link tải gowin99 mới nhất

Chuyện Tết Mậu Thân 1968: Từ quán phở đặc biệt (Kỳ cuối)

Góp sức cùng lực lượng biệt động tấn công vào mục tiêu số 10 và một số mục tiêu khác giữa trung tâm Sài Gòn ngay trong ngày Tết, chủ quán Phở đã bị Tòa án của chính quyền Sài Gòn tuyên 20 năm tù khổ sai, tiệm phở bị tịch thu.

Phở Bình sau cuộc tấn công thần tốc

Có một thực tế ít người biết, đó là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là từ năm 1988, khi quán Phở được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, cả gia đình này lặng lẽ đóng góp, chấp nhận sự thiệt thòi khi dành hẳn 1 tầng cho việc bảo tàng, trưng bày… Con, cháu ông Ngô Toại không đòi hỏi một chế độ, chính sách đặc biệt nào cả cho mình.

quan-pho-1642036840.png
Ảnh do tác giả chọn lựa

 

“Tết này, chúng tôi cũng vừa nhận được tin vui khi lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cũng vừa có sự quan tâm cứu xét đến những khó khăn của gia đình…”, ông Ngô Văn Lập cho biết bên làn khói hương nghi ngút…

Thắp nén hương bên bàn thờ của bố mẹ và những chiến sĩ biệt động đã anh dũng ngã xuống nay đúng 53 năm, ông Ngô Văn Lập kể, khoảng 8h sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968 (31/1/1968), cũng tại tầng 1 Phở Bình, đồng chí Chính ủy phân khu 6 (PK6) Võ Văn Thạnh đọc mệnh lệnh rút quân.

Hai cán bộ thường trực của Sở chỉ huy tiền phương là đồng chí Phan Văn Sự (Bảy Thợ May) và đồng chí Nguyễn Huy Xích (Mười Tâm) được lệnh lên lầu thượng bắn pháo sáng làm hiệu lệnh. Đồng chí Ba Thắng và một số cán bộ nhanh chóng rời khỏi Phở Bình. 7 cán bộ giao liên được lệnh ở lại để dẫn đường cho anh em sau khi hoàn thành nhiệm vụ tấn công vào các mục tiêu, quay về. Bảy Thợ May và Mười Tâm cũng ở lại.

Chẳng ngờ chỉ vài phút sau, có hai chiếc trực thăng bay tới phía trên quán phở Bình và thả dây cho biệt kích nhảy xuống. Bên dưới, cảnh sát dã chiến vây kín đường Yên Đỗ.

“Lúc bấy giờ tôi đang ở tầng 1. Bọn biệt kích đu dây xuống phá cửa lầu 1 xông vào. Chúng lôi một cán bộ thường trực lên lầu 3. Lúc đó tôi không nhớ đó là chú Bảy Thợ May hay chú Mười Xích. Rồi tôi nghe tiếng súng nổ. Chúng lôi xác chú ngang qua phòng xuống tận tầng trệt rồi lại nghe thêm tiếng súng nổ. Vậy là chúng bắn chết tại chỗ hai cán bộ thường trực của Sở chỉ huy”, ông Lập bùi ngùi.

Qua máy bộ đàm của bọn biệt kích, ông Lập nghe có lệnh nói rất to: “Ai có tên trong Sổ gia đình thì bắt lên Tổng nha. Ai không có thì bắn tại chỗ”. Lúc này nhiều toán lính gồm cảnh sát dã chiến từ nóc nhà bên cạnh tràn vào sân thượng. Phía dưới, một số lính dù và bộ binh đập cửa xông vào.

Cô Hải (con gái chủ quán phở Bình) chạy lên lầu báo tin “cảnh sát đến”, tức thì bị nhiều tên cảnh sát xông đến chĩa súng bắt nằm xuống. Chúng túa lên lầu, bắt mọi người nằm úp mặt xuống gạch, rồi chia nhau lục soát khắp ngõ ngách trong tiệm phở. Ngoài ra, có khoảng một tiểu đội lính Mỹ trang bị súng ống đầy đủ xộc vào, đi từ dưới lên, chụp ảnh khắp nơi.

Anh rể của ông Lập là ông Nguyễn Kim Bạch, khi mang hàm sĩ quan VNCH nhưng lại là điệp báo, hoạt động nội gián bị chúng kê súng lên mang tai và sẽ là người thứ ba bị chúng giết tại chỗ, nhưng không rõ từ đâu có lệnh ngưng bắn…

“Coi như hôm đó chú Sự, chú Xích bị chúng bắn tại chỗ, còn lại có 13 người bị chúng bắt, trong đó có bố tôi, chú Phạm Văn Bảy (Bảy Bôn), Chu Minh Chúc, anh Hưng (trinh sát), chị Tư Ù, Sáu Xây (y tá), chị Mai, chị Nguyệt, cô Điệp, cô Bông, anh Bạch…”, ông Lập dẫn chúng tôi, chỉ vào từng tấm ảnh và lần lượt kể tên.

Sau khi cho giải chủ quán Phở và cả chục người về Tổng nha Cảnh sát, địch bắt ông Lập nằm sấp trên sàn nhà tầng trệt của quán để đi mở cửa mỗi khi có người về. Chúng “lót ổ” nhằm đón bắt số cán bộ chiến sĩ của ta từ các trận địa quay trở về. Cả ngày hôm ấy, theo lời ông Lập, chúng bắt thêm được tổng cộng hàng chục chiến sĩ nữa tại Phở Bình. Trưa đó, vì chờ mãi không thấy bố con ông Toại sang thay ca như mọi khi nên vợ và con gái ông Toại cùng một số người làm đi từ quán phở 150 Hiền Vương sang Phở Bình lần lượt bị địch bắt.

