link tải gowin99 mới nhất

36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 18)

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 18

SỰ KIỆN 19: VUA QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH Ở THĂNG LONG (1789).

Vốn có dã tâm xâm lược Đại Việt, được Lê Chiêu Thống cầu viện, vua Càn Long nhà Thanh điều động 29 vạn quân chiến đấu, 60 vạn dân binh phục dịch, do Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm Tổng chỉ huy chia làm 4 đạo tiến vào nước ta. Trong đó đạo chủ lực lên tới 20 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến vào Thăng Long. Trước thế mạnh của giặc, quân Tây Sơn ở Bắc Hà do Đại tư mã Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chỉ huy tạm bỏ kinh thành Thăng Long về lập phòng tuyến ở Tam Điệp (Ninh Bình). Ngày 16-12-1788 (dương lịch) quân Thanh tràn vào Thăng Long và miền Bắc Đại Việt hầu như không gặp một sức kháng cự nào, điều đó khiến Tôn Sĩ Nghị hết sức chủ quan. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh ngừng cuộc tấn công, đóng quân lại ăn tết Kỷ Dậu, dự tính ngày 31-1-1789 (6-1 âm lịch) sẽ vào Phú Xuân bắt sống Nguyễn Huệ. Nghị nói “Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi tới đây, cần phải nghỉ ngơi, không nên đánh vội. Giặc gầy mà ta béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt”.

dh1anh-3g-jpg-1670154054.jpg
Gò Đống Đa, nơi ghi lại chiến công giải phóng Thăng Long của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Tuy nhiên Tôn Sĩ Nghị vẫn bố trí thế trận phòng ngự tạm thời như sau: Đại bản doanh của chủ soái Tôn Sĩ Nghị đóng ở cung Tây Long, có 10 vạn quân dàn thành thế trận chiến đấu bảo vệ, 10 vạn quân đóng ở bờ bắc sông Nhị sẵn sàng tiếp ứng, Nghị cho bắc cầu phao qua sông để tiện đi lại. Đạo quân của Sầm Nghi Đống từ Cao Bằng tiến xuống được bố trí đóng ở Khương Thượng (Gò Đống Đa), bảo vệ mặt tây nam Thăng Long. Ở phía nam Thăng Long Tôn Sĩ Nghị cho lập một hệ thống đồn luỹ kiên cố, trong đó chủ chốt nhất là đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Nội) có hàng vạn quân do phó soái cuộc viễn chinh là Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy tạo nên một phòng tuyến vững chắc bảo vệ mặt nam Thăng Long. Quân Thanh ở Thăng Long thả sức giết người, cướp bóc, hãm hiếp không kiêng sợ gì cả. Thăng Long gặp đại họa, vận nước thật là nguy nan. Nhân dân Thăng Long và Bắc Hà chỉ còn biết trông cậy vào ngọn cờ quân Tây Sơn cứu nước, giải phóng kinh thành.

          Ngày 21-12-1788 tại kinh thành Phú Xuân Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long. Ngày 22-12-1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, tự nhận lấy trách nhiệm cứu nước, tập trung quyền lực vào tay để tiến hành một công việc to lớn vẻ vang: đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Ngày 23-12-1788, vua Quang Trung thống lĩnh 5 vạn quân đi gấp ra Bắc. Ngày 26 -12, quân Tây Sơn đã  tới Nghệ An[1]. Tại đây vua Quang Trung ra lệnh tuyển thêm quân, tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, đọc một bài hịch động viên tinh thần yêu nước cho quân đội rồi lại tiếp tục dẫn đại quân tiến ra Bắc. Tới Thanh Hoá, vua Quang Trung tiếp tục tuyển quân và đây là cuộc tuyển quân sâu rộng. Giáo sĩ người Pháp Bitxase có mặt tại nước ta khi đó đã viết trong hồi ký của mình: “Ông (Quang Trung ) đi suốt ngày đêm, dọc đường dùng quyền lực thu nạp tất cả những người có thể cầm được vũ khí”. Tại Thanh Hoá còn lưu truyền câu ca nói lên khí thế tòng quân của thanh niên khi đó:

          Anh đi theo chúa Tây Sơn

          Em về cày cuốc mà thương mẹ già[2]

          Những đợt tuyển quân ở Nghệ An và Thanh Hoá đã nâng quân số Tây Sơn lên 10 vạn. Những tân binh mới nhập ngũ đều được xếp ở trung quân do Quang Trung chỉ huy và bao giờ cũng chiến thắng. Tại Thanh Hoá, Quang Trung làm lễ thệ sư ở Thọ Hạc. Ông mặc chiến bào, giáp trụ, cưỡi voi động viên và ra lệnh cho các tướng sĩ. Huệ dứt lời, quân lính dạ ran như sấm rung động cả hang núi, làm cho trời đất biến đổi cả cánh sắc. Rồi Quang Trung thúc quân đi gấp ra Tam Điệp.

