link tải gowin99 mới nhất

Chuyến tàu đêm đi về hướng Nam (Tình yêu người lính Sinh viên - Đặc công Hải Quân)

Ngày anh lên đường vào Nam, chị đi theo đoàn quân ra ga Văn Điển tiễn anh. Chẳng hiểu vì tình yêu của cô gái níu kéo hay sai sót gì của ngành đường sắt mà chuyến tàu vào Nam hôm ấy không có.
tac-gia-lua-chon-1648136370.PNG
Ảnh do tác giả cung cấp.

Họ lại được một đêm bên nhau. Hôm sau con tàu mệt nhọc hú hồi còi dài, đưa đoàn lính sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội vào Nam trong tiếng thổn thức của những người đi tiễn. Tàu vào đến Phủ Lý thì phải dừng lại vì bom Mỹ đã đánh sập cầu và hỏng nhiều đoạn đường sắt. Đoàn quân xuống tàu hành quân bộ vào Hà Long, Hà Trung Thanh Hóa tập luyện, rồi trở ra Hải quân. Anh trở thành người lính đặc công nước Hải quân.

Mang tình yêu trong tim, anh nguyện phấn đấu rèn luyện thật tốt để xứng đáng với tình yêu của chị đã dành cho anh. Tối về anh chong đèn viết thư kể cho chị nghe buổi tập luyện. Chị ở nhà dõi theo anh qua những bức thư dài thấm đẫm tình yêu thương. Đọc thư anh chị vừa cảm động vừa thương anh. Thư anh viết:

- Bọn anh bắt đầu học võ thuật.  Những đấm đá, lên tấn, ra đòn, đỡ đòn làm người anh đau nhừ. Hôm qua, tập đối kháng, thày giáo ra đòn quá mạnh. Anh bị đá ngã cắm đầu xuống đất, hộc cả cơm, dãi dớt và chút máu. Giáo viên giơ tay kéo anh lên động viên:

-  Các đồng chí bị đau ở đây để khỏi đổ máu, mất mạng trên chiến trường.

Chị ôm gối nức nở:

- Khổ thân anh quá! Ước gì em được ở bên anh để xoa bóp cho anh đỡ đau!

Cũng có những câu chuyện vui anh kể cho chị: Chính trị viên Đào Hải hùng hồn lấy gương Lê Mã Lương ra khích lệ lính mới:

- Hãy noi gương tinh thần  Liệt sỹ Lê Mã Lương oanh liệt!

Ở dưới hàng quân tiếng xì xào nổi lên, rồi một câu nói to vọng lên:

-  Lê Mã Lương chưa chết!

Chính trị viên đỏ mặt nhưng ứng xử nhanh:

- Rồi cũng chết thôi!

Cả đại đội lính ôm bụng cười sặc sụa, quên cả đây là buổi sinh hoạt đại đội.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, chiến trường đang cần những chiến sỹ đặc công nước để bí mật, bất ngờ đánh tàu địch, đánh cầu cảng, đánh căn cứ quân sự ven biển, thậm chí bí mật tiếp cận, khống chế cướp tàu địch để đánh địch. Các sinh viên mặc áo lính hiểu được điều đó. Họ hăng say rèn luyện, phấn đấu. Họ luôn được biểu dương trước hàng quân. Rồi vinh dự đến, Ngày 1 tháng 11 năm 1973 một sự kiện hiếm có của đội 5 đoàn đặc công Hải quân: Ba cựu sinh viên khoa Địa lý ĐHTH Hà Nội là: Nguyễn Công Côn, Nguyễn Ngọc Thạch, Đào Văn Hải đã được kết nạp vào Đảng. Anh viết cho chị: Vinh dự này anh dành cho em!

Đầu năm 1974 được gia đình hai bên đồng ý, anh làm đơn, xin đơn vị về cưới vợ. Do là đơn vị đặc biệt nên tổ chức đã đi xác minh lý lịch cả hai người.

