Bài thơ “Trong lời mẹ hát” là bài thơ rất hay của nhà thơ Trương Nam Hương viết về mẹ. Bài thơ được tác giả cho đăng lần đầu tiên trên báo “Khăn quàng đỏ”, năm 1987; sau được tuyển in trong rất nhiều tập thơ thiếu nhi. Rồi đến năm 2005, một phần của bài thơ (hai khổ thơ đầu nối với hai khổ thơ cuối) lại được trích in và đưa vào học trong nhà trường ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2. Và đến năm 2023, bài thơ lại được tuyển chọn đưa vào học ở chương trình Ngữ văn lớp 8, tập 1, bộ sách Chân trời sáng tạo. Nói qua như vậy để thấy bài thơ rất có duyên với lứa tuổi học trò trong nhà trường. Có lẽ cái duyên này không phải nhà thơ nào cũng có được.
Theo tác giả Yên Khương trong bài viết “Nhà thơ Trương Nam Hương: Tôi đã phải tốn kém hơi nhiều khi có thơ in trong sách giáo khoa” chúng ta được biết bài thơ “Trong lời mẹ hát” được nhà thơ Trương Nam Hương viết “trong lúc ru con, viết để nhớ những tháng năm thơ bé của mình cũng là nhớ lại những lời ru ngày xưa của mẹ. Mỗi lần tôi đưa nôi là một lần con tôi bồng bềnh trong lời thơ ấy (nói đúng hơn, đầy đủ hơn là chính tôi cũng đang bồng bềnh trong các miền kí ức tuổi thơ của mình). Tôi nhớ về mẹ, về quê hương, về những miền đất, về những năm tháng gian nan khó nghèo đã cưu mang nuôi dưỡng mình. Đẹp, buồn và trong trẻo biết bao. Không chỉ có thế, bài thơ còn là một phần đời chính người mẹ của tôi. Tất cả sự vật, hình ảnh trong bài thơ tôi lấy chất liệu từ quê ngoại của mình: Kinh Bắc” (Thể thao và gowin99 , số ra ngày 29 tháng 3 năm 2009).
Vậy là rất rõ. Bài thơ là sự trải lòng của người con trong nỗi nhớ cồn cào, da diết về mẹ; về vùng quê Kinh Bắc của mẹ; về những kỷ niệm thời thơ ấu của chính mình bên mẹ. Có lẽ ngay từ tuổi ấu thơ, bẩm sinh đã được trời phú cho một tâm hồn rất nhạy cảm của một thi sĩ nên Trương Nam Hương đã nhớ như in, không quên dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong lời ru của mẹ, trong những nghĩ suy và dáng hình của mẹ để sau này khi hát ru con nhà thơ lại tái hiện một cách đầy đủ và sinh động những lời ru của mẹ. Phải chăng trong hoàn cảnh riêng của mình, tuổi thơ sớm mất mẹ (qua đời khi nhà thơ mới 12 tuổi) nên ký ức về người mẹ hiền tần tảo, vị tha lúc nào cũng ám ảnh Trương Nam Hương và được nhà thơ mang theo trong suốt hành trình tha hương của mình cho nên mỗi khi chạm vào cái huyệt nhạy cảm ấy thì cảm xúc cứ dào dạt dâng trào một cách rất tự nhiên nhưng cũng rưng rức, nức nở để thức dậy trong lòng người đọc tất cả các cung bậc của cảm xúc về tình mẹ. Những tình thương nỗi nhớ người mẹ hiền yêu quí khôn nguôi của Trương Nam Hương đã khiến người đọc không khỏi chộn rộn trong lòng mà nhớ lại một miền ký ức xa xôi của tuổi thơ từng được đắm mình trong những câu hát, lời ru ầu ơ của mẹ. Cho nên không phải ngẫu nhiên sau khi đọc bài thơ, nhà thơ Định Hải lại nói rằng: “Hương viết cả cho mình đấy, không chỉ cho riêng thiếu nhi đâu, cho cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ mình cơ đấy”. Bởi thế đến với bài thơ ta như gặp lại chính mình.
“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao.
Con gặp trong lời mẹ hát
Cánh cò trắng, dải đồng xanh
Con yêu màu vàng hoa mướp
“Con gà cục tác lá chanh”.
Khóm trúc, lùm tre huyền thoại
Lời ru vấn vít dây trầu
Vầng trăng mẹ thời con gái
Vẫn còn thơm ngát hương cau.
Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Lạy trời đừng giông đừng bão
Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…
Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.
Áo mẹ bạc phơ bạc phếch
Vải nâu bục mối chỉ sờn
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.
Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.
Mẹ ơi, trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa.
(Theo “Ngữ văn lớp 8, tập 1”, Nguyễn Thị Hồng Nam,
Nguyễn Thành Thi - đồng chủ biên, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2023)
Đọc bài thơ “Trong lời mẹ hát” chúng ta thấy đây đúng là một khúc ca về mẹ. Bằng tất cả tình thương nhớ của mình với người mẹ hiền yêu quí Trương Nam Hương đã nói lên được những nỗi niềm xót xa và lòng biết ơn vô hạn của người con trước những hi sinh âm thầm, lặng lẽ của mẹ dành cho con. Tác phẩm có tám khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu, mỗi câu có sáu chữ (thể thơ sáu chữ) và được tổ chức thành ba phần để triển khai mạch cảm xúc theo hướng: hai khổ thơ đầu - lời hát ru của mẹ là cây cầu đưa con đến với những hình ảnh tươi đẹp của quê hương khi còn ấu thơ; năm khổ thơ tiếp theo – hình ảnh người mẹ hiền yêu quí ngày càng già đi theo thời gian, trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của con; khổ thơ cuối cùng - ý nghĩa, vai trò to lớn của những lời hát ru của mẹ - chắp cánh cho con bay xa, trưởng thành. Với cấu tứ này Trương Nam Hương đã gợi lên trong lòng người đọc hai quá trình phát triển song hành, tịnh tiến theo thời gian của người con và người mẹ. Sự vận động của người con là từ ấu thơ cho đến trưởng thành, bay xa. Quá trình phát triển này người con lớn dần cả về hình hài lẫn nhận thức. Sự vận động của người mẹ là từ trưởng thành, xinh đẹp chuyển sang già nua, biến dạng. Quá trình thay đổi của mẹ gắn liền với biết bao nỗi vất vả, tảo tần, hy sinh cho con. Song hành với các quá trình vận động này luôn có lời hát ru của mẹ. Có thể nói, cấu tứ của bài thơ như thế thì không chỉ thể hiện được sự thấu hiểu và biết ơn của người con với mẹ mà còn vang lên như một khúc ca bất diệt đầy ấm áp, ngọt ngào, say đắm về tình mẫu tử.
Trước tiên chúng ta hãy đến với phần thứ nhất của bài thơ để lắng nghe lời hát ru của mẹ khi đứa trẻ còn nằm trong vành nôi, nhịp võng. Ở đó, theo “dòng sông lời mẹ ngọt ngào” người con thấy cuộc sống quanh mình hiện lên trước mắt như một thế giới cổ tích lung linh cùng với những bức tranh tươi đẹp của quê hương xứ sở. Ở đây Trương Nam Hương không khắc họa hình ảnh người mẹ một cách trực tiếp bằng những nét vẽ thông thường. Nhà thơ đã để người mẹ hiện dần lên trong trí tưởng tượng của người đọc qua những lời hát ngọt ngào ru con. Có thể nói, với nghệ thuật khắc họa độc đáo này tác giả không chỉ cho ta thấy tấm lòng nhân ái bao la của người mẹ mà còn làm hiện lên hình ảnh của một người mẹ vô cùng tài giỏi. Cứ như thế, “sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy), những khúc hát ru của mẹ song hành cùng đời con, “đưa con đi cùng đất nước”. Và, thế là cả một thế giới của cổ tích, của ca dao theo câu hát của mẹ cứ lặng lẽ, âm thầm mà ùa vào, neo đậu, ngấm sâu vào trí nhớ để làm tươi mát cái tâm hồn bé bỏng, ngây thơ của người con. Lắng nghe trong cái thế giới ấy chúng ta như thể trông thấy “con cò bay lả bay la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”; như thể nghe thấy “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” … Một thế giới thật thanh bình, ngộ nghĩnh nhưng cũng rất sống động: rực rỡ sắc màu: “cánh cò trắng”, “dải đồng xanh”, “vàng hoa mướp” và rộn rã âm thanh “con gà cục tác”... Xem ra cái thế giới này trong sáng, tươi vui chứ không tủi cực, buồn thương như