Nho nhỏ cái đuôi gà cao, em đeo mảnh yếm đào quần lĩnh áo the mới... nghe rộn ràng mùa xuân đã về trong dòng người đi chợ Gò Tết phiên cuối năm, thỉnh thoảng đâu đó đã có tiếng pháo đì đùng nổ sớm của đám học trò được nghỉ học đón tết, trong tiết xuân mưa phùn không làm ướt áo, bung dù cánh hoa xoan chao nghiêng, dòng người các ngả đường chen chân đi chợ tết mỗi lúc một đông vui nhộn nhịp.
Hàng vải được ưu tiên ngồi trong quán cổ rêu phong, từng súc vải đủ sắc màu hoa văn đây là mấy súc vải ăn chắc mặc bền, diềm bâu, xanh chéo ka ki, sĩ lâm, vải đồng nầm Nam Định, phù hợp cho người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng làng để làm nên mùa vàng rộn ràng sân kho hợp tác xã.
Còn đây là dòng tơ lụa Hà Đông mượt mà quyến rũ vân chìm hoa nổi, được dệt từ các nghệ nhân nổi tiếng làng Vạn Phúc từ tơ tằm chính hiệu ven sông Đáy, sông Nhuệ, hiền hoà thơ mộng, là cánh đồng dâu xanh bất tận nuôi dưỡng những con tằm vàng óng nhả tơ làm đẹp cho đời của người nông dân “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" dệt thành lụa thành vân, làm duyên con gái áo màu mỡ gà tơ tằm, quần lụa đen Mỹ Á, chân đi đôi guốc mộc rạng rỡ nụ cười má lúm đồng tiền để anh ao ước mua gạch Bát Tràng về xây, đón cô dâu thôn nữ Ngọc Thanh -Kim Động, nết na hay lam hay làm, giữ gìn đạo hiếu Công dung ngôn hạnh, nết người đoan trang hiền thục có được từ Bà từ Mẹ dạy con từ thủa còn thơ, tự hào đất Ngọc người Thanh, chợt nhớ đến câu ca ngọt ngào say đắm lòng người ,
"Ước gì ta lấy được nàng
Để ta mua gạch Bát Tràng về xây"
Tết đến xuân về, các bà các mẹ đã sắm cho mình áo yếm đào thắt đáy lưng ong, áo bà ba lụa tơ tằm Vạn Phúc, quần lĩnh đen khăn nhiễu điều quàng vai, đi đôi guốc mộc gỗ bồ đề nhẹ gót chân đi trong mưa xuân, anh ánh nụ cười răng đen hạt huyền, bên anh xã trong bộ áo dài the khăn xếp, ô lục soạn, tay trong tay đưa nàng về lễ tết nhà Ngoại, cùng đàn con nhỏ ríu rít, mưa xuân nhè nhẹ bay , hoa xoan rụng tím đường gạch cheo xếp nghiêng, háo hức trẻ em vui cười đì đùng tiếng pháo tép ngày 30 tết,
Trẻ manh áo mới, háo hức lắm mong chờ lắm, các con lớn bé nhí nhảnh theo mẹ đi chợ tết để được lựa chọn ướm mua, váy áo hoa đào, hoa cúc cho bé gái, bé trai bộ quân phục Hải quân nhí "Già bát canh trẻ manh áo mới" mọi người sắm sửa bán mua đầu đội tay cắp, dưới tiết mưa xuân hoa đào nở như mời như gọi mùa xuân về chim én bay.
Có lẽ làng tôi trên bến dưới thuyền làm nên nghề truyền thống (Đánh Mành) mà đa phần họ Phạm chịu thương chịu khó, bên khung dệt mành sớm tối, với sợi móc đen nâu còn nứa phải đủ năm phân còn gọi là nứa năm Yên Bái, mới đủ tiêu chuẩn làm ra các lá mành dìu dịu che bớt cái nắng mùa hè oi ả, làm duyên cho các ngôi nhà mái lá tỏa khói bếp lam chiều thơm mùi khoai lang nướng và ngăn không cho côn trùng vào nhà mùa hoa xoan nở.