Tháng 4 năm 1974 anh được về tranh thủ 10 ngày để cưới vợ. Ngoài một ba lô đầy đường sữa thuốc lá, lương khô 502 là tiêu chuẩn của những người lính đặc công nước mừng hạnh phúc hai vợ chồng. Đơn vị  cấp cho anh  giấy giới thiệu về đăng ký kết hôn. Lòng ngập tràn niềm vui, anh hăm hở lên đường về Hà Nội. Hôm sau họ ra Ủy ban hành chính khu Đống Đa đăng ký. Người cán bộ hành chính là một thương binh, gương mục kỉnh lên đọc, trầm ngâm hồi lâu. Ông nói:

- Trong giấy giới thiệu không có xác nhận đồng chí chưa vợ. Chúng tôi không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn cho anh chị được.

Anh ôm đầu bực bội: Sao cha chính trị viên đội lại tác trách thế nhỉ? Nhẩm trong đầu nếu quay lại đơn vị, cả đi cả về nhanh cũng  mất  toi 3 ngày. Chị buồn lắm. Khởi đầu đen đủi thế này liệu sau này ra sao?

Hai người lê bước, dắt xe ra về,. Đi  được một đoạn, bỗng anh dạt xe vào lề đường, mắt sáng ngời, nhìn chị anh nói:

- Về quê, về quê đăng ký!

Quê hương ai chẳng biết anh, biết chị, biết gia đình hai bên. Chủ tịch, Bí thư đều là người trong họ. Anh reo lên, chị cũng nở nụ cười sung sướng vì khó khăn đã được giải quyết. Hai người hăm hở lai nhau lên chợ Đồng Xuân mua đồ cưới và quà  cho bố mẹ hai bên.

Đám cưới nhà quê thời chiến tranh thật là đơn giản. Không hoa cưới, nhẫn cưới. Lễ vật là mấy bao thuốc, cân chè. Trầu cau. Đoàn đón dâu hơn chục chiếc xe đạp. Cô dâu rạng rỡ trong chiếc áo trắng mới may và cái quần lụa đen nhức mà chị may bằng vải đen đã để  giành, tiêu chuẩn của cán bộ nhà nước. Nhìn chị, anh tự nhủ:

-  Vợ mình đẹp quá! Mình là người đàn ông hạnh phúc nhất trần đời.

Mười ngày phép qua nhanh. Anh chị đưa nhau về đơn vị hưởng tuần trăng mật của  lính.

Chắc trên thế giới không ai có tuần trăng mật như thế này. Anh vẫn phải tập luyện, có hôm tập ngày, có hôm tập đêm. Các khoa mục ngày càng khó, phức tạp và lấy đi nhiều sức lực của người lính đặc công. Mỗi lần bơi dã ngoại 20 đến 30 km, người lính sụt đi 2 đến 3 kg. Sau bài tập vượt hàng rào giây thép gai 11 lớp của đặc công cạn. Mặt, lưng anh đầy vết xước do gai nhọn của giây thép cứa vào. Ai bị nhiều vết cứa là người tập chưa đạt yêu cầu, tức là đã chạm vào hàng rào, bị lộ lại phải làm lại. Chắc do đang trong tuần trăng mật nên anh bị mất tập trung. Vợ anh xót xa  dùng khăn nóng chườm cho chồng mà nước mắt lã chã. Chị áp má vào tấm lưng của anh, hôn lên những vết xước như làm dịu vết đau.