thể: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non”, “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao ”… Phải chăng ngay từ tấm bé người mẹ đã không muốn gieo vào cái tâm hồn còn non nớt, ngây thơ của người con những điều u ám, khổ đau để mong cho cuộc đời con sẽ gặp được những điều tươi sáng; muốn cho thế giới quan của con ngay từ khi mới mở mắt đã nhìn và nghe thấy những điều tốt đẹp, vui vẻ… Lòng mẹ là vậy! Nhưng đọc kỹ, phía sau bức tranh rực rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh ấy người ta vẫn nhận thấy ẩn trong câu chữ là bao nỗi vất vả nhọc nhằn của mẹ: “Chòng chành nhịp võng ca dao”. Từ láy “chòng chành” được dùng trong câu thơ khá đắc địa. “Chòng chành” có nghĩa là nghiêng đi nghiêng lại, không đứng yên vững vàng. “Chòng chành” đi cùng “nhịp võng ca dao” tạo thành cách nói ẩn dụ. Nó gợi cho ta hình dung thấy cánh võng đung đưa mà mẹ hát ru con ngủ; thấy âm điệu trầm bổng của những lời ru nhưng cũng gợi lên những “nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan” (Trần Đăng Khoa). Cách nói ẩn dụ kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ (đưa tính từ “chòng chành” lên đầu câu) chẳng những nhấn mạnh cái nỗi cực nhọc của mẹ mà còn làm ám ảnh người đọc, khiến người đọc không chỉ ngon giấc trong những câu hát du dương mà còn thổn thức, rưng rưng mỗi khi nhớ về mẹ. Có lẽ cũng bởi sự thấu hiểu ấy mà những lời hát ru của mẹ đã được nhà thơ khắc họa thành “Dòng sông lời mẹ ngọt ngào”. Cách nói cường điệu hay là nghệ thuật ẩn dụ ở đây thì cũng thực hay. Trương Nam Hương bằng sự thương nhớ và kính yêu mẹ mà đã ca ngợi những lời ru của mẹ hết lời. Lời ru của mẹ mênh mang (nhiều) và trong lành, mát ngọt như nước trên dòng sông như thế bảo sao người con chẳng nhớ suốt đời? Bởi thế dù ở đâu nhà thơ cũng nhớ về mẹ: “Con xa mẹ xa quê biền biệt thế / Hỡi hoa xoan ký ức tuổi lên mười / Chỉ sông Hồng thương mẹ hát đơn côi / Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt / Ăn hạt gạo mãi giờ con mới biết / Có sông và đời mẹ ở bên trong” (Với sông Hồng) - Trương Nam Hương chỉ viết là “xa mẹ” chứ không viết là “mất mẹ”; với nhà thơ mẹ chưa bao giờ “mất”, “mẹ vẫn ở trong anh, sâu thẳm, thiêng liêng, truyền cho anh động lực sống và yêu thương cuộc đời”. Vậy đấy, nói thêm chi tiết đó để thấy được tấm lòng thơm thảo của người con luôn hướng về người mẹ. Tình yêu và lòng biết ơn mẹ ấy được nhà thơ mãi mang theo trong mình; mang theo trong suốt hành trình của cuộc đời.
Phần thứ hai, nhà thơ khắc họa hình ảnh mẹ hiền thương của mình ngày càng già đi theo thời gian; trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của người con. Nét độc đáo trong cách tái hiện hình ảnh người mẹ ở đoạn thơ này là sự đồng hiện mẹ cùng với lời hát ru hoặc song hành trong sự thấu cảm và yêu thương của người con. Bắt đầu là hình ảnh người mẹ hiện về trong trí tưởng tượng của người con với khuôn mặt “vầng trăng” rạng ngời sáng trong và “thơm ngát hương cau” của thời con gái. Tiếp theo là hình ảnh mẹ hiện lên với những công việc lao động của cuộc sống lao động thường nhật như “giã gạo”, cấy trồng “dập dờn sóng lúa” trong những nỗi chịu thương, chịu khó, vất vả, lam lũ “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch/ Vải nâu bục mối chỉ sờn”. Và cuối cùng là hình ảnh mẹ hiện lên với chiếc lưng còng và mái đầu bạc trắng. Với cách thể hiện ấy, thực chất Trương Nam Hương đã tái hiện hành trình cuộc đời của mẹ. Đó là hành trình của “một đời khốn khó”. Trong suốt hành trình ấy người ta thấy bà mẹ hiện lên thật vĩ đại, dù có khó khăn, vất vả đến đâu thì mẹ vẫn “giàu những tiếng ru nôi”, “lời mẹ vẫn thảo thơm”, hy sinh cho con, dành cho con mọi điều tốt đẹp nhất trên đời. Hành trình cuộc đời mẹ là một hành trình đánh đổi: “Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”.