“Đến tối hôm đó, tôi xin đi tắm giặt rồi bước ra lan can tầng 1 phơi bộ đồ ướt. Chúng nạt đuổi vào và tôi chỉ kịp ném bộ đồ lên lan can, một chiếc vướng ngay cán cột cờ ba que. Chúng đâu biết bộ đồ phơi là ám hiệu “báo động” để các chú, các anh thấy mà đi luôn, không ghé vào quán. Quả nhiên, từ đấy trở đi không có ai bị bắt nữa.

Ngoài ra, một tài liệu rất quan trọng vẫn được bảo toàn là tấm bản đồ tác chiến Sài Gòn của Sở Chỉ huy tiền phương với các mục tiêu nội đô và 5 mũi tiến công đã được bố tôi cất giấu sau lưng bức tranh Phật khắc gỗ đặt trên bàn thờ ông bà, địch không phát hiện”, ông Lập kể.

Sáng mùng 3 Tết, tình hình căng thẳng, ngã tư Yên Đỗ - Hai Bà Trưng địch dựng chốt chặn bằng hàng rào dây kẽm gai di động và bao cát chồng lên, trên bố trí súng đại liên. Căn nhà của một tên tướng Mỹ nằm xéo tiệm Phở Bình tăng cường nhiều lính mặc đồ rằn ri. Có nhiều tên leo lên lầu chĩa súng về hướng Phở Bình, bọn chúng còn chặn hai đầu phố Yên Đỗ, ngăn người và xe qua lại…

Ông Toại rơi vào tay địch. Ông bị lột hết quần áo, bị trói chặt chân vào ghế, bị địch đánh, đổ nước đầy miệng, xịt dầu lên tóc đốt... Chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông vẫn một mực không khai báo, không nhận là cơ sở biệt động.

“Bố tôi vẫn giữ khí tiết, không khai báo nửa lời về cơ sở, đồng chí, đồng đội, nhưng cho tới ngày ra Tòa, Tòa án quân sự Mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn vẫn quy kết bố tôi là chỉ huy trưởng hậu cần của Việt cộng phục vụ trận đánh vào Tòa đại sứ Mỹ và nhiều mục tiêu đầu não khác; quán xuyến hầu hết mọi công tác tiền bạc cơ sở nghiên cứu cho Việt cộng. Nếu không kịp thời phát giác ngôi nhà bí mật này thì nó nghiễm nhiên trở thành pháo đài nguy hiểm... Với lý lẽ này, tên đại úy đại diện cho phía chính quyền Sài Gòn yêu cầu Tòa xác nhận tội trạng, từ đó có bản án thích đáng đối với bố tôi. 23h hôm đó, Tòa tuyên án…”, ông Lập kể và cho tôi xem nhiều bài báo đưa tin về phiên Tòa mà gia đình ông còn lưu giữ...

Ông Ngô Toại bị đày ra Côn Đảo đến năm 1973, sau Hiệp định Paris mới được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước). Sau ngày giải phóng, cả nhà trở lại với căn nhà cũ của mình, tiếp tục công việc bán phở gia truyền. Ông Ngô Toại mất năm 1994. Tuy nhiên, sáu năm trước ngày ông mất, tiệm phở Bình được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nhưng căn nhà số 7 Lý Chính Thắng cũng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường bởi đây là “nồi cơm” của cả nhà.

Niềm tự hào khi quán phở nhà mình là di tích nhưng khó khăn cũng xuất nguồn từ đây. Kể về bệnh tình của mình (ông Lập hiện đặt stent trong động mạch vành đến 2 vị trí), ông Lập cho biết, cả ba anh em ông đều đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Khi giải ngũ trở về, không nghề gì khác nên tất cả lại tiếp tục công việc gia truyền của bố mẹ, đó là bán phở kiếm sống và cũng chẳng đòi hỏi một chế độ, chính sách gì.

“Nhiều năm vất vả, 3 hộ gia đình với 16 người sinh sống trong khuôn viên quá chật hẹp do dành hết 1 tầng làm khu trưng bày di tích, phải cải tạo bếp ăn cũ ngày xưa để làm nơi trú ngụ. Tôi bị bệnh nan y không có tiền chạy chữa, mà nhà cửa là di tích quốc gia nên không làm giấy tờ sở hữu hợp pháp để cầm cố ngân hàng vay mượn được. Mỗi khi tôi mang hồ sơ lên phường xin hợp thức hóa đều bị bác vì lý do “nhà đã xếp hạng di tích”, ông Lập kể.

Đã có lúc quá khó khăn, có thành viên trong gia đình nghĩ đến chuyện xin trả lại di tích, trực tiếp gặp lãnh đạo thành phố trình bày những khó khăn của gia đình…

Qua bao nhiêu thủ tục, đến nay, di tích cách mạng này đã sắp được là… di tích độc lập đúng như nguyện vọng của rất nhiều người. Trong cuộc họp mới đây, Thường trực Thành ủy đã thống nhất cao chủ trương, UBND thành phố sẽ tiếp nhận nhà, đất tại quán Phở Bình hiện nay; đồng thời giao cho hộ gia đình do ông Lập đại diện, căn nhà do nhà nước quản lý (cạnh bên di tích Phở Bình) và hỗ trợ thêm cho gia đình 5 tỷ đồng.

“Hiện vẫn đang còn chờ các thủ tục theo đúng quy định pháp luật, trong đó có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhưng gia đình chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi nghĩ đây là cách giải quyết câu chuyện thấu tình, đạt lý và có thể nói đây kết cuộc đẹp cho địa chỉ một tiệm phở đặc biệt”, ông Lập bộc bạch.

Theo Trái tim người lính