 Khổ nhất là bài tập ém quân, dấu mình trong cát. Yêu cầu của nhiệm vụ là: Khi hành quân đến gần tàu địch hoặc căn cứ hải quân địch. Nếu trời sáng, phải ém, dấu quân chờ đến tối mới tiếp cận mục tiêu. Người chiến sỹ đặc công phải tìm một ví trí tốt nhất,  ít người qua lại, cát hoặc đất mềm, có cây cối hoặc vật che phủ để dấu mình. Trong tập luyện phải đạt thời gian 3 đến 5 giờ tùy địa hình.  Đầu tiên anh dùng tay hoặc xẻng bới một hố sâu  đủ để ngồi xuống, sau đó bới cát phủ hai chân, dần dần dấu thân, dấu vai, dấu đầu. Cuối cùng là dấu mặt, chỉ để hở mũi để thở. Có lẽ đây là hạng mục khó chịu nhất. Nằm im không cựa quậy nhiều giờ đã là khó chiu, còn phải nhịn ăn,  nhịn uống và nhịn... đái ỉa. Sợ nhất là dấu mình trong cát mà ngược gió.  Gió thổi cát vào hai lỗ mũi hoặc côn trùng như kiến, sâu bọ muỗi, đốt vào cánh mũi, chui vào trong mũi, gây sặc, gây ho. Nếu ho, sặc mà chồm dậy coi như bị lộ. Mà lộ thì dù đã dấu mình được bao nhiêu lâu vẫn phải làm lại từ đầu. Đã có chiến sỹ phải vào viện do cát hay côn trùng chui sâu vào phổi.

Dấu mình trong cát mùa hè nóng bỏng. Mồ hôi và cả nước tiểu ướt đẫm người.  Đói, mệt và có lẽ cũng do "trăng mật" nữa làm anh lả đi. Trong mơ anh thấy được về quê, nơi có dòng sông Lô trong vắt, có những đồi bạch đàn ngồi, đứng sau làng. Anh thấy mình khoác ba lo về đến bến phà Then. Trên triền đê  cây hoa gạo nở hoa đỏ chói. Anh bỏ ba lô, nhảy tùm xuống sông, uống ựng ực nước mát sông quê, uống mãi mà chẳng thấy hết khát . Anh chợt nhìn thấy cô gái có 2 bím tóc dày đã gặp trên xe ô tô. Anh vãy, gọi, bơi đuổi theo. Mà sao phà đi nhanh thế nhỉ? Mình là lính đặc công Hải quân bơi lặn suốt đêm trong biển lạnh mà sao bơi ở sông quê mệt thế? Khó thở quá! Anh vùng vãy mà không dám hô to vì sợ lộ. Chỉ đến khi tiếng còi thu quân, kết thúc buổi tập, anh mời bừng tỉnh. Người ướt đẫm mồ hôi, khai mù vì nước tiểu. Vất vả lắm anh mới ngồi dậy được. Uể  oải đứng vào hàng quân, Trung đội trưởng nhận xét:

- Các đồng chí tập bài "Dấu mình trong cát" rất tốt. Cả trung đội chỉ có một đồng chí bị lộ (tức là bật dậy do các cháu đi cào lá phi lao cào vào người). Biểu dương đồng chí Nguyễn Công Côn, đã hoàn thành xuất sắc bài tập dù người mệt mỏi!  Anh cười ý nhị, cả trung đội hiểu anh nói gì, vỗ tay ào ào động viên Côn.

Chuyện tập luyện của lính ở đâu cũng khổ,  nhưng có lẽ lính đặc công nước là khổ nhất, gian truân nhất quả đất.

Tháng 1 năm 1975 anh được điều động về Bộ tư lệnh Công binh, hạ sỹ - kỹ sư Nguyễn Công Côn được phong quân hàm chuẩn úy. Những năm sau đó anh về làm việc tại Viện thiết kế công trình Công Binh. Đeo quân hàm thượng úy.

Tháng 3/1975 vợ anh sinh con gái đầu lòng.  Tháng 11 năm 1977 vợ chồng anh có con gái thứ hai.

Năm 2000 anh về hưu với quân hàm trung tá. Họ sống viên mãn, hạnh phúc với các con, các cháu. Anh là Ủy viên ban liên lạc của hội. Rất nhiệt tình và trách nhiệm với hội. Vợ chồng anh luôn có mặt trong những buổi gặp mặt của hội cựu chiến binh Sinh viên Hải Quân. Họ mong cho covid - 19 qua đi để tháng 5 năm 2022 được gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày " Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu".

Tháng 3 năm 2022.

Trái Tim Người Lính