vợ nên cố lựa những hạt cơm xới vào bát cho vợ còn mình thì ăn khoai, ăn dong.
Về nhà chồng được ba tháng thì cô có bầu. Cô ở lại nhà mẹ đẻ chỉ về nhà với chồng vào ngày chủ Nhật. Hắn ở nhà buồn bã nên tìm cách đi buôn. Hắn mang nắm tôm, tép moi , cá khô lên vùng cao bán rồi mua sắn khô về xuôi. Nhưng cái chuyện bán buôn của hắn cũng không suôn sẻ. Chuyến nào cũng lỗ. Hắn ở nhà nuôi lợn. Hắn thuộc dạng chịu khó. Ngày ngày hắn ra ruộng, móc đất từ lòng mương, vã vào bờ rồi cấy khoai ngứa nuôi lợn. Hắn mua 5 con lợn giống, vay tiền mua cám, vớt bèo sông … cái gì hắn cũng làm được. Nhưng hắn kg có tay nuôi lợn. Lứa lợn gần bảy tháng trời mà lỗ đơn lỗ kép. Hắn có tiêu chuẩn hai sào ruộng. Cũng cấy hái như ai. Cô chẳng làm ruộng bao giờ nhưng ngại mẹ chồng nên cứ đòi theo chồng ra ngoài đồng. Lại sợ đỉa nữa. Lúc bấy giờ đỉa nhiều vô kể. Chỉ cần động nước là nó đã thi nhau ngoi lên bơi loạn. Hắn bảo cô cứ ngồi yên trên bờ chơi, hắn xuống cấy, trưa cả hai vợ chồng cùng về. Mùa gặt, ruộng khô, hắn cắt một khoảng rộng, xén ngọn, lấy gốc xếp lại bảo vợ ngồi đấy nói chuyện thôi. Gặt gần xong, cô em và mẹ ra hỗ trợ. Hắn bó lúa cho cô em và mẹ đội, còn cô, hắn chỉ bó một gồi thôi, bé xíu, cô ngại, bảo hắn bó đẫy vào, hắn bảo” đội làm sao được, muốn làm thì đội bằng ấy, không thì về trước nấu cơm.”Con em cô cũng giục chị “ thôi chị về trước cơm nước, để em làm cố”. Cô chào về.
***
Dù mỗi tuần cô mới về nhà một lần nhưng cô cũng cảm thấy khó ở. Mẹ chồng cô hay để ý. Cô đi làm có đồng lương, mặc dù chỉ là mấy chục ngàn nhưng cũng còn hơn người làm nông nghiệp. Do cô bầu bì nên cần được bồi dưỡng. Anh ta ra chợ mua dăm lạng thịt, cô cắt cho bố mẹ chồng một nửa, còn nửa thì kho mặn lên ăn vài bữa. Nhưng bữa cơm nào mẹ chồng cô cũng nhón chân bên ngoài, ghé mắt dòm xem nó có ăn hóm không. Có hôm, hắn biết chiều nay là thứ bảy vợ sẽ về, hắn mua nải chuối tiêu rồi dấu vào hòm gỗ dành cho vợ, ai dè bị bà phát hiện. Bà lu loa với hàng xóm
” thằng Hưng mất nết, nó đội vợ lên đầu, tao rách háng đẻ ra nó mà nó chẳng coi tao ra gì. Có gì ăn thì nó giấu đi cho vợ còn con mẹ già này nó cho nhịn”. Thế là về đến đầu cổng, bà bác hàng xóm đã vời cô lại nói và bảo ứng xử sao cho phải đạo. Từ đó hắn cũng chẳng dám dành riêng cái gì cho vợ.
Bầu bì ba tháng, cô chẳng thể đi về được nữa. Cô mượn nhà công vụ của cơ quan để ở lại. Bảo hắn xuống ở cùng thì mẹ chồng không cho. Bà bảo” ai đi đâu thì đi chứ con trai tao không được đi đâu hết”. Hắn chẳng dám xuống ở cùng vợ, thỉnh thoảng nhớ vợ thì xuống thăm.