          Ngày 15-1-1789 (20-12 âm lịch), quân Tây Sơn tới Tam Điệp. Với một thiên tài quân sự, Vua Quang Trung biết rằng Tôn Sĩ Nghị đang tấn công mà dừng lại ở Thăng Long ăn tết là một sai lầm nghiêm trọng về quân sự, quân Thanh đang ở thế tấn công bỗng lâm vào thế phòng ngự, đang ở thế chủ động lâm vào thế bị động. Đó là thời cơ để quân Tây Sơn tiêu diệt quân địch. Tận dụng thời cơ đó, Vua Quang Trung quyết tâm tiêu diệt quân Thanh trước ngày 6 tết âm lịch, ngày mà quân Thanh bắt đầu cuộc hành quân sau khi ăn tết. Để thực hiện chiến dịch Thăng Long thắng lợi, Quang Trung xác định hướng tấn công chủ yếu  là đánh thẳng vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị-đầu não của quân xâm lược, nơi tập trung toàn bộ quân chủ lực của quân Thanh, nơi quyết định sống còn của toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược. Muốn vậy trước tiên phải đập tan tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở phía nam, mở toang cánh cửa vào Thăng Long. Để thực hiện chiến dịch Thăng Long thắng lợi, Quang Trung chia 10 vạn quân thành 5 đạo: Đạo chủ lực do vua Quang Trung trực tiếp chỉ huy, bao gồm nhiều quân binh chủng: bộ binh, kỵ binh, tượng binh, Vũ khí ngoài giáo, mác, cung tên còn có hoả hổ (một loại ống đồng phun ra lửa đốt cháy rất dữ dội), đại bác (đặt trên mình voi như một loại pháo tự hành). Đạo chủ lực có sức công phá mạnh, cơ động nhanh, có nhiêm vụ phá tan hệ thống phòng ngự phía nam và tiến vào giải phóng Thăng Long. Đạo thứ hai do Đô Đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy tiến qua Nhân Chính (nay thuộc phường Nhân Chính, Thanh Xuân Hà Nội) tấn công tiêu diệt đạo quân của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa) rồi qua ô Chợ Dừa thọc nhanh vào Tây Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị làm cho quân địch choáng váng tự tan vỡ. Đạo thứ 3 do đô đốc Bảo chỉ huy, đi theo đường Sơn Minh, Ứng Hoà ( Hà Nội), tiếp ứng cho đạo chủ lực hoặc cho đạo quân của Đặng Tiến Đông. Đạo thứ tư là đạo thuỷ quân do Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy vào sông Lục Đầu tiêu diệt đạo quân Thanh ở Hải Dương, đạo thứ 5 là đạo thuỷ quân do Đô Đốc Lộc chỉ huy vào sông Lục Đầu tiến Lên Bắc Giang, chặn đường tiêu diệt quân Thanh bại trận tháo chạy về nước.

          Chiến dịch giải phóng Thăng Long bắt đầu.

          Đêm 25 tháng 12 năm 1789 (30-12 âm lịch) đạo quân chủ lực của vua Quang Trung vượt sông Gián Khẩu bắt đầu chiến dịch. Toàn bộ quân Thanh ở bờ sông Nguỵệt Quyết và Nhật Tảo bị tiêu diệt. Nửa đêm 28-1 (mùng 3 tết âm lịch) quân Tây Sơn buộc quân địch ở đồn Hà Hồi phải đầu hàng.

