- Bố cháu không còn sống được mấy nữa đúng không bác sĩ?
- Đúng vậy, anh chị về bồi bổ cho bác, thích ăn gì cũng được không phải kiêng khem.
Hai anh em thẫn thờ nhìn nhau, nước mắt giàn giụa. Thế là bố của chúng tôi không sống được bao lâu nữa. Tròi ơi, làm thế nào bây giờ? Câu nói của bác sĩ như sét đánh ngang tai. Sau một hồi, cố gạt nước mắt. Anh em tôi giấu nhẹm kết quả xét nghiệm, lấy hết can đảm ra phòng chờ gặp bố tôi:
- Bố ơi, khám xong rồi, mình đi ăn cơm nhé. Con đói lắm rồi !
- Em tôi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra.
- Ừ, mấy bố con mình đi ăn cơm, bố cũng đói rồi.
Chúng tôi đưa bố đến một quán ăn. Bố mệt lắm nhưng cũng cố ăn cho chúng tôi vui.
Mấy bố con ra bến tàu và trở về nhà. Tàu qua thị xã Vĩnh Yên – nơi có người chị cả của bố lấy chông ở đó, tôi khẽ hỏi:
- Bố có vào chơi nhà bá Mai không?
- Thôi, con ạ, mình về, khi nào bố khoẻ, thì xuống chơi sau. Thế bác sĩ bảo bệnh bố thế nào?
- Bác sĩ bảo bố bị viêm gan, về uống thuốc nam là khỏi ạ.
- Các con đừng giấu bố. Bố biết hết rồi. Trời cho mình sống được bao nhiêu mình vui vẻ đón nhận. .. Hai đứa không phải buồn. Bố không có gì hối tiếc vì đã nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Bố chỉ thương nhất là mẹ của các con, một đời vất vả. mồ côi cha mẹ, thua thiệt đủ điều. Các con yên tâm, bố không sao hết.
Bố tôi vẫn nén cơn đau, nở nụ cười.
Hai anh em ôm lấy bố mà khóc. Cả toa tàu nhìn chúng tôi ái ngại. Có một anh bộ đội đứng dậy, nhường hẳn chỗ ngồi của mình cho bố nằm.
Chúng tôi chỉ biết nói lời cảm ơn.
Con tàu chạy băng băng qua các làng quê, thành phố mà sao tôi lại thấy nó thật chậm. Chỉ mong nhanh được về nhà.
Tàu vào sân ga, hai anh em đỡ bố xuống nghỉ ngơi, sau đó dìu bố ra bến xe…
Xe vừa đỗ xuống cổng làng đã thấy bà con hàng xóm đứng đó rồi. Không ai bảo ai, người xách đồ đạc, người dìu lên xe máy đưa bố vào tận sân nhà.
Không khí trầm lắng hẳn. Không ai dám hỏi vì nhìn mặt nhợt nhạt của hai anh em mọi người ngầm hiểu. Nhưng bố tôi tỏ vẻ như không có chuyện gì xảy ra:
- Tôi đi khám không sao các bác ạ. Bệnh nhẹ thôi ạ. Chuyển tàu chuyển xe nên mệt thôi. Mai lại đánh cờ bình thường.
Mọi người động viên, an ủi gia đình tôi.
- Mai chị sẽ lấy thuốc nam cho chú. Nhanh khỏi thôi - Đó là bá Hiền, người dân tộc tày ( họ hàng bên mẹ tôi), nhà ở gần hồ Thác Bà, rất giỏi thuốc nam.
Bá cũng biết bố tôi bị ung thư gan, thời gian không được bao lâu. Nhưng còn nước còn tát. Ngày hôm sau, mờ sáng, bá vội vã lên rừng lấy cây thuốc.
Điều chúng tôi mừng nhất là tinh thần của bố rất thoải mái, vui vẻ. Không buồn rầu, mà rất lạc quan.
Hàng ngày, bố tôi vẫn luyện tập thể thao, thỉnh thoảng nấu một bữa cơm có ngon, đi chơi với các con. Thăm bà con lối xóm lúc ốm đau...Vẻ mặt bố luôn tràn đầy niềm tin, yêu cuộc sống.
Nhờ có thuốc và tinh thần phấn chấn của bố nên sáu tháng đầu tiên bố ít đau. Chúng tôi bắt đầu hi vọng, dù là mong manh mơ hồ nhưng vẫn mong bố không phải bị bệnh trọng. Sang tháng thứ 7, bố bắt đầu đau âm ỉ theo cơn Năm sau, bố đau nhiều hơn. Mỗi lần đau, bố vã mồ hôi nhưng không hề kêu rên một tiếng…
Ba năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo chỉ có mấy tháng cuối cùng chúng tôi mới sử dụng đến thuốc giảm đau để tiêm cho bố. Ông trước là y tá nên chỉ cần hướng dẫn các con cách pha thuốc, cách bơm thuốc, cách tiêm nên tất cả mấy đứa con đều sử dụng kim tiêm thành thạo.
Ngày cuối cùng trước khi bố qua đời là một buổi sáng giữa mùa xuân. Bố tôi khoát tay và nói:
- Bố hơi mệt. Các con về đi. Bố buồn ngủ.
Nhưng đó là lúc bố tôi trút hơi thở cuối cùng và ra đi thanh thản’( Tính từ thời gian bố tôi bị bệnh đến lúc mất là ba năm).
Cha tôi ra đi nhẹ nhàng như thế đó. Một người mắc bệnh trọng mà không bao giờ coi mình là người bệnh. Bố dạy cho chúng tôi biết nâng niu cuộc sống, bản lĩnh đón nhận mọi thử thách của cuộc đời.
Chuyện làng quê