Cùng với hành trình cuộc đời, lời ru của mẹ đã bồi dưỡng tâm hồn con không chỉ là những sắc màu tươi đẹp của cuộc sống mà còn cả những huyền thoại mở ra những trang sử hào hùng của dân tộc với hình ảnh cây tre của làng Phù Đổng; các giá trị nhân văn “vấn vít dây trầu” để nhắc nhở tình yêu thương trong “Sự tích trầu cau”. Đặc biệt, hiện lên trong đoạn thơ này là bao nỗi niềm thương xót cho cuộc đời vất vả vì con của mẹ trong mắt người con. Những âm thanh “thập thình” của tiếng giã gạo trong nỗi lo giông bão; những nỗi phấp phỏng đợi chờ xen lẫn ước mong “sóng lúa” hóa thành “hạt gạo”; những nỗi xót thương “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch”, “Vải nâu bục mối chỉ sờn”; những cái giật mình lo lắng bởi trên đầu mẹ “Một màu trắng đến nôn nao” và tấm lưng mẹ “cứ còng dần xuống” là những cơn sóng lòng xót xa của nhà thơ tưởng như đang thắt lại.
Đọc phần hai của bài thơ ta thấy ngoài các chất liệu của văn học dân gian, nhà thơ đã lựa chọn sử dụng khá nhiều các hình ảnh rất bình dị của cuộc sống nhưng giàu tính tạo hình, như thể: “Vầng trăng mẹ thời con gái”, “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch”, “Vải nâu bục mối chỉ sờn”, “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao”, “Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”; đặc biệt là việc sử dụng rất nhiều các từ láy: vấn vít, thập thình, dập dờn, bạc phơ bạc phếch, nôn nao cùng với các biện pháp tu từ như: ẩn dụ “Vầng trăng mẹ thời con gái”, nhân hóa “Thời gian chạy qua tóc mẹ”, tương phản “Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao” … để gợi lại cuộc đời của mẹ với bao nỗi vất vả, đắng cay nhưng giàu tình thương; để thấy được sự thay đổi về dáng hình, diện mạo của mẹ theo thời gian; đồng thời cũng là để gửi gắm những nỗi niềm nhớ thương da diết của người con dành cho mẹ trong sự thấu hiểu, cảm thông. Cái nỗi niềm ấy đã có lần được nhà thơ bộc bạch: “Mẹ một đời thầm lặng sống bao dung/ Dắt lúa lội qua mùa Đông thoi thóp/ Mẹ từng giấu vào đêm nghìn giọt khóc/ Quả bàng khô chờ rụng lúc không người” (Với sông Hồng).
Đọc bài thơ, hẳn là người ta không khỏi chạnh lòng, xót xa trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng của mẹ: “Thời gian chạy qua tóc mẹ/ Một màu trắng đến nôn nao/ Lưng mẹ cứ còng dần xuống/ Cho con ngày một thêm cao”. Hình ảnh thơ này lại làm ta nhớ đến hình ảnh của mẹ trong bài thơ của Đỗ Trung Lai: “Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng/ Cau-ngọn xanh rờn/ Mẹ-đầu bạc trắng/ Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp/ Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất”. Phải chăng quy luật của đời người với sinh – lão – bệnh – tử đã được các nhà thơ nhìn thấy trong sự đổi thay của mẹ. Quy luật ấy là điều không ai muốn nhưng cũng không ai tránh khỏi. Cái điều không nói ra nhưng trong sâu thẳm lòng mình nhà thơ không khỏi buồn lo, xót thương cho mẹ. Cái già xộc đến cùng với những nỗi khổ của hành trình cuộc đời mà mẹ từng phải trải qua càng làm cho nhà thơ thắt lòng. Nỗi đau tưởng như được nén chặt ấy cũng có lúc không giữ được khiến nhà thơ phát ra trong một tiếng thở dài: “Mẹ giờ hóa nén hương thơm đỏ/ Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn/ Khói thắt se vòng lo mẹ nặng/ Cõi về cong vít cả thân nhang” (Mẹ). Dù có yêu thương, lo lắng đến bao nhiêu cho mẹ thì các nhà thơ cũng phải lặng nhìn và bất lực với thời gian. Bởi vậy, ngắm nhìn mái đầu bạc trắng cùng cái dáng lưng còng ngày càng kéo xuống gần mặt đất như thế ai chẳng nao lòng, cuống quít, hốt hoảng cho mẹ ... Như thế bảo sao những câu thơ không khỏi xúc động, rưng rưng mà lấy đi không ít nước mắt của người đọc.