Lúc bấy giờ đất cát là chuyện chẳng khó khăn gì. Nhờ một người quen biết, họ xin cho cô một mảnh đất nhỏ. Đúng lúc sinh thằng con lớn thì cô quyết định làm nhà. Gần một năm trời, hắn mới xây xong nhà. Vì tiền không có, một mình hắn lủi thủi làm, thỉnh thoảng thằng em tựa hắn xuống giúp vài buổi khi mà hắn không thể làm được một mình. Bấy giờ xây nhà bằng cát trộn vôi. Đôi tay hắn bị vôi ăn toe toét. Hắn thương vợ ở cữ thì bảo “ quần áo, tã lót em cứ để tối về anh giặt” nhưng thương chồng, mới được bốn ngày cô đã làm tất cả từ quần áo đến cơm nước. Thế mà mọi thứ đều ổn cả.
***
Có nhà, nhưng công việc thì không có. Hắn ở nhà trông con. Con được 12 tháng cô quyết định cai sữa. Cô nghĩ,phải tìm việc gì cho chồng làm. Cô vay một người hàng xóm của mẹ đẻ cô 2,5 chỉ vàng và sắm cho chồng một ít hàng tạp hoá. Vừa trông con, vừa bán hàng. Được cái hắn có duyên nên rất đắt khách. Chỉ vài ba năm mà quầy hàng của hắn cứ lớn dần và làm ăn khấm khá. Vợ chồng hắn đã có thể mua được cái nhà lớn hơn. Lúc này cô nghĩ hay là xin cho hắn đi làm. Hắn đồng ý. Hắn vào làm cho một công ty liên doanh. Hắn nhanh nhẹn lại biết việc, chẳng mấy chốc hắn được lòng giám đốc. Ông ấy muốn cất nhắc hắn nhưng với điều kiện phải có bằng cấp. Rồi ông ấy cho hắn đi học trung cấp luật. Hắn mới đi có vài ba tháng mà cứ cuối tuần về nhà thấy hắn phờ phạc. Thương chồng, cô an ủi, động viên, tìm thuốc bổ và nấu những thứ bổ dưỡng cho chồng.
Rồi một hôm, cô đi ăn cùng hắn, mấy thằng bạn học cùng lớp lỡ miệng hở ra
” thằng Hưng chắc lại đang nhớ con nhỏ đó” hắn chột dạ, mặt tái mét… rồi mọi người chữa “ đùa thế thôi chứ thằng Hưng thì đứa nào thèm quấn”. Về nhà cô gạn hỏi, hắn nhất quyết chối. Cô quyết định tìm hiểu. Cô xin nghỉ việc và lén đi theo chồng. Cô kg ngờ rằng chồng cô lại to gan đến vậy. Hắn và con nhỏ cùng lớp thuê chung một căn phòng ở với nhau. Trách nào mỗi lần về nhà là phờ phác đến thế. Vì giữ sĩ diện cho chồng cô không làm gì cả, lặng lẽ ra về. Cô gọi chồng về nhà gấp có việc. Trước những bằng chứng không thể chối cãi anh ta hứa sẽ từ bỏ nhưng cho anh ta thời gian. Cô đồng ý. Nhưng tới hai ba tháng sau( người mà cô thuê theo dõi) cho cô biết họ vẫn thế. Cô quyết định tìm gặp con nhỏ đó. Đến nhà, không có cô ta ở nhà, cô nhắn lại với mẹ chồng cô ấy ” có vợ anh Hưng đến gặp”. Ngay sau đó thì không thấy cô ta đến trường nữa. Nghe đồn, chồng cô ta biết chuyện, cãi vã lớn và cô ta bỏ đi Miền Nam. Cô cũng không biết họ còn liên lạc với nhau nữa không. Cô không quan tâm. Rồi anh ta được cất nhắc lên chức trưởng phòng nhân sự. Thật là họa vô đơn chí. Hắn lại dính ngay với một đứa làm cùng phòng. Về nhà cứ lén lút nói chuyện, nhắn tin. Một hôm cô ra ngoài về, chợt nghe hắn đang nói chuyện lả lướt cùng con nhỏ đó. Cô giật phắt cái điện thoại sam sung trên tay hắn ném cái chát xuống nền nhà. Cô điên tiết nhảy đến lấy gót dày nện uỳnh uỵch lên cái điện thoại, vừa nện cô đỏ mặt tía tai mồm rống lên
