KỲ 20
SỰ KIỆN 21: THĂNG LONG MANG TÊN HÀ NỘI (1831).
Năm 1819 Gia Long mất. Minh Mệnh (1820-1840) lên thay. Ông vua này muốn nối chí của Lê Thánh Tông xưa, tiến hành một loạt cải cách hành chính nhằm tập trung quyền lực vào tay nhà vua. Để đạt mục đích đó nhà Nguyễn thi hành tứ bất (4 không): không đặt chức Tể tướng, không phong vương cho hoàng thân quốc thích, không phong hoàng hậu trong hậu cung, thi không lấy học vị Trạng nguyên. Năm 1831 để thực hiện cải cách hành chính, Minh Mệnh chia nứơc thành 30 tỉnh: 12 tỉnh phía nam, giữa là phủ Thừa Thiên, phía Bắc 18 tỉnh. Tỉnh Hà Nội ( gọi Hà Nội vì tỉnh nằm trong hai con sông: sông Hồng và sông Đáy) ra đời từ đó. Tỉnh Hà Nội bao gồm thành Thăng Long, Huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây cùng ba phủ Ứng Hoà, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam, gồm 5 phủ, 15 huyện. Thăng Long trở thành tỉnh lỵ cuả tỉnh Hà Nội, từ đó Thăng Long được gọi là Hà Nội (Hà Thành). Khu vực kinh thành Thăng Long cũ gồm hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận và huyện Từ liêm lập thành phủ Hoài Đức. Huyện Thọ Xương có 116 phường, thôn, trại, huyện Vĩnh thuận có 27 phường, thôn, trại.
Từ là kinh đô đến đời Nguyễn bị hạ cấp xuống tỉnh lỵ của một tỉnh nên Hà Nội có nhiều biến đổi, khu Văn Miếu- Quốc Tử Giám không còn là trung tâm đào tạo nhân tài. Các kỳ thi Hội (lấy học vị Phó bảng và Tiến sĩ) đã chuyển vào kinh thành Phú Xuân. Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám cũng được chuyển vào Huế. Tuy nhiên năm 1802 khu Quốc Tử Giám, Văn Miếu Hà Nội được nhà Nguyễn xây thêm Khuê Văn Các. Hà Nội được một trường thi hương ở phố Tràng Thi, xây Cục bảo tuyền (phố Tràng Tiền). Thi sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu bổ đền Ngọc Sơn, xây đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Tháp Bút Đài Nghiên. Chùa Báo Ân được tổng đốc Hà nội Nguyễn Văn Giai cho xây dựng ngay trên nền lầu Ngũ Long thời Lê-Trịnh. Chùa này xây trong bốn năm mới xong. Tiếc rằng sau này Quân Pháp đã phá chùa để xây bưu điện Bờ Hồ, phủ Thống sứ Bắc kỳ.
Các nhà văn hoá sinh ra trên đất Hà Thành vào thời kỳ này có nhà Thơ Cao Bá Quát (người Gia Lâm, Hà Nội), từng được mệnh danh là “Thánh” trong làng thơ chữ Hán: Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu 1795-1872, quê nay là xã Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội)) Thánh Quát. Nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh (đầu thế kỷ XIX, quê nay thuộc xã Quảng An, Từ Liêm, Hà Nội) mà giới văn chương quen gọi là Bà Huỵện Thanh Quan như một huyền thoại. Có lẽ nữ thi sĩ rất chạnh lòng khi nhìn Thăng Long biến thành tỉnh lỵ và nhiều thay đổi. Tâm sự này được bà gói trọn trong bài “ Thăng Long thành hoài cổ:
Tạo Hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay đã trãi mấy phong sương
Vết xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Không là kinh đô của Vương triều Nguyễn, nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm của cả nước về kinh tế và văn hoá. Một người nước ngoài có mặt ở Hà Nội giữa thế kỷ XIX đã viết: “ Mặc dù không còn là nơi vua, chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là một thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn. Phải nói rằng trong khắp vương quốc, không có ngành công nghiệp nào khác ngoài Kẻ Chợ và tất cả Bắc Kỳ, Nam Kỳ không nơi nào vượt qua được nơi này. Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn, chính ở đó đã sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu và những đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại đó chính là trái tim đất nước”[1].
(Còn nữa)
CVL
-----------------------
[1] . Dẫn theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Lịch sử Hà Nội. NXB Hà Nội. 2004. Tr. 36.