- Ba ơi ! Má ơi ! Con đỗ vào đại học rồi. Có giấy báo nhập học đây, ba má xem đi này !
Cha cô bé vội đẩy xe lăn ra, giọng xúc động:
- Đâu ? Con đưa ba xem ? Ôi ! Con tôi giỏi quá ! Bà nó xem này, con nó đã đậu vào đại học rồi đấy !
Thế là ước mơ trở thành nhà báo của cô bé đã trở thành hiện thực rồi. Con bé có tài như vậy chỉ e rằng khi nó ra trường rồi tôi cũng chẳng thể nào làm thầy dạy nó viết báo được nữa. Gấp bài báo đang viết dở lại, tôi sang chúc mừng cô bé. Nhưng sao không gian bên ấy im ắng đến lạ thường. Tôi nghe tiếng sụt sùi... hình như họ đang khóc.
Tiếng cô bé nói trong dòng nước mắt ngắn dài:
- Nhưng hoàn cảnh gia đình mình như vầy...cuộc sống của cả nhà trông vào gánh hàng rong của má lấy gì cho con vào đại học. Chắc con phải ở nhà giúp đỡ cho ba má thôi, ba má à !
Tiếng bùi ngùi của má cô bé cất lên:
- Ba má thiệt có lỗi. Chỉ có mỗi mình con mà không nuôi được con ăn học tử tế. Có ngành, có nghề vẫn hơn. Biết lấy tiền ở đâu cho con nhập học bây giờ hả ông ?
Tiếng ba nó cất lên buồn buồn:
- Ba có lỗi với con, tại ba không giúp được gì cho gia đình lại còn bệnh tật thế này nữa.
- Kìa ba má ! Ba má đừng có nói vậy. Con sinh ra có được người cha, người mẹ như ba má là con hạnh phúc lắm rồi, cả đời ba má đã chịu nhiều khổ cực. Con không muốn mang thêm một gánh nặng nào đến cho cho ba má nữa mà con muốn được cùng ba má san sẻ những gánh nặng đó. Con được ba má cho ăn học đến ngày hôm nay đã thành người rồi. Còn chuyện học đại học con sẽ xem nó như một giấc mơ vậy.
Đứng bên cửa sổ nhìn cả nhà cô bé ôm nhau khóc, tôi không thể kìm lòng được. Vậy là cô bé không đi đại học ư ? Tội nghiệp cô bé quá. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng sao hậu quả của nó vẫn còn mãi. Tại sao nó không buông tha cho gia đình cô bé chứ ? Chiến tranh đã cướp đi đôi chân của người cha cô bé và để lại trong ông một mầm bệnh. Cô bé là đứa con lành lặn duy nhất mà ông bà có thể có được. Còn hai đứa em cô bé thật bất hạnh quá, chúng phải chịu nỗi đau giằng xé về tinh thần và thể xác. Gánh nặng gia đình đè hết lên vai người mẹ. Cuộc sống gia đình bấp bênh, gian khổ vậy mà sao lúc nào tôi cũng thấy ở nơi họ có một niềm lạc quan, một tình yêu ấm áp đến lạ thường.
Ngoài kia, từng tia nắng chiều đã tắt hẳn. Mặt Trời lặn nơi đồi cây mang lại cảm giác êm dịu mà hiu hiu buồn. Hoàng hôn đã buông xuống...ngôi nhà nào nơi góc phố nhỏ cất lên một bản nhạc:
" KHI NGHĨ VỀ MỘT RỪNG CÂY, TÔI THƯỜNG NGHĨ VỀ ĐỜI NGƯỜI
KHI NGHĨ VỀ ĐỜI NGƯỜI. TÔI THƯỜNG NGHĨ VỀ RỪNG
CÂY "...
Tiếng hát ai vang lên mà sao tôi cứ ngỡ đó là lời của một quá khứ xa xôi vọng về. Câu hát ấy đã đi vào lòng tôi từ cái thuở tôi còn chập chững bước vào đời. Con người ta cũng giống như một loài cây vậy , sẽ vươn lên trước muôn ngàn sóng gió nếu như nó có sức sống mãnh liệt. Sẽ bị hủy diệt nếu như nó không chọi được với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Tôi lại nhớ đến những lời dạy của cha tôi, một người thầy mà tôi hằng ngưỡng mộ và tôn kính:
- Con gái à ! Trong cuộc sống sau này của con, dù có gặp khó khăn đến đâu, con cũng phải cố gắng, biết vượt qua mọi khó khăn đó, phải vươn lên khắc phục mọi hoàn cảnh, đừng bao giờ sai đường lạc lối nghe con !.
Cuộc đời cha tôi gắn liền với những tháng ngày gian khổ. Mẹ tôi lâm bệnh nặng, một mình cha phải gánh vác chuyện gia đình. Vừa lo cho anh em tôi ăn học, vừa lo chạy chữa bệnh cho mẹ tôi với đồng lương ít ỏi của mình quả thật không phải là chuyện dễ dàng. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cha chưa hề than vãn, quát tháo hay la mắng anh em tôi điều gì. Ngược lại, lúc nào cha cũng tạo điều kiện cho anh em tôi học hành cho bằng bè bằng bạn.
