Theo tiếng của các tộc người Cơho (theo ngữ hệ Môn – Khơmer) thì Đà Lạt được ghép bởi hai tiếng Đà – nghĩa là nguồn nước, hay dòng suối, còn Lát – tên một tộc người sống ở chân núi Langbiang liền kề thành phố bây giờ. Như vậy, Đà Lát tức là dòng suối của người Lát cái tên nghe thân thiết biết bao. Sau này người Pháp vì không đọc được dấu sắc (Lát) nên đã chuyển thành Đà Lạt.
Nhưng cũng có người cho rằng, cái tên Đà lạt là do Yesin - vị bác sỹ người Pháp đặt cho. Vào buổi chiều tháng Ba năm 1893, ông đến cao nguyên này, khi nhìn đất đai phong cảnh đã thốt lên một câu bằng tiếng Latinh: “Dat Alees Laetitian Alus Temperiem” có nghĩa là: “Nơi đây đem lại cho người này niềm vui, kẻ kia thời tiết tốt”. Người ta đã lấy những chữ cái ở đầu các tiếng Latinh ấy mà ghép thành Đà Lạt và đặt tên cho vùng đất cao nguyên này!
Ở độ cao chừng 1500 m so với mực nước biển, thành phố Đà Lạt nằm trong lòng của nam dãy núi Trường Sơn, giữa cao nguyên Langbiang, lọt thỏm trong hai dãy núi: phía Bắc là đỉnh Chư Yang Xin, phía nam là Langbiang đều cao trên 2000 m. Do vị trí đặc biệt này mà Đà Lạt có khí hậu như miền ôn đới. Nhiệt độ trung bình hàng năm của nơi đây là 19 độ C lượng mưa 1500mm đã giúp cho Đà Lạt có lợi thế không nhỏ về cây trái!
Ngay sau khi nhận phòng ở, tôi tha thẩn dạo quanh hồ Xuân Hương. Sương khói Đà lạt lãng đãng khiến cho du khách như tôi cảm thấy bâng khuâng, một nỗi bâng khuâng khó nói thành lời… Giai điệu bài hát “Đà Lạt hoàng hôn” và cái lạnh của Đà Lạt cũng góp vào tâm tư du khách sự cô đơn, trống trải lạ thường. Đêm xuống Đà Lạt lung linh đủ các sắc màu. Đó là màu của các nhà kính trồng đủ mọi chủng loại hoa. Hoa Đà Lạt đã trở thành thứ hàng hóa rất có giá trị, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. Tôi còn được nghe nhà nhiếp ảnh Thanh Niết vốn là người Nam Định đang định cư tại Đà Lạt giới thiệu về công ty hoa Dalat Hasfarm có vốn đầu tư 100% từ doanh nhân Thomas Hooft người Hà Lan sử dụng hoàn toàn công nghệ tự động hóa để trồng hoa. Tất cả các công đoạn từ gieo hạt đến đưa cây con vào nơi trồng, rồi thu hoạch và đóng gói để xuất khẩu sang các nước đều sử dụng công nghệ băng chuyền. Rất thuận lợi đối với Đà Lạt là nơi đây có khí hậu hết sức đặc trưng, quanh năm lạnh nên trồng hoa trái mùa đưa ra thị trường có giá trị kinh tế khá cao. Người ta ước tính mỗi héc ta hoa có thể thu lãi ròng 6 - 7 tỉ đồng trong một năm. Đây quả là một con số đáng mơ ước cho các nhà đầu tư và những người dân thành phố ngàn hoa này, đồng thời mở ra một hướng phát triển bền vững cho Đà Lạt nói riêng, của tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Dạo quanh hồ Xuân Hương, tôi như lạc vào thế giới trong truyện của Anfôngxơ Đôđê, bởi những biệt thự mang dáng dấp cổ kính với lối kiến trúc của miền Nam nước Pháp. Được biết hơn 2000 biệt thự cổ tại Đà Lạt, mỗi cái có vẻ đẹp riêng, tạo thành hơn 2000 mẫu biệt thự khác nhau. Chính quyền thành phố và tỉnh Lâm Đồng ngày nay đã quy định không cho xây dựng những ngôi nhà có kiến trúc khác, bởi như vậy sẽ phá vỡ vẻ đẹp rất riêng của Đà Lạt – thành phố Mộng và Thơ… Mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ, nhưng tôi vẫn chưa đi hết nửa vòng quanh hồ. Chiếc hồ thơ mộng nằm ngay trung tâm thành phố có chiều dài 7 km, như một vầng trăng đầu tháng. Chu vi lòng hồ khoảng 5 km, vốn nó là dòng suối Cam Ly được các kỹ sư người Pháp ngăn lại năm 1919 để tạo nên chiếc hồ tráng lệ này và đặt tên là Grand Lac (Hồ Lớn). Đến năm 1953, ông Nguyễn Vỹ - chủ tịch hội đồng thị xã đã đổi tên thành hồ Xuân Hương – và ông lý giải cho tên gọi này là vì hồ như nước mùa Xuân, quanh năm có hương thơm của hoa cỏ Đà Lạt…. Gần 100 năm qua, hồ Xuân Hương đã góp phần làm nên vẻ đẹp riêng cho thành phố độc đáo này…