          Đêm 30-1-1789 (Mùng 5 âm lịch Kỷ Dậu), đạo quân chủ lực do vua Quang Trung chỉ huy mở cuộc tấn công dũng mãnh vào phía nam đồn Ngọc Hồi. Quân Tây Sơn đầu buộc  khăn đỏ, dương cờ đỏ biểu hiện tinh thần quyết chiến. Vua Quang Trung buộc khăn vàng vào cổ, cưỡi voi ra trực tiếp chỉ huy trận đánh. Trong đêm tối quân Tây Sơn tràn qua đồn Bình Vọng, ào ạt xông tới Ngọc Hồi, đi đầu là 100 con voi chiến hùng mạnh công phá. Chủ tướng đồn Ngọc Hồi là Đề đốc Hứa Thế Hanh tung đội kỵ binh thiện chiến ra đối phó nhưng gặp voi, ngựa sợ hãi chạy trở về chà đạp lên nhau tan vỡ. Quân Thanh rút vào đồn luỹ cố thủ, dùng đại bác và hoả khí bắn xuống dữ dội như mưa để cản bước quân Tây Sơn. Vua Quang Trung ra lệnh cho đội voi chiến rẽ về hai bên tả, hữu của đồn, nhường đường cho đội xung kích lao lên. Đội xung kích gồm 600 dũng sĩ cảm tử, lưng giắt dao ngắn, 200 người đi đầu khiêng 20 tấm ván dầy, bện rơm thấm nước che súng đạn và lửa cho 400 dũng sĩ theo sau làm cho súng đạn quân Thanh mất hiệu lực. Quân Thanh dùng hoả đồng phun khói lửa nhằm làm quân Tây Sơn rối loạn. Khắp chiến trường khói lửa mịt mù, gang tấc không trông thấy nhau. Quân Tây Sơn họp lại đông như kiến cỏ, thế ào ạt như nước thuỷ triều dâng. Đến chiến luỹ đội cảm tử bỏ mộc, dùng đoản dao và vũ khí phá tan cửa luỹ, mở đường cho kỵ binh, bộ binh ào ạt tiến vào. 100 con voi từ hai cánh đông-tây cũng tạt vào. Quân Tây Sơn tung hoành chém giết. Từ trên mình voi quân Tây Sơn dùng đại bác, hoả hổ đốt phá chiến luỹ và doanh trại quân địch. Đồn Ngọc Hồi ngập chìm trong khói lửa. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy tán loạn, dầy xéo lên nhau mà chết. Địch tháo chạy ra ngoài luỹ theo hướng bắc, vướng địa lôi do chính chúng cài mà chết thêm vô kể. Mô tả trận quyết chiến khủng khiếp này, Hoàng Lê nhất thống chí viết: “ Quân Thanh chống cự không nổi bỏ chạy tán loạn, dầy xéo lên nhau mà chết, quân Tây Sơn thừa thế chém giết lung tung, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành sông. Quân Thanh đại bại”[3]. Toàn bộ phòng tuyến phía nam Thăng Long sụp đổ. Chỉ huy trưởng mặt trận phía nam kiêm phó soái cuộc viễn chinh  Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng quân tả dực quân Thượng Duy Thăng đều tử trận. Số quân Thanh còn lại theo Tổng binh Trương Triều Long chạy về hướng Thăng Long nhưng bị kỵ binh Tây Sơn đón đường làm cho khiếp sợ chạy dạt về hướng Tây. Khi qua cầu Vĩnh Quỳnh ( Thanh Trì, Hà Nội) gặp đội tượng binh của Đô đốc Bảo chặn trước mặt, sau lưng quân Tây Sơn truy kích tới. Quân Thanh bị dồn vào Đầm Mực (phía tây làng Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì Hà Nội) và bị voi Tây Sơn dầy đạp chết hàng vạn tên, trong đó có Tổng binh Trương Triều Long. Như vậy chỉ một buổi sáng ngày 5 tết kỷ dậu, quân Tây Sơn đã phá tan cứ điểm Ngọc Hồi, tiêu diệt 3 vạn quân địch, trong đó có 3 danh tướng cao cấp nhà Thanh, đập nát tuyến phòng thủ phía nam, mở toang cánh cửa vào Thăng Long.

