Giai điệu của bài hát tha thiết, bay bổng và lắng đọng. Nghe giai điệu và ca từ của bài hát, tôi ước gì thời gian quay trở lại. Tôi ước ao được gặp lại các thầy cô và bạn bè xưa để đắm mình trong sự hồn nhiên, trong sáng. Tôi còn nhớ cô Huệ dạy tôi hồi lớp 1 ở nhà Tám Mái (nay thuộc tổ 12, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Tôi biết ơn cô Kim dạy tôi cách viết văn miêu tả khi tôi học lớp 4 ở trường cấp I Ngọc Thụy (Nay là trường Tiểu học Lý Thường Kiệt). Tôi nhớ sự tận tụy, cần mẫn của thầy Công, thầy Hùng dạy toán, cô Hoan, thầy Hưng dạy văn, cô Quỳnh dạy sinh vật, cô Quỳnh Tư dạy Nga văn, cô Lan dạy hoá, thầy Đức Hưng dạy thể dục, thầy Chương dạy địa... ở trường cấp II Ngọc Thụy. Tôi còn nhớ hồi lớp 7, tôi cùng Phương Thanh, Thành, Giao đóng trong vở kịch "Nổi gió" của Đào Hồng Cầm. Phương Thanh đóng vai chị chị Vân. Thành đóng vai đại uý Thất Linh. Còn tôi và Giao đóng vai lính bốn và lính sáu. Thế mà đã hơn 50 năm rồi đấy Khi vào cấp III, thầy trò trường Nguyễn Gia Thiều sơ tán về thôn Bắc Cầu - xã Ngọc Thụy - huyện Gia Lâm - Hà Nội. Hình bóng các thầy cô còn in đậm trong tôi. Tôi nhớ cô Tân, thầy Hãn, thầy Thắng, thầy Ngọc, thầy Giao dạy toán. Bên bờ sông Hồng tiếng hát của thày Giao cao vút, sôi nổi dạy chúng tôi bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi. Tôi vẫn nhớ thầy Quế, thầy Khuông, cô Băng Tâm, thầy Cao Lý dạy văn, cô Đỗ Tâm, thầy Lâm, thầy Hải dạy Lý, thầy Khánh dạy sinh vật, thầy Phúc dạy sử, cô Nhã dạy hóa, cô Phong dạy chính trị, thầy Cầu, thầy Giản dạy Trung văn. Và tôi nhớ nhất hình ảnh cô Nhã chủ nhiệm tôi hồi lớp 9B, lớp 10B. Quên sao được hình ảnh của cô vừa nghiêm khắc vừa ân cần khi một nhóm chúng tôi trốn học đi chùa Thày (Hà Tây). Nhóm chúng tôi gồm các bạn: Nhâm, Xuyên, Duyên, Lựu, Lộc, Lưu, Dũng, Vinh, Quang (cận), Long... Và tôi nhớ như in cái ngày chúng tôi hát bài “Tiếng chày trên có Bom Bo” của Xuân Hồng bên ụ pháo 57 ly ở đầu cầu Long Biên Hà Nội gồm năm đôi nam nữ: Nhâm, Xuyên, Duyên, Lựu, Lộc, Danh, Quý, Nhân, Ánh Hồng và tôi. Tôi còn nhớ thầy Thuần hiệu trưởng, thầy Mai hiệu phó và cô Liên ở phòng thí nghiệm. Người gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là thầy Quế, ông ngoại của các con tôi. Vào sư phạm học ở Cầu Giấy, Hà Nội, tôi nhớ thầy Thục, thầy Mẫn dạy ngôn ngữ, thầy Tương, thầy Kế dạy lý luận văn học, thầy Khang, thầy Rô (Thủy Ba) dạy văn học nước ngoài, thầy Cấu dạy Trung văn, cô Hằng dạy Văn học Việt Nam và chủ nhiệm chúng tôi. Năm ngoái chúng tôi đến thăm cô Hằng ở 34 Trần Phú, Hà Nội. Cô đã gần 90 tuổi và đi lại bắt đầu khó khăn. Nhưng cô vẫn nhớ tên từng học trò một. Cô bảo tôi “Đắc đọc cho cô nghe một bài thơ của em đi”. Ở trường Sư Phạm, tôi nhớ buổi thi văn nghệ toàn trường. Tôi và anh Lam (Đông Anh Hà Nội) song ca bài "Bác cùng chúng cháu hành quân" của Huy Thục. Chúng tôi được giải nhì của trường Sư Phạm. Tôi nhớ Thành (ở Tân Đảo về) nhà ở số 229 Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) Đống Đa, Hà Nội trong buổi sinh nhật bạn. Tôi nhớ anh bạn Huệ cùng tôi lang thang trong mưa phùn dưới tán những cây bàng đang bật chồi non tơ ở Cầu Giấy Hà Nội. Tôi nhớ Nhọn ở phố Đại Cồ Việt, Hà Nội mặc chiếc áo len màu xanh lam trong mùa đông năm cuối ở trường Sư Phạm. Giờ tất cả như một giấc mơ...
Tôi nhớ thầy Bình, thầy Đường, thầy Bích, thầy Hưởng khoa tiếng Pháp của trường ĐHSP. Tôi nhớ câu chuyện của thầy Bình: "Hồi tôi sang Pháp, tôi cứ mải ngắm cửa hàng cửa hiệu ở Pari tráng lệ. Tôi vô ý dẫm vào gót giầy của một bà người Pháp đi trước. Tôi luống cuống ngượng ngập chưa kịp nói gì thì bà ấy đã quay lại xin lỗi tôi. Người Pháp văn minh, lịch sự quá các em ạ!". Năm ấy, tôi ngồi cùng bàn với anh Phạm Gia Khiêm. Mỗi lần đi công tác anh lại nói với tôi:"Em chép bài cẩn thận, thứ 4 này cho anh mượn chép lại nhé". Hồi ấy anh Khiêm còn ở Kim Liên, Hà Nội
Tôi tần ngần ngắm hàng phượng vĩ bên mái trường xưa. Tôi đứng lặng ở cổng thị trưởng Ngọc Lâm lối rẽ vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều bồi hồi tưởng nghe tiếng ríu rít, sôi nổi trò chuyện của các bạn cũ. Phần lớn các thầy cô dạy cấp II, cấp III của tôi đã đi xa. Các thầy cô của tôi sống trong thời bao cấp đầy thiếu thốn, gian khổ. Nước mắt tôi bỗng trào ra khi nghĩ về những thầy cô không còn nữa. Dáng thày, nụ cười của cô còn mãi trong tôi. Tôi như một đứa trẻ “mắt trò ngơ ngác chờ trông” và “xin khắc vào tim hình bóng thầy”. Tôi thầm cảm ơn hai tác giả của bài hát “Tiễn biệt thày” đã nói hộ trái tim thổn thức của bao thế hệ học trò đối với công lao to lớn của các thầy cô giáo. Vâng, xin khắc vào tim hình bóng thày cô mãi mãi...
Chiều 6/5/2020 – Đ.Đ.Đ