Tôi được nghe các du khách nói về 4 không ở Đà Lạt: Thành phố không xích lô, không đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ, không điều hòa nhiệt độ và không cảnh sát giao thông. Thực tế tôi đã cảm nhận được sự khác biệt này so với các đô thị tôi đã từng qua. Người ta gọi Đà Lạt với các tên gọi khác nhau: Thành phố mờ sương, thành phố ngàn hoa, thành phố trong rừng… Các tên gọi ấy cũng phần nào nắm bắt được thần thái của vùng đất nên thơ này. Mọi hoạt động của con người nơi đây thật nhẹ nhàng, êm dịu; không ồn ã, náo nhiệt như bao thành phố khác…
Trời Đà Lạt se lạnh, nhưng tôi vẫn cố mang chiếc áo ngắn tay để cảm nhận không khí của vùng ôn đới giữa cao nguyên Trung phần. Thiên nhiên thật kì thú, với sức mạnh của mình, Tạo hóa đã ban cho con người ở đây một khu nghỉ mát thật sảng khoái, khiến cho ta vơi đi bao nỗi ưu phiền từ cuộc đời đầy bon chen lừa lọc và cả hiểm nguy. Dải đất này cũng là nơi mang tầm vóc chiến lược lớn, nối liền miền Trung với miền Nam có ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh Quốc gia, nhưng cũng mang lại cho mỗi người niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe.
Thời gian ở lại Đà Lạt không nhiều, dù rất muốn được dạo chơi, tham quan tất cả các địa điểm nổi tiếng của Đà Lạt; song công việc chủ đạo là sáng tác nên tôi vẫn phải kìm lại khát khao khám phá mảnh đất đẹp đẽ này. Tôi đến Thiền viện Trúc Lâm, một nơi được coi là tiếp nối dòng Thiền nổi tiếng của đức vua anh hùng, thi sĩ Trần Nhân Tông – một người dám rũ bỏ tất cả quyền lực để tìm thú vui yên tĩnh giữa cõi hồng trần. Nơi đây, khách thập phương đến tham quan nhiều nhưng tất cả đều nhẹ nhàng, lịch thiệp. Họ kính cẩn trước bức tượng Phật Tổ Việt Nam, thành tâm nguyện cầu những điều mình mong ước. Nép dưới tán những hàng thông thẳng tắp cao vút, là những ngôi chùa nhỏ với mái ngói đỏ tươi cong vút, đang đắm mình trong cõi Thiền. Trong khuôn viên chùa, được ngắm nhìn đàn cá chép vàng cùng bọn rùa nhỏ đang lững lờ trong làn nước mới thấy hết sự thanh thản nơi đây. Dưới chân núi là dòng Tuyền Lâm lặng lẽ trôi, khiến du khách có cảm giác như nó đang giúp họ cuốn đi những phiền muộn, lo toan của cuộc sống đời thường… Rời Thiền viện Trúc Lâm, chúng tôi đến với Thung lũng Tình yêu. Thung lũng Tình Yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía bắc. Đó là nơi đập Đa Thiện quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao, thành hồ Đa Thiện trong vắt uốn quanh thung lũng rợp bóng thông xanh. Vào những năm 30, của thế kỷ trước toàn quyền Đông Dương và các cặp tình nhân người Pháp thường chọn khung cảnh này cho những buổi hẹn hò, rồi đặt tên là Vallée d'Amour. Đến thời vua Bảo Đại, vùng này được gọi là Thung lũng Hòa Bình, đến năm 1953, ông Nguyễn Vỹ - Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ - đã đề xuất đổi tên thành Thung lũng Tình yêu. Thung lũng Tình yêu đẹp và cuốn hút bởi thung lũng sâu và đồi thông quanh năm xanh biếc. Chúng tôi được chiêm ngưỡng những bố cục, những bức tượng được tạc qua cách nhìn khá táo bạo và tươi mới của các nghệ sĩ người Việt hiện đại để cảm nhận sự tinh tế bằng cảm quan nhạy bén của họ. Điều đáng chú ý ở đây là trong số các du khách