” mày thích mèo mả gà đồng à? Thích thì tao cho mày thích! “ không thỏa cơn điên, cô với ngay con dao để đầu giường( cô để cho khỏi ngủ mơ) cô băm nát cái điện thoại, rồi cầm lên, gỡ cái sim, cô băm nhỏ ra. Vừa năm cô vừa chửi ”đồ khốn,mày không thể bỏ được cái chứng gđ này “ Rồi cô đứng lên, hai tay chống hông, mắt trợn ngược, lồi cả ra ngoài “mày còn dám trêu ngươi tao hả! Xéo! Xéo ngay cho khuất mắt tao, mày còn đứng đấy , tao không biết chuyện gì sẽ xảy ra đâu”. Hắn tái mặt, đứng nép vào tận góc nhà, người co lại nhìn cô đang nổi máu . Rồi hắn biết không thể chềnh ềnh trước mặt cô, hắn đành bước nhanh ra khỏi nhà. Cô chốt cửa lại, gục đầu lên gối rưng rức khóc. Sao cô lại khổ thế chứ. Mà cô có phải là người đàn bà xấu xí, vụng về đâu. Cô là người phụ nữa mà biết bao kẻ khao khát có được. Thế mà giờ cô phải chịu nỗi nhục ê chề.
Hơn 11 giờ đêm, hắn vẫn đứng ngoài cửa chờ đợi, cô không mở cửa, hắn gọi, cô không đáp lời. Chẳng còn cách nào, hắn vòng phía sau nhà( đi qua thổ của nhà khác) leo tường vào. Hắn len lét lên giường nằm. Cô biết nhưng cô chẳng buồn nói gì nữa, cô mệt rồi.
***
Phải đến ba năm sau, cô không thấy hắn có biểu hiện gì nữa. Cô tưởng hắn đã thay đổi. Nào ngờ một hôm, đang nằm nghỉ trưa, cô thấy tin nhắn ở máy hắn. Hắn không dám với máy đọc. Cô nhổm dậy, với máy. Cô giật mình trước tin nhắn của một con nhỏ- vợ thằng bạn làm cùng cơ quan với hắn.
- Anh! Hôm nay em đi Quất Lâm cùng nhỏ bạn. Không kịp báo anh. Anh có thể sang được với em không. Em nhớ anh!
Hắn không dám cựa quậy, mắt nhìn dò xét nét mặt cô. Nhưng lạ thay, lần này cô tỉnh queo, chẳng có gì là khó chịu. Cô nhếch mép cười nửa miệng rồi cầm máy nhắn lại” để tối anh sang nhé. Đợi anh”. Ngay lập tức con nhỏ trả lời” OK. Em chờ anh! Yêu anh nhiều “. Cô quay sang đưa máy cho hắn “ em đã hẹn giờ giúp anh rồi, anh sắp xếp công việc đi”
Cô đứng lên, lòng thật trống trải. Và cũng từ đó, cô không hề nói với hắn nửa lời. Trước mặt con cái, cô và hắn vẫn bình thường. Nhưng khi không có cô thì họ coi nhau như người xa lạ. Giờ hai đứa con cô đều đã xây dựng gia đình, cô muốn từ bỏ tất cả nhưng rồi cô không làm được. Cô nghĩ, khi con cháu muốn xum vầy thì đâu là tổ ấm để chúng về? Và cái tổ mà không có hơi ấm ấy vẫn cứ phải tồn tại vì lũ trẻ.
Cô cứ lầm lũi như thế. Ngày đến cơ quan nhưng đêm về cô lại gục đầu trên gối, nước mắt đầm đìa. Cô nghĩ “ chắc là cái nghiệp mình phải gánh, thôi cố gắng vậy .” Và dòng nước mắt của sự cô đơn cứ chảy hoài như chẳng có điểm dừng.
Theo Chuyện làng quê