          Trong khi đạo quân chủ lực đang quyết chiến ở mặt trận phía nam Thăng Long thì cùng sáng 5 tết, khi trời còn tối đạo quân do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đã vượt sông Tô Lịch tiến đánh đồn Khương Thượng. Trong phút chốc 5.000 quân Thanh bị tiêu diệt. Sầm Nghi Đống rút lên núi Loa Sơn cầm cự. Nhân dân Thăng Long đem rơm rạ chất cao như núi quanh đồn Khương Thượng mà đốt tạo nên thế trận rồng lửa dữ dội. Bốn bề lửa cháy rực trời, tiếng reo hò chém giết dậy đất. Quân Thanh tan vỡ, bị chém giết, phần tự dẫm đạp lên nhau mà chết. Thế cùng lực kiệt Sầm Nghi Đống treo cổ tự sát. Đội thân binh của Sầm chết theo chủ  vài trăm tên. Đồn Khương Thượng với vài vạn tên địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Tây Sơn thừa thắng tiêu diệt luôn đồn Yên Quyết (Nam Đồng, Hà Nội) và tràn vào cửa Tây Nam Thăng Long. Sự thần tốc xuất hiện của quân Tây Sơn uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị làm cho Nghị hoảng loạn. Dù trong tay còn gần 20 vạn quân mà Nghị hoảng loạn, không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên, dẫn bọn cận vệ qua cầu phao nhằm hướng bắc bỏ chạy. Gần 20 vạn quân Thanh ở các doanh trại nghe tin chủ tướng bỏ chạy cũng tự tan vỡ tranh nhau qua cầu phao rơi xuống sông chết vô kể. Tôn Sĩ Nghị sợ quân Tây Sơn qua cầu đuổi theo ra lênh chặt cầu làm hàng vạn quân Thanh rơi xuống nước chết, xác lấp kín sông Nhị làm tắc nghẽn dòng chảy của nước. Tàn quân Thanh và Tôn Sĩ Nghị chạy đến Phượng Nhãn (Bắc Giang) bị quân của Đô Đốc Lộc chặn đánh tan tác phải chạy dạt vào rừng. Tôn Sĩ Nghị bỏ hết mọi thứ kể cả sắc thư, kỳ bài, ấn chủ soái của vua Càn Long ban để chạy. Nghị cùng viên bí thư riêng Trần Nguyên Nhiếp chạy 7 ngày 7 đêm nhịn đói nhị khát mới về được trấn Nam Quan. Cảnh chạy trốn đó làm cho miền biên ải phía Nam Trung Quốc rung động. Từ Nam Quan về bắc già, trẻ, trai, gái dắt díu bồng bế nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm lạnh ngắt không một bóng người.

          Quân Thanh ở Hải Dương cũng bị quân Tây Sơn Tiêu diệt. Đạo quân của Ô Đại Kinh hoảng loạn tháo chaỵ về nước. Trong 5 ngày chiến đấu, vua Quang Trung đã tiêu diệt hầu như toàn bộ 20 vạn quân  và hàng loạt các tướng lĩnh cao cấp của nhà Thanh: Đề Đốc kiêm phó soái cuộc Nam chinh Hứa Thế Hanh, phó tướng Hình Đôn Hạnh, các Tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hoá Long, tri phủ Sầm Nghi Đống, các tham tướng Dương Hưng Long, Vương Tuyên, Anh Lâm và hàng chục võ quan cao cấp khác. Chiến thắng oanh liệt này của quân Tây Sơn đã giải phóng Thăng Long và miền Bắc, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Thanh, bảo vê độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Chiến thắng Ngọc Hồi- Thăng Long đã kết thúc vĩnh viễn sự xâm lược của Phong kiến Trung Quốc đối với nước ta.

          Sau chiến thắng năm 1789, nhà Tây Sơn tuy đóng đô ở Phú Xuân nhưng vẫn cho tu bổ những công trình ở Thăng Long bị chiến tranh tàn phá, như tu sửa chùa Kim Liên bên cạnh Tây Hồ. Những chính sách tiến bộ của vua Quang Trung về kinh tế, văn hoá cũng ảnh hưởng đến Thăng Long. Những chính sách khuyến nông, khuyến khích phát triển thương mại đã góp phần làm cho kinh tế Thăng Long phát triển vào những năm cuối cùng thế kỷ XVIII sau những biến loạn, chiến tranh nội chiến. Nguyễn Huy Lượng trong bài “ Tụng Tây Hồ phú” đã ca ngợi công đức của vua Quang Trung đối với đất nuơc nói chung và Thăng Long nói riêng. Hoàng hậu nhà Tây Sơn, công chúa Lê Ngọc Hân cũng viết về Quang Trung:

          Mà nay áo vải cờ đào

          Giúp dân dựng nước xiết bao công trình

(Còn nữa)

CVL

------------------------

[1] . Đường từ Húê ra Nghệ An khoảng 363 km, trung bình mỗi ngày quân Tây Sơn đi dược 121 km với số quân 5 vạn người, trong điều kiện đường sá khó khăn khi đó. Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa biết được bí quyết đạt tốc độ thần tốc như  trên cuả Quân đội Tây Sơn.

[2] . Trong số thanh niên thanh Hoá tòng quân có hai anh em Bùi Hữu Thự và Bùi Hữu Hiếu quê Nông Cống. Bùi Hữu Hiếu sau này được phong Đại Đô Đốc Tây sơn vào năm 1796. Xem Cao Văn Liên. Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô Đốc Bùi Hữu Hiếu.NXB Thanh Niên. H. 2005.

[3] . Ngô gia vắn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. NXB Văn Học. H.1964..