đến Thung lũng Tình yêu phần lớn là những đôi trai gái đang yêu, họ rạng ngời hạnh phúc. Nhìn những khuôn mặt ấy, tôi thầm ước giá mà trở lại được ngày xưa... Bước chân lãng du, tôi đến với Đồi Mộng Mơ. Đồi Mộng Mơ là một thắng cảnh độc đáo và đặc sắc của Đà Lạt, mà ngay tên gọi của nó cũng đã nói lên chất “thơ”. Có người gọi đồi Mộng Mơ là Đà Lạt thu nhỏ. Đồi Mộng Mơ là khu du lịch mới xây dựng gần đây, với sự sắp xếp đầy nghệ thuật các biệt thự, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu bán đồ lưu niệm,… tất cả tạo nên một khu du lịch khép kín đang rất thu hút khách tham quan. Ngoài cảnh đẹp, đồi Mộng Mơ còn có sự phá cách bởi biết kết hợp nét đẹp gowin99 cổ truyền. Những chương trình ca múa nhạc cùng các lễ hội cồng chiêng sẽ đem đến những thú vui riêng cũng như nhiều kiến thức mới cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đồi Mộng Mơ còn có làng Văn hoá dân tộc, nơi trưng bày chum ché cổ Tây Nguyên, tham quan đồng bào dân tộc nấu rượu cần, giã gạo, dệt thổ cẩm,… cũng như xem biểu diển nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như: Crăm, Đinh Pá, chinh Pó, chinh Arapmaoh, đàn T’rưng, khèn bầu và đàn đá. Tất cả điều đó quyện lại với nhau tạo nên vẻ đẹp rất riêng đầy quyến rũ của đồi Mộng Mơ. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy có một chút sạn trong cách bố trí cảnh quan của nơi đây, đó là một góc Vạn Lý Trường thành của Trung quốc được tái tạo; du khách khi đi tới bảo tàng các dân tộc Tây nguyên đều phải bước qua chiếc cổng, nơi 2 tên lính nhà Tần cắp giáo đứng canh. Đất nước nhà mình, vậy mà... Tôi còn nhìn thấy cảnh hàng loạt lính Tần được tạo dựng với tư thế đang cưỡi ngựa bắn cung. Nên chăng, các nhà chức trách của thành phố hãy dỡ bỏ kiểu tái tạo nguy hiểm này, tránh tình trạng thế hệ trẻ nước mình nhớ lịch sử Trung quốc hơn là lịch sử của cha ông?
Chúng tôi cũng được đi một số nơi, được Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng đón tiếp nồng nhiệt; cảm nhận sự ấm áp thân tình của anh em văn nghệ sỹ nơi đây với những người đất thành Nam. Họ nhiệt tình, chân thành, với đặc tính rất miền Nam, không câu nệ như cánh dân Bắc luôn e dè, ngại giao tiếp thậm chí quá khách sáo. Con người thì mến khách, song cơ sở vật chất dành cho Hội bạn thật khiêm tốn, dù là 1 biệt thự từ thời Pháp nhưng qua bao năm tháng, nó đã xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh trụ sở Hội, cỏ mọc đầy; gợi cảm giác hoang vu. Nhìn cảnh mà thầm ao ước, giá như cánh văn nghệ được quan tâm hơn...
Trời Đà Lạt chợt mưa chợt nắng, hoàng hôn Đà Lạt buông xuống khiến cho du khách nao lòng. Nhịp sống nơi đây lặng lẽ trôi, con người cũng nhẹ nhàng không hề hối hả. Người ta còn gọi Đà Lạt là nơi có rừng trong thành phố. Những cánh rừng thông như tấm thảm tạo nên lá phổi điều hòa không khí cho địa danh này. Nhưng tôi cũng còn nhiều trăn trở khi được biết, đến 2010 Đà Lạt vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cho thành phố ngàn hoa này. Xót xa hơn nữa là người ta đang tìm cách chặt những cây thông trên trăm tuổi, để mở rộng đất đai trồng hoa. Có người nhận xét nếu cứ đà này, chỉ mấy năm nữa, sẽ không còn thảm rừng thông trong thành phố nữa…
Rời Đà Lạt vào buổi sớm yên lành, tôi khát khao một ngày trở lại, được sống trong bầu không khí se lạnh để quên đi bao nỗi ưu phiền mà đời thường mang lại, để lắng nghe tiếng thác Cam Ly, dạo bước quanh hồ Xuân Hương và đắm mình trong bài hát trữ tình đến say lòng người. Đà Lạt ơi…