Tuyên Quang được xếp vào nơi “miền gái đẹp”. Gái Tuyên da trắng, mềm mại, dáng cao, bước đi uyển chuyển, tiếng như chim hót, răng trắng cười tươi. Trai thiên hạ cưới được cô vợ tỉnh Tuyên cảm thấy hãnh diện với bạn bè làng xóm lắm.
Ông chợt nhớ tới người vợ gốc thành Tuyên bỏ ông về cõi Tịnh đã ba năm. Ông bà có với nhau ba người con: hai trai, một gái. Trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, đơn vị ông đóng quân ở Tuyên Quang, cơ duyên đã cho ông gặp bà. Kết thúc chiến tranh, ông đưa bà về làm dâu làng ông. Chị và em gái ông đã lập gia đình, ông bà ở cùng bố mẹ. Bà vườn tược ruộng đồng, ông đi làm thuê nơi xa.
Đầu những năm 90 kinh tế đất nước dần chuyển đổi sang kinh tế thị trường, công việc nhiều, đồng tiền luân chuyển, đời sống người dân khá lên. Gia đình ông cũng chuyển từ làm nông sang kinh doanh nhỏ chợ huyện. Hai con trai ông lần lượt trưởng thành xây dựng gia đình. Để các con tự lập, ông bà vay mượn mua cho hai con hai mảnh đất rộng 10m, sâu 25m cạnh đường to, dựng căn nhà gỗ cho chúng ở. Đứa con gái út của ông bà mấy năm trước lấy chồng, ông bà cắt cho con 5m đất làm nhà.
Cách nay 5 năm, vợ ông đổ bệnh, ông đưa bà đi hết viện này viện kia, tiền của ông bà dành dụm mấy chục năm ngoài tiền ông bà mua 2 mảnh đất cho hai con trai ông dồn hết chữa bệnh cho bà, mà bệnh bà không khỏi.
***
Một mình ông trong căn nhà trống vắng, buồn lắm…Khi buồn ông lại nhớ tới bà. Lúc ông bà còn song toàn bà nấu cho ông ăn, những khi ông thích món gì là bà kì cạch làm món đó cho ông. Từ ngày bà mất ông ít cười, ít nói; cơm canh ông tự nấu, tự ăn. Các con ở gần nhưng ông không nhờ vả chuyện cơm nước. Người già vậy đó. Ngày nào con cháu cũng đến thăm ông, không đứa này thì đứa kia. Ông cũng nguôi ngoai nỗi nhớ bà, bớt đi sự cô đơn.
Một hôm hai cặp vợ chồng con trai cùng lúc đến thăm ông, chúng biếu ông một cân chè Thái. Con trai lớn nói:
- Chúng con bàn nhau đến thưa chuyện với bố, mẹ con không may mất sớm, còn mình bố rất mong bố giữ gìn sức khỏe, bên cạnh đã có chúng con. Có công việc gì bố cứ gọi chúng con…
Thấy con dừng lại ở đó, ông biết đây mới là màn mở đầu còn nội dung thì ông chưa hình dung ra. Ông gợi ý:
- Còn gì nữa không?
- Chúng con thống nhất thưa chuyện với bố thế này: Từ lâu chúng con đã định thưa chuyện với bố mẹ, chưa kịp nói thì mẹ con mất. Mẹ con mất đến nay đã 3 năm rồi. Hôm nay chúng con mới dám thưa chuyện với bố. Bố mẹ sinh ra ba anh em con, xây dựng gia đình cho chúng con.
Em gái con xây dựng gia đình, bố mẹ cắt cho em con mấy mét đất mà ông bà khai mở, bố mẹ xây dựng lên. Phần đất còn lại chúng con có ý kiến với bố chia thành ba phần, bố một phần, cho chúng con mỗi gia đình một phần…Dạ chúng con có ý kiến thế thôi ạ.
Ông Đạt không tỏ gì trên khuôn mặt nhăm nheo, nhẹ nhàng nói:
- Việc các con có ý kiến, bố trả lời các con sau.
***
Bốn tuần sau, ông tổ chức bữa cơm gia đình, ông “mời” gia đình các con ông bữa cơm đạm bạc, ông cho các con ông biết 30 năm trở về trước bữa cơm thường ngày của mọi gia đình người Việt chỉ có rau và rau, nước chấm là nước muối, cơm độn sắn độn bo bo. Đời sống người dân khốn khổ không phải do đế quốc, phong kiến mà do chính sách của nền kinh tế ấu trĩ.
Ông nói với các con ông quá trình bố mẹ chúng từ người nông dân “tự chuyển hóa” thành dân thị thành ra sao, bước chân vào kinh doanh thế nào, quá trình vay và vốn, phát triển “tư bản” tiền đẻ ra tiền, thuận lợi và khó khăn; xây dựng gia đình, mua đất cho các con,…Cuối cùng ông nói về mảnh đất ông đang sở hữu “quyền sử dụng đất”: mảnh đất của ông đang có ông giữ nguyên phần đất ngôi nhà ông đang ở, phần đất còn lại ông bán, tiền ông gửi nhân hàng lấy lãi hàng tháng chi dùng cho cuộc sống.
Các con ông không vui nhưng không có kiến gì.
Tháng trước ông bán hai mảnh đất được tỉ mốt, gửi vào ba ngân hàng một tỉ, một trăm triệu ông định mua một số nội thất cần thiết, sắm cái điện thoại gạt gạt, đi Hà Nội khám tổng quát, về thăm họ hàng nội ngoại, đi du lịch một số nơi.
Bây giờ ông sống cho ông.
Chuyện làng quê