link tải gowin99 mới nhất

Bộ quần áo mới của cha tôi

Mẹ tôi mở nắp rương, bụi cứt mọt tung xuống rào rào. Màu vàng nhạt li ti tràn chảy trên những nếp gấp của áo, khăn trong thật thảm hại. Mẹ khẽ nâng nhẹ chiếc bọc nilon mà trong đó đựng chiếc khăn len đội đầu màu vàng cam còn mới cóng.
quan-ao-moi-1657098098.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Chiếc khăn này mẹ đặt cô Năm móc kĩ lắm, hai đầu khăn là tên của cha và mẹ. Giữa là tên của các đứa con nhưng cách điệu móc thành những bông hoa. Mẹ rất quý chiếc khăn vì nó là tiền tiết kiệm của nửa năm mẹ mua gáng bán bưng. Hai bộ đồ xoa thêu rô - đê nơi vạt áo và lai quần là món tài sản quý giá nhất cũng được mẹ mang ra vân vê nhìn ngó rất lâu.

Mấy lần trước, mỗi khi mẹ khẽ khàng mở nắp rương, mỗi khi nghe tiếng cứt mọt tung xuống rào rào và thấy mẹ săm soi những áo khăn như thế này là năm chị em tôi đều khấp khởi mừng vì chắc chắn rằng vài ngày sau mẹ sẽ đi đám tiệc ở bên ngoại, bên nội. Và " chắc ăn như bắp" chị em tôi sẽ được đi theo, được ăn những bữa tiệc no nê và chơi đùa thỏa thích với những trò trèo cây hái ổi, tắm sông, be bờ tát cá...

Nhưng lần này thì không phải. Vì năm nay, công việc làm của cha khan hiếm mà năm đứa con đều đi học. Thằng út cũng vào lớp một rồi. Chị em tôi, mỗi đứa cách nhau hai tuổi. Thằng út vào lớp một nghĩa là tôi đã mười lăm, hiểu biết chưa nhiều nhưng có đều những điều không được phép không biết đó là hàng ngày ngoài giờ đi học thì phải đi chợ, nấu ăn và giặt cả chảo quần áo cho bầy em. Loại chảo sắt dùng nấu đường của các lò đường thủ công ấy, chừng nó bong tróc hư hao thì chủ lò bán ve chai, cha tôi mua về dùng để giặt quần áo cho các con. Con nít nửa thôn nửa thị ấy mà, quần áo với nùi giẻ là chị em họ với nhau đấy thôi. Quần áo dơ bỏ vô chảo, cho xà bông vào và dùng chân giậm, trộn, đạp..... xong lấy ống nước xịt vào rồi vớt ra và đi phơi. Vậy, thau nào chịu nổi mà không dùng chảo sắt? Cha mẹ đi làm từ sáng sớm tới chiều mới mới về. Cha tôi làm thợ hồ, mẹ phụ bán quán ăn với bà dì ngoài chợ. Tôi mười lăm tuổi trở thành "môn chủ" của bầy "giáo chúng". Toàn dân hỉ mũi chưa sạch.

Nhà đông con, phải tay làm hàm nhai như thế, cha mẹ tôi làm sao dư của cải để mấy dịp tết nhất hay đầu năm học mà lấy ra xoay sở? Chỉ có vài món vật dụng cá nhân là xem ra có giá trị mà thôi. Mẹ gói cẩn thận bộ quần áo và chiếc khăn đội đầu vào cha lần bọc ni lon rồi đạp xe lên chợ huyện. Những vòng xe mẹ đạp sao chậm chạp khác thường? Khác hẳn tiếng kót... két tất tả những ngày mẹ cuống cuồng lo cơm nước cho con rồi vút lên yên xe cho kịp buổi chợ sáng mỗi ngày.

Tôi ngồi phía sau, nghe cả tiếng thở dài rất khẽ nhưng vô cùng nặng nhọc của mẹ mà lòng cứ nghĩ tại mẹ mệt mõi quá đi thôi. Năn nỉ được chở mẹ không hẳn vì sợ mẹ mệt mà vì muốn nhanh tới chợ để được mua sợi dây nịt màu hồng. Sợi dây nịt từ tết năm trước tôi thèm thuồng có được như chúng bạn để mặc cùng bộ đồ thun xanh lá mạ thật duyên.

Mẹ vào gian hàng mua bán quần áo cũ. Quần áo mẹ mới tinh vậy mà bà chủ chê ỏng chê eo:

- Đồ của chị cũ mèm rồi. Em mua là xem như làm phúc cho chị vậy chứ không biết bao giờ mới bán lại được.

