Kỳ 9. .
100 con voi chiến lao ra xông vào quân Pháp dưới làn đạn pháo hoặc súng trường. Voi bị bắn chết hoặc bị thương quay đầu chạy vào. Núp sau những mảnh tường bị phá, quân Pháp ném lựu đạn rồi xông vào dùng lưỡi lê và súng trường giáp chiến. Quân Đại Nam dùng súng hỏa mai, gươm, dao đánh giáp lá cà với quân Pháp. Trận chiến khốc liệt, thây đổ máu tuôn. Quân Pháp ưu thế vũ khí nên đánh bật quân Đại Nam khỏi tiền Đồn. Quân Đại Nam không tháo chạy mà bình tĩnh vừa đánh vừa rút vào Đồn Giữa. Hai bên giành dật từng khu vực một. Máu đổ làm ướt sũng các nền đất. Tại Đồn Giữa, Nguyễn Tri Phương nhận được báo cáo:
-Dạ, bẩm Tổng thống quân vụ, quân ta 1.000 người đã hy sinh, trong đó có tán lý quân vụ Nguyễn Duy đã anh dũng tử trận.
Người lính vừa dứt lời thì một phát đạn đại bác như ánh chớp lao vào. Người lính bay lên trong chớp lửa. Nguyễn Tri Phượng cũng bị trúng một vệ mảnh đạn vào bụng, máu phun ra đầm đìa. Lính hộ vệ vội xé áo băng tạm vết thương cầm máu. Nguyễn Tri Phương ra lệnh:
-Cho đại quân bỏ Đại Đồn rút về Thuận Kiều.
Được lệnh rút nhưng quân Đại Nam không tháo chạy mà vừa đi vừa bắn, dựa vào các bờ tường của thành và đi về các đồn khác và tiếp tục chiến đấu. Lá cờ vàng của đất nước vẫn tiếp tục tung bay kiêu hùng trong gió và trong đạn lửa theo bước chân của quân Đại Nam rút về Thuận Kiều. Sác lơ Lê ô na ra lệnh:
-Đại tá Cơ ru zat chỉ huy quận bộ tiến đánh Thuận Kiều.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Tại Thuận Kiều, quân Đại Nam chống trả kịch liệt. Cơ ru zat bị bắn trọng thương. Quân Đại Nam rút về Biên Hòa. Đại Đồn hoàn toàn thất thủ. Đó là ngày 28 tháng 2 năm 1861. Những người lính Đại Nam không rút kịp hoặc bị thương bị Sác lơ Lê ô na ra lệnh giết hết. Cuộc đánh chiếm Đại Đồn kết thúc bằng một cuộc thảm sát của quân Pháp với quân Đại Nam. Trong cảnh tượng chiến trường đổ nát máu lửa, thi hài lính Đại Nam với lính Pháp ngổn ngang. Sác lơ Lê ô na quan sát, lòng dạ sắt đá của tên thực dân cướp biển, tên phiêu lưu xâm lược không một chút động lòng. Hắn hỏi sĩ quan tham mưu thuộc cấp:
-Quân ta thiệt hại bao nhiêu?
-Dạ thưa Đô đốc, bên ta thiếu tướng Vát soa nơ bị thương vào cánh tay, đại tá Rốt lan xa bị đạn vào bắp chân, đại tá Cơ ron zat bị thương vào ngực, chuẩn úy Lơ se bơ le và thượng sĩ Do ly đều bị thương nặng. Trung tá hải quân lục chiến Tơ sơ tac dơ bị thương và chết ở bệnh viện dã chiến.
Đêm đó Sác lơ Lê ô na ngồi viết báo cáo gửi chính phủ Pháp. Viết xong, y tu một cốc rượu vang và đọc lại, báo cáo viết: “Trong trận Đại Đồn chúng ta đã chiến thắng nhưng có thiệt hại. Phía ta 19 người chết, trong đó có 1 sĩ quan cấp tá, 2/3 trong số 4.000 lính bị thương, trong đó có 5 sĩ quan. Về phía quân Việt 1.000 lính chết và bị thương. Trong hàng tướng lĩnh tử trận có Tham tán Phạm Thế Hiển, Tham tán lang trung Nguyễn Duy, em Nguyễn Tri Phương, Tán tương Tôn Thất Trĩ. Tổng thống quân thứ Gia Định Nguyễn Tri Phương bị trọng thương vào bụng. Chúng ta đã chiếm được Đại Đồn, lấy được 2.000 súng bắn đá lửa, 2.000 kg thuốc súng, 150 súng thần công các cỡ và nhiều lương thực.
Dù kém về vũ khí nhưng quân Đại Nam chiến đấu vô cùng gan dạ, dũng cảm và bình tĩnh. Khi Nguyễn Tri Phương ra lệnh rút khỏi Đại Đồn, họ không tháo chạy như ta thường thấy ở những đội quân bại trận mà rút từ từ, vừa rút vừa đánh. Lá quốc kỳ màu vàng của Đại Nam không bao giờ đổ gục mà liên tục bay cao theo bước chân của họ. Binh lính Đại Nam không bại trận mà chế độ phong kiến bảo thủ lạc hậu với đường lối quân sự sai lầm “thủ để hòa" mới là kẻ bại trận".
Sau khi chiếm Đại Đồn vài ngày, một hôm Sác lơ Lê ô na đang ngồi trong bản doanh thì có tình báo về báo:
-Dạ bẩm Đô đốc, triều đình Huế cử tướng Nguyễn Bá Nghi đem 4.000 quân chi viện cho Đại Đồn nhưng Đại Đồn đã thất thủ nên tướng Nghi đang đóng quân ở Biên Hòa.
Sác lơ Lê ô na chưa kịp đáp thì một tình báo khác lại vào báo:
-Dạ bẩm Đô đốc, một tướng của Trương Bá Nghi xin vào gặp.
-Cho vào.
Một người mặc võ phục quân Đại Nam bước vào. Người đó cúi chào Sác lơ Lê ô na. Sác lơ lê ô na gật đầu chào lại và nói gì đó với người phiên dịch. Người phiên dịch dịch lại:
-Ngài Đô đốc hỏi ngài đại diện cho ngài Trương Bá Nghi đến đây có việc gì?
-Thưa Đô đốc, tôi là Nguyễn Chiến, đại diện cho ngài Trương Bá Nghi đến truyền đạt rằng triều đình Huế muốn đàm phán nghị hòa với phía Chính phủ Pháp.
Sác lơ Lê on na nói:
-Ta sẵn sàng đàm phán nghị hòa với triều đình Huế.
-Đa tạ ngài Đô đốc, tôi sẽ nói lại với tướng Trương Bá Nghi ý muốn của ngài. Tạm biệt.
Lãnh binh Nguyễn Chiến về, Trương Bá Nghi vội hỏi:
-Ý của quân Pháp thế nào?
Nguyễn Chiến đáp:
-Người Pháp đồng ý ngồi đàm