Năm 1968, sau khi được đào tạo tại Trường đặc biệt cho miền Nam. Anh Đào đươc bổ sung vào đơn vị đặc công 2-PK23-Z24. Với nhiệm vụ là vượt Đồng Tháp Mười, cùng 30 đồng đội luồn sâu vào ngõ Tây Nam Sài Gòn đánh giặc. Đội trưởng là anh út Thương quê Tân Trụ. Chính trị viên là anh Bảy Thàng huyện Thủ Thừa, hai anh cùng ở tỉnh Long An.
Các anh đóng quân theo đội hình tiểu đội. Mỗi tiểu đội có 3- 4 người, cách nhau hàng ki-lô-mét, tác chiến chủ yếu vào ban đêm.
Cùng tiểu đội với anh Đào có anh Dực, dân tộc Mường quê Thanh Hóa và anh Năm Hùng, dân tộc Chăm quê Cà Mau. Các anh em quân trong một khóm dừa nước lớn, thuộc xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, sẵn sàng nhận nhiệm vụ xuất kích đánh phá các kho tàng, trận địa, đồn bốt, cầu cống... và tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân…
Chiều cuối một ngày năm 1971, đội trưởng Út Thương có mặt tại Tiểu đội của Đào. Trước khi phổ biến nhiệm vụ khẩn cấp, anh Thương nói: Hôm nay đã là 30 Tết, bà con cơ sở ấp 1, xã Long Định thương quý gửi ra cho mỗi đồng chí 2 cái bánh tét (bánh tày) nhân chuối để các đồng chí ăn Tết... Lúc này anh em mới biết là đã năm hết Tết đến. Đang đói anh em mở bánh ăn ngay, ngon lành. Riêng Đào, đây là lần đầu tiên dược ăn bánh tét nhân chuối, hương vị thơm ngọt. Vừa ăn cả tiểu đội nghe đội trưỏng giao nhiệm vụ:
- Theo tin cơ sở cung cấp, tối nay tại căn cứ ngụy ở bến đò thuộc xã Long Cang sát xã Long Định, bọn ác ôn tụ tập ăn Tết và sẽ bàn kế hoạch chống phá cách mạng. Mấy ngày gần đây chúng càn quét tàn bạo, chúng đã bắt bớ nhiều người ở cơ sở của ta giết hại, tù đày, có đồng đội của chúng ta đã hi sinh. Các đồng chí hãy xuất kích khẩn trương đến căn cứ này tiêu diệt, trả thù cho đồng bào, đồng chí, đập tan âm mưu lấn tới của chúng. Phương án đã bàn, các đồng chí có đề xuất gì không?
Cả 3 anh không có ý kiến gì, cũng không ai nghĩ đến Tết nữa, khẩn trương kiểm tra các trang bị, chuẩn bị xuất kích.
23 giờ 35 phút đêm 30 Tết năm 1971, đúng mệnh lệnh, các anh đã bấm nốt cho bộc phá nổ, tung thêm lựu đạn, thủ pháo... Trận đánh hoàn thành xuất sắc, bốt giặc nhanh chóng bị diệt gọn, các anh trở về căn cư an toàn. Rồi còn trải qua nhiều trận đánh có thắng lợi có tổn thất.
Ngày thống nhất non sông, anh Đào ra quân về quê sinh sống. Là những chiến sĩ giải phóng tiếp tục làm tròn nghĩa vụ công dân, có hạnh phúc gia đình, có tự do, độc lập để xây dựng kinh tế, nuôi con cái ăn học. Những ngày rỗi rãi, anh ghi chép lại những ký ức mà anh từng chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh ỏ chiến trường xưa với suy nghĩ để con cháu biết được sự tàn khốc của chiến tranh, biết được lòng yêu nước của ông cha để lại. Nhất là với đồng bào miền Nam, đi trước về sau trong chống giặc ngoại xâm.
Tôi may mắn được anh Đào cho đọc tập bản thảo viết tay ấy. Từ sự xúc động trước những bài viết rất thật của anh, tôi viết bài báo đăng trên Sự kiện và Nhân chứng - nguyệt san Báo Quân đội nhân dân số 200, tháng 8/2010, với cái tít “Trận đánh tuổi 20”. Trong bài báo ấy tôi có đề cập đến tình quân dân qua hình ảnh bánh tét nhân chuối, một đặc sản của quê hương xã Long Định. Khi đọc lại bài “Trận đánh tuổi 20” đến chỗ “bánh tét nhân chuối” tôi thấy anh xúc động nhớ đến đồng bào Long An.
Nhưng xúc động hơn, sau 40 năm xa đạn bom, cụm dân cư nơi ấy nay là ấp Cả Sách, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp- cũng đọc được bài “Trận đánh tuổi 20”. Bài viết tôi ghi thật họ tên, địa chỉ của cựu chiến binh Nguyễn Đức Đào nên ngày 28 Tết Giáp Ngọ (2014) cụm dân cư đã gửi ngay cho anh Đào 2 cái bánh tét nhân chuối rất to theo đường hàng không. Máy bay hạ cánh xuống Sân bay Vinh lúc 18h. Anh đã nói 2 con ra nhận quà Tết. Bánh về đến nhà hãy còn nóng, tay anh cầm bánh run run vì nhớ và cảm động, đưa lên bàn thờ báo với tổ tiên và anh linh của những đồng đội đã hi sinh. Bà con khối phố được tin bánh tét nhân chuối từ miền Nam xa xôi gửi ra đã đến nhà anh chia sẻ niềm vui. Anh cắt chiếc bánh thứ hai, cho mọi người nếm thử, ai ai cũng nói: “Đúng là nghĩa tình, Bộ đội Cụ Hồ. Đi đâu dân cũng nhớ, ở đâu dân cũng thương”.
Theo Trái tim người lính