- Thì cô cứ để đó, chừng nào có tiền chị mua lại. Thưa thiệt với cô là chị quý bộ đồ và chiếc khăn len này lắm. Nhưng vì năm nay việc làm của ông xã chị khan hiếm... tết nhất đến nơi...

- Chị nói mắc cười quá! Cứ mua rồi để dành bán lại chủ cũ thì tui lấy gì ăn?

Cuối cùng, số tiền mẹ bán bộ quần áo và chiếc khăn len chỉ đủ mua hai bộ quần áo và ba đôi dép mới cho các con. Còn mấy đứa nữa làm sao?

Đi mượn tiền góp! Đó là chọn lựa cuối cùng của mẹ. Nhưng bà Mười "dao lam" đầu xóm không cho, còn ong óng chửi:

- Cái đồ nhà nghèo mà bày đặt làm phách! Cho con đi học làm chi để tốn tiền tốn bạc! Tết nhứt còn làm le đi mua đồ mới! Thì đồ của đứa lớn bận năm trước, năm sau đứa nhỏ bận, coi mới không? Mượn à? Rồi lấy gì trả!? Con nhà nghèo, mai mốt làm ông làm bà gì đó mà lo cho dữ? Thằng bé Hai, con bé ba trong xóm này đi phụ hồ, rửa chén đem tiền về cha mẹ nhờ hà rầm. Vợ chồng thằng Tư Ốm cho con đi học chi rồi túng thiếu?

Mẹ khóc. Cả đời mẹ thiếu chữ đã phải muối mặt nuốt chao nhiêu nhục nhằn. Giờ chỉ mong các con có con chữ mà ngẩng mặt với đời. Ai ngờ con đường tìm chữ chông gai quá. Cha bảo: hay là "tính luôn" bộ đồ bốn túi của tui đi bà?

Lâu lắm rồi cha rất thích một bộ đồ bốn túi. Kiểu cọ thì y như những bộ kaki trong các bức ảnh của Bác Hồ, nhưng tay ngắn và cha thích màu xám tro. Thích là thích vậy chứ sao mua sắm được, vì một bộ quần áo như thế phải mất cả tháng tiền công làm thợ hồ của cha. Nhà năm đứa con, chỉ một thẻo đất, chứ có dư dả gì. Mẹ phải mua gánh bán bưng thì bộ quần áo đó với cha là điều không tưởng.

Nhưng dịp may bất ngờ đã đến là cha tôi nhận làm nhà cho nhà may Hồng Tân ở chợ Long Hoa. Ròng rã suốt mấy tháng trời đi sớm về muộn. Có khi neo mình ở tại công trình với ngổn ngang xi măng, sắt thép. Ăn uống ngủ nghỉ đều lộn tùng phèo cùng bụi bặm, đất cát. Ngày giao nhà, - cũng là dịp giáp tết- niềm vui không thể tả của cha tôi là ông chủ nhà may đã tặng cha bộ đồ mà cha hằng mơ ước.

Bộ đồ bốn túi màu xám tro trong mơ của cha tôi đã thành hiện thực! Ông chủ nhà bắt buột người nhận quà phải mặc liền cho ông xem, xem tay nghề của ông "thượng thừa" tới mức nào. Bởi ông không hề lấy số đo mà chỉ ngắm nghía dáng vóc của cha tôi rồi tự cắt may. Cha tôi còn ngắc ngứ câu chữ chưa biết làm sao để từ chối, càng không biết cách nào để nói lời cảm ơn, vì món quà quá lớn, cha không dám nghĩ đến. Ông chủ nhà may như hiểu được gút mắc trong lòng ông thợ hồ nên phân bua. "Tết mà, đừng ngại. Tôi tặng cho anh nhưng không phải tặng không đâu nhé! Mà là tặng cho sự thật thà, chất phát và siêng năng cần cù của anh. Tôi từng biết bao nhiêu ông thợ hồ nhưng không được mấy ông vừa giỏi tay nghề lại vừa thật thà, siêng năng và có trách nhiệm với công việc như anh. Muốn cảm ơn tôi thì anh hãy mặc bộ đồ này xem tay nghề tôi có giỏi không nhé!".

Cha tôi không còn cách nào từ chối và quả thật tay nghề của ông chủ nhà may Hồng Tân đã vào bậc thầy nên bộ đồ vừa vặn không chê vào đâu được. Ông lại "bắt" cha tôi mặc suốt buổi tân gia đến khi về nhà. Nhưng làm sao có thể mặc bộ quần áo đẹp như thế mà cót... két trên con ngựa sắt hàng chục kilomet.

