link tải gowin99 mới nhất

Chơi chuyền, hát đồng dao

Chơi chuyền (có nơi gọi là đánh chắt) là một trò chơi dân gian của trẻ em. Tuỳ theo từng vùng miền mà cách chơi cũng khác nhau, nhưng dụng cụ chơi thì giống nhau, gồm mười que chuyền bằng cành cây hoặc tre vót tròn như chiếc đũa, dài khoảng 20cm, một quả chuyền to hơn quả bóng bàn một chút.

Nếu ở thành phố có quả chuyền bằng cao su bán ở chợ. Ở quê bọn con nít chúng tôi ngày xưa lấy quả bưởi, quả cam non làm quả chuyền để chơi.

choi-chuyen-1651100509.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Chơi chuyền thì cả nam và nữ đều chơi được, nhưng các bạn nữ chơi trò này giỏi hơn các bạn nam.

Những người sinh ra và lớn lên vào thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước đều biết chơi trò này. Ngày ấy bọn tôi đi học trong túi xách, cặp sách ngoài sách vở, thì bao giờ cũng có một bộ que chuyền.

Khi chơi chuyền thì phải hát “Đồng dao”. Đồng dao trong chơi chuyền là những câu nói vần dễ thuộc, dễ nhớ…gắn liền với đời sống, sinh hoạt hằng ngày ở cộng đồng dân cư.

Sau đây là một phiên bản đồng dao, chơi chuyền ở Xứ Đông quê tôi.

- Bàn một:

Mua cái cột

Về làm nhà

Nuôi con gà

Cho nó đẻ

Bẻ cái que

Cắm hàng rào

Lấy con dao

Chặt miếng thịt

Im thin thít

Lên bàn đôi.

- Bàn đôi:

Đôi thừng

Đôi chão

Đôi quai chảo

Đôi nồi gang

Sang bàn ba.

- Bàn ba:

Ba đi ra

Ba đi vào

Ba chào mào

Một chào tư.

- Bàn tư:

Tư củ từ

Tư củ khoai

Hai lên năm.

- Bàn năm:

Năm con tằm

Năm lên sáu.

- Bàn sáu:

Sáu củ ấu

Bốn lên bảy.

- Bàn bảy:

Bảy quả na

Ba lên tám.

- Bàn tám:

Tám quả trám

Hai lên chín.

- Bàn chín:

Chín chiếc cột

Một lên mười.

- Mười chuyền một:

Chà chạnh đâm bánh

Đánh sang bên đông

Trồng cây leo, bèo nổi

Ổi xanh, hành trắng

Trứng bóc vỏ, trứng đỏ lòng

Tôm phơi nong, cong đít vịt

Vào làng xin thịt, ra làng xin xôi

Hỡi các chị, anh em ơi

Cho tôi xin vài chiếc lá

Bẻ cành sung, rung cành đào

Chào bàn một.

(Quay lại chơi từ bàn một)

Khi chơi chuyền, người chơi có thể tự sáng tác bài đồng dao cho riêng mình, nhưng phải vần và phù hợp với bàn mà mình đang chơi một cách logic là được. Nếu trong quá trình chơi mà bị rơi quả chuyền, que chuyền xuống đất hoặc lấy nhầm que…sẽ bị phạt. Nhường quyền cho người khác chơi.

Chơi chuyền khó nhất là bàn mười. Bởi vì người chơi phải nhanh tay, tinh mắt…tung quả chuyền lên cao, tay cầm bó que chuyền xoay tròn. Nếu mười chuyền một thì xoay một vòng, lên mười chuyền hai thì xoay hai vòng, lên mười chuyền ba thì phải xoay ba vòng…người nào chơi được mười chuyền ba là quá siêu luôn (khi ấy quả chuyền phải tung lên cao hơn hai mét, người chơi xoay nhanh bó que chuyền ba vòng, quả chuyền vừa rơi xuống thì đưa tay ra bắt lấy, không để rơi xuống đất).

Ngày nay trẻ em có rất nhiều trò chơi, nhưng chơi chuyền thì rất ít bạn chơi, có lẽ do không có người hướng dẫn, cổ vũ cho các cháu chơi trò này.

Thiết nghĩ! Chơi chuyền, hát đồng dao, một trò chơi dân gian bổ ích…cũng là nét đẹp văn hoá có ý nghĩa giáo dục thể chất, tinh thần cho trẻ nhỏ. Cần được bảo tồn, phát triển.

Chuyện làng quê