Gái họ Phạm đã ghi dấu thương hiệu cho riêng mình “Mành Bà Chàng” tôi đã nhìn thấy chị tôi bé nhỏ, vấn tóc đuôi gà mặc áo bà ba, cùng cô con gái mới lớn má đỏ bồ quân trong phiên chợ cuối năm, với nụ cười rạng rỡ thân thiện chào hàng cho khách thập phương mua lá mành treo ngày tết.
Mùa hè nắng nóng, dưới mái nhà tranh lợp rạ không thể thiếu chiếc quạt nan mong manh đan bằng giang lột mỏng, dưới bàn tay khéo léo thoăn thoắt của các mẹ các chị xóm Chùa Lở đan quạt nan xua đi nắng hè oi ả, chứ làm gì có quạt điện như bây giờ đúng là “Gió từ tay Mẹ... con lớn khôn “vì thế chợ Gò cũng có dẫy hàng quạt nan, nghề phụ lúc nông nhàn bán vào dịp tết, để cánh quạt từ đôi tay tảo tần có mặt đến mọi nhà trong giấc ngủ con thơ, à ơi cánh võng nhiều lúc thảng thốt nhớ bàn tay Mẹ ngồi quạt cho bầy con nhỏ ngủ,chỉ có Mẹ và chú chuồn chuồn ớt đậu cành rào thức suốt trưa hè.
Tết đến xuân về, cũng là mùa đặc sản cá Sông Hồng từ cửa biển bơi về mùa sinh sản, loài cá mòi cá lành canh chỉ có ba tháng xuân là rạc mùa cá.
Thuyền đánh bắt cá mòi lênh đênh sóng nước sông Hồng, mùa nước đầy hơi sương xuôi dòng không dữ dằn như mùa Hạ cuồn cuộn sóng dữ, thuyền đánh cá mòi phải được làm từ cây tre đực già dựng cốt thuyền từ đôi bàn tay cần mẫn của thợ thuyền Huyện Duy Tiên Tỉnh Hà Nam, nan thuyền ken chặt trát hắc ín đen xì mùi khen khét, hôm nay cận tết vẫn có mặt vượt ngang sông Hồng đến chợ Gò ngày Tết, để ra giêng loang loáng ánh đèn bão trên mặt nước về đêm hoặc dưới ánh trăng suông huyền ảo dập dềnh theo luồng cá, lao xao lành lạnh hơi sương, lất phất mưa phùn, sớm mai đầy khoang cá mòi, cá lành canh vảy bạc lấp loá, một hương vị khó quên, cá mòi nung núc trứng, cá lành canh xương mềm như sụn băm chả thì là rau răm cùng nhánh gừng đập nhỏ trộn đều áp chảo lá bưởi thơm ngon, dư vị đặc sản vùng quê sông nước để mà thưởng thức dù chỉ ăn một lần mà nhớ mãi, loài cá chỉ có ít con bơi đủ sức đến cầu Việt Trì là rạc, không còn bóng dáng loài cá nước lợ vùng biển đâu nữa.
Đến hẹn lại về, mùa cá lành canh, cá mòi huyền diệu thiên nhiên ban tặng, một năm sau mùa cá mới trở về để đi chợ Gò mua thuyền đánh cá mòi từ bên kia hữu ngạn sông Hồng hụyên Duy Tiên Tỉnh Hà Nam, đem thuyền chài bán chợ Gò phiên ngày tết bằng cách chào hàng là lạ, người bán thuyền chài dùng mái chèo gõ côm cốp vào thanh ngang thuyền như khảng định tre già chịu sóng gió sông Hồng đây... đây mua đê... mua đê thuyền Duy Tiên Hà Nam chính gốc đây mua đi nào ! Mua đi đón đầu mùa cá mòi, cá lành canh Trời cho đê... mua đê mua thuyền nào... mua đê.
Dù đi đâu về đâu, người dân quê tôi đi xa đều nhớ về quê Cha, đất Mẹ, một đời tảo tần một nắng hai sương, đôi bàn tay chai sạn nuôi ta lớn khôn từng ngày "quê hương mỗi người có một, như là chỉ một Mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ, xẽ không lớn nổi thành người "... để tết đến xuân về đất lề quê thói lại háo hức "VỀ QUÊ".
“Còn tiếp “ 2/4/2021 - PTL
Chuyện làng quê