Phần cuối cùng của bài thơ: “Mẹ ơi, trong lời mẹ hát/ Có cả cuộc đời hiện ra/ Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa” là một bản tình ca về tình mẫu tử. Từ sự yêu thương và thấu hiểu về mẹ, nhà thơ đã nhận ra đời mẹ, tình mẹ, mong ước của mẹ “trong lời mẹ hát”. Chẳng những thế người con còn nhân ra ý nghĩa của những lời ru của mẹ “Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa". Ở đây ta thấy nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất tinh tế để tạo nên một hình ảnh rất cụ thể: “Lời ru chắp con đôi cánh” nhằm thể hiện vai trò của lời hát ru đối với người con, mỗi đứa trẻ. Lời hát ru ấy sẽ ngấm sâu vào trong tâm hồn người con và được người con mang theo suốt cuộc đời. Nó là động lực, sức mạnh để người con vững tin bước vào cuộc sống, để trên đường đời mỗi bước con đi được “chân cứng đá mềm’. Câu hát ru ấy phải chăng chính là mẹ. Mẹ luôn ở bên con, che chở giúp cho con vượt qua những khó khăn, gian lao. Cái ý thơ ấy lại làm ta nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên: “Dù ở gần con/ Dù ở xa con/ Lên rừng xuống bể/ Cò sẽ tìm con/ Cò mãi yêu con/ Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò). Rất kiệm lời, hình ảnh giản dị nhưng lại rất sang trọng, câu thơ của Trương Nam Hương giống một dòng suối nguồn trong trẻo, ngọt ngào về tình mẫu tử cao đẹp và thiêng liêng. Suối nguồn tươi mát ấy, tin chắc rằng sẽ không bao giờ vơi cạn và chảy mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.
Đọc thơ Trương Nam Hương ta thấy hình như “mẹ” là một đức tin, một tín ngưỡng tối cao. Nhớ lại có lần ông kể: “mẹ ông mất vào năm 1976, khi ông vừa qua tuổi 12 một chút. Cho đến bây giờ, sự ra đi của mẹ vẫn còn là nỗi ám ảnh với ông” (Nhà thơ Trương Nam Hương: Thơ là người bạn cuối cùng – Hồ Sơn). Phải chăng như thế mà ngoài bài thơ “Trong lời mẹ hát” ra thơ ông rất hay viết về mẹ và có những câu thơ hay đến thắt lòng: “Tủi thân khói bếp ngày xưa. Mẹ nhen cho tối giao thừa bớt suông” (Khói bếp xưa), “Mẹ không còn và mắt anh cay/ Cứ ẩn hiện dáng đời trong câu hát”. “Lòng mẹ ta nhân hậu vô vàn/ Vẻ thanh thoát nét hào hoa của trúc/ Cũng nói lên cốt cách của làng/ Đêm nay ngồi nghe em thay mẹ hát” (Nhớ mẹ và làng Quan họ), “Mẹ ru hời hạt thóc - những mong tôi…/ Tóc người lẫn với mưa nguồn chớp bể”. Đặt bài thơ trong dòng chảy ấy ta mới thấy được sự thiêng liêng của tình mẫu tử; mới thấy hết được sự biết ơn mẹ đến vô cùng của nhà thơ. Và ẩn hiện phía sau tình mẫu tử ấy, qua các bức tranh về cảnh vật và những sắc màu trong khúc hát ru chúng ta còn thấy hiện lên cả một tình yêu quê hương Kinh Bắc của mẹ trong lòng nhà thơ cũng không kém phần tha thiết của một người con tha phương ở tận mãi cõi trời Nam. Thế đấy bài thơ của Trương Nam Hương da diết, thương yêu và thao thức lòng người là vậy.
________________________
*Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, TP Hà Nội