Những hạt cỏ trôi theo dòng nước từ những cánh rừng, đồi núi đầu nguồn lắng đọng trong bùn. Khi lớp bùn đất phù sa khô dần, hạt cỏ các loại nẩy mầm sinh sôi xanh tốt, nhìn thấy mà mát mắt.
Có một loài cỏ thân như đốt mía, chỉ to bằng que tăm mầu tím nhạt, lá ngắn hình lưỡi mác, mọc đối xứng. Loài cỏ này mọc lan trên mặt đất, quê tôi gọi là “Cỏ mật thơm”.
Cỏ mật thơm mọc thành từng vạt nhỏ ngoài bãi soi, cỏ mật thơm giòn và thơm hơn cỏ khác. Vì vậy trâu, bò rất thích ăn loại cỏ này.
Cỏ mật thơm có một đặc tính tuyệt vời, không phải ai cũng biết. Nếu ta cắt hoặc nhổ cỏ, phơi khô tai tái, mùi thơm dịu ngọt của nó không thể cưỡng lại được! Thơm lắm! Mùi thơm như thể của đất và nước hội tụ vậy.
Nhớ ngày còn bé đang học cấp hai, vào mùa này lão Dần đi cắt cỏ ngoài bãi soi sông Thái Bình, gặp vạt cỏ mật thơm (chỉ có vài bụi thôi). Đúng là như bắt được của quý, cắt rửa sạch đem về phơi khô tai tái rồi để vào trong cặp sách. Mùi thơm thoảng dịu, ngọt ngào làm các cô bạn gái mê mùi hương cỏ, thích luôn cả lão Dần đấy!
Cỏ mật thơm, thuộc loại cỏ hiếm mọc trong tự nhiên, cỏ chỉ mọc sau mùa lũ ở bãi soi ven sông. Trong đồng tuyệt nhiên không có loại cỏ này.
Nếu lấy được nhiều, phơi khô làm ruột gối. Gối đầu, ngủ ngon giấc lắm! Ngủ dậy thấy người thật sảng khoái, dễ chịu.
Từ khi có các đập thủy điện đầu nguồn lũ không về hoặc có lũ, nhưng lũ nhỏ không có nước tràn bãi soi, không có nhiều phù sa, không còn hạt cỏ mật thơm. Tìm đâu ra cỏ mật thơm tự nhiên nữa.
Cỏ mật thơm và mùi hương thơm của nó, chỉ còn lại trong ký ức tuổi thơ của lão Dần và những người cùng thế hệ với lão Dần thôi!
Chuyện Làng Quê