Nhiều lúc nhìn khuôn mặt hiền hậu của cha. Những nếp nhăn ngày càng dày thêm, mái tóc thì thêm sợi bạc, tôi cũng hiểu được phần nào nỗi khổ và sự vất vả của đời cha. Những nếp nhăn ấy đã xóa nhòa tuổi thanh xuân, vẻ đẹp một thời trai trẻ của cha. Nhưng nhìn ánh mắt chan chứa tình thương của cha, tôi lại thấy cuộc sống gia đình chưa từng là nỗi vất vả của đời cha mà đó chính là hạnh phúc - hạnh phúc khi được vun tròn cho hạnh phúc cho gia đình, cho người thân của mình.
Nhiều lúc nhìn cha ngồi trầm tư như ông đang lo lắng một điều gì đó. Hỏi ra mới biết cha đang lo chuyện anh em tôi vào đại học, chuyện học hành của tôi và phương thuốc hữu nghiệm chữa bệnh cho mẹ tôi. Tôi thương cha quá, thương những ngày khó nhọc của đời cha. Đó chính là những ngày đẹp nhất. Cha chính là người đã gieo những mầm xanh từ những vùng đất chết, đã chăm sóc cho mầm xanh ấy phát triển đến ngày đâm hoa kết trái. Quá khứ lại hiện về trong đầu tôi. Nếu không có cha, tôi đã không có ngày hôm nay...từ chiều đến giờ tôi vẫn chưa hoàn thành bài báo của mình. Tôi quyết định gấp chúng lại và đi sang thăm cô bé hàng xóm:
- Cháu chào cô chú ạ.
- Trà Vân sang chơi hả cháu ?
- Dạ ! Thu Sương có nhà không cô chú ?
- Ừ ! Nó đang ở trong phòng đó. Tội nghiệp con bé, nó buồn từ chiều đến giờ.
Tôi đọc được ánh mắt hiền hậu của người mẹ một nỗi buồn. Tôi không hỏi lại là bởi vì tôi biết giờ đây trong lòng cô chú ấy đang có một nỗi đau...
- Để cháu vào xem em thế nào ?
- Ừ ! Cháu vào chơi với em nó nhé. Thu Suộng ơi ! Có chị Trà Vân sang chơi đó con !
- Nè cô bé ! đang làm gì vậy ?
- Chị Trà Vân !
- Sao ? Chị sang chơi mà em không vui ?...lại tiếp chị bằng vẻ mặt buồn xo, có chuyện gì à ?
- Dạ chị ! Chiều nay em nhận được giấy báo nhập học.
- Chị biết... Chúc mừng em !
- Ủa ? Cha mẹ em nói với chị hả ?
- Hồi chiều tiếng reo vui của em làm chị giật cả mình. Sao mà không biết được. Nhưng sao em lại buồn ? Chẳng lẽ đó không phải là ước mơ của em sao ? Em đã đạt được điều đó rồi còn gì nữa.
- Dạ chị ! Em không có điều kiện để nhập học. Em không muốn làm khổ ba má thêm nữa. Nuôi em ăn học 4 năm trời cũng khá tốn kém. Hơn nữa em cũng chẳng biết lấy đâu ra tiền để đóng học phí. Em quyết định rồi chị ạ !
- Vậy là em quyết định từ bỏ ước mơ trở thành nhà báo của mình sao ? Giờ nó đã trở thành hiện thực rồi sao em không cố gắng hở Thu Sương ? Em có thể vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền đóng học phí mà ! Không có gì là không thể nếu như ta không cố gắng.
- Em không bao giờ quên đi ước mơ đó và càng không thể quên khi giờ đây nó đang dần trở thành hiện thực. Nhưng ba má em đã khổ cả đời vì chúng em rồi. Em không muốn quãng thời gian còn lại của ba má phải vất vả thêm nữa. Thật sự em không còn lựa chọn nào khác chị ạ.
- Nếu có ai đó giúp em, liệu em có thực hiện ước mơ đó của mình không ?
- Dạ chị ! Em cũng không biết nữa chị ạ, nhưng em thương ba má em lắm.
Tôi chỉ biết ôm cô bé vào lòng mặc cho những giọt nước mắt của em rơi. Lòng tôi trĩu nặng. Lát sau tôi ra về và hy vọng số tiền tôi để lại trên cuốn nhật ký sẽ giúp cho ước mơ của Thu Sương trở thành hiện thực. Rồi cô bé cũng sẽ đạt được những điều mà tôi đã từng mơ ước.
Cố gắng lên em hãy đạt được ước mơ
Một ước mơ mà em từng mơ ước
Ôi ước mơ vào mái trường Đại học
Sao đối với em khó nhọc biết nhường nào
Uớc mơ của em là vất vả, gian lao
Của mẹ, của cha những tháng ngày lam lũ
Khó nhọc, tảo tần, áo bạc sờn, rách vá
Là giọt mồ hôi, lẫn máu giữa tháng ngày
Cố gắng lên em cho bừng sáng cuộc đời
Để cha mẹ yên lòng và thanh thản
Để nụ cười mẹ cha thêm rỡ rạng
Hãy gắng lên em, cổng đại học đang chờ.
Theo Chuyện làng quê