Cha tôi chỉ mặc trong buổi mừng nhà mới của ông chủ nhà may và sau đó hai lần mặc bộ đồ quí giá ấy nữa. Là vào mùa xuân năm sau mừng thọ thất tuần của ông nội và đám cưới cô Út tôi. Và sau đó, cha bảo không có dịp nào trang trọng hơn để mặc. Vậy là bộ đồ vẫn còn mới chong dù đã may mấy năm rồi.

Vậy mà bây giờ... bộ đồ của niềm mơ ước và của cả tình người ấy sẽ không còn hiện diện trong nhà tôi được nữa rồi. Năm nay thằng út vào lớp 1, nghĩa là năm chị em đều đi học. Cái ăn, cái học đầu năm, nợ nần chưa trang trãi xong thì ụp tết đến, cũng cần mua sắm cho con trẻ. Cha quyết định:

- Bán bộ đồ bốn túi của tui đi bà!

Mẹ khóc:

- Niềm mơ ước của anh hàng chục năm mới thành hiện thực, ai lại nỡ...

- Mơ ước lớn nhất của tui là con cái ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn, được đủ đầy như con người ta chứ mọi thứ khác mất đi đều có thể mua sắm lại được. Cha tôi bảo.

Không còn cách nào hơn, mẹ đành gạt nước mắt mang bộ đồ bốn túi của cha ra gian hàng quần áo cũ để bán. Nhưng vì nó được may bằng chất liệu vải tốt nhất, lại "khai sinh" từ nhà may Hồng Tân nổi tiếng nhất tại chợ Long Hoa nên bộ đồ "được giá" đến nổi đủ cho các con của cha mẹ ăn một cái tết đàng hoàng!

Nhiều năm sau...

Cha tôi làm ăn khấm khá, con đường trước nhà cũng mở thành đường lớn, mấy chị em tôi không còn nhỏ nữa. Mẹ không còn phụ bà dì mua gánh bán bưng mà đã có cửa hàng tạp hóa khá to tại nhà. Chị em tôi ngoài giờ đến lớp thì vài đứa phụ mẹ bưng bê, xếp dọn những kệ hàng hóa cao vút đầu. Đứa nấu nướng giặt giũ, đứa làm "kế toán" sổ sách giúp mẹ. Cực nhưng vui lắm. Tôi hay đùa:

- Mẹ, mẹ có cả một tiểu đội công nhân mà không phải trả tiền công!

Mẹ cười, đuôi mắt đã thấp thoáng nhiều vết thời gian nhưng long lanh vui sướng đáp:

- Đó là vì nào giờ "tui" nuôi mấy tên công nhân đó như nuôi chim Cu nơi chim Cưỡng đấy!

Tôi biết mẹ muốn nhắc kỉ niệm của thời gian nghèo khó, cha mẹ đã phải "cầm quần bán áo" để nuôi chị em tôi.

Bây giờ chị em tôi đã lớn khôn. Ít nhiều đã thành người hữu dụng như cha từng mong mỏi. Chị em cũng có thể vô tư đưa cha đi nhà may danh tiếng may vài bộ quần áo "ăn nói" như cha từng mơ ước thuở nào nhưng khi mời cha đi lấy số đo thì cha bảo "Thôi đi con, tại hồi trẻ có mấy cái ước mơ kỳ cục vậy chứ bây giờ già rồi... Con người ta quý nhau vì cái tình, vì tư cách sống chứ đâu phải vì quần áo. Mà tụi con xem, những bộ đồ như thế cha sẽ mặc đi đâu? Bây giờ có tuổi, đám cưới, đám giỗ gì cũng mặc áo dài hết là xong. Nếu tụi con có dư, hãy giúp cho những hoàn cảnh nghèo như nhà mình hồi đó là cha vui hơn nữa".

Cha tôi đó! Để bây giờ mỗi mùa xuân mới, đứng tần ngần trước các hiệu quần áo để lựa chọn, mua sắm đồ tết cho em cháu, con cái thì tôi lại nhớ một mùa xuân năm nào chị em tôi hí hửng khoác lên mình bộ quần áo mới mà không hay biết rằng cha mẹ đã hi sinh tất cả vì con.

* Tác phẩm đạt giải đồng hạng của tạp chí Sống Đẹp- Beautiful TPHCM, trong cuộc thi truyện ngắn “Gia Đình Của Tôi” năm 2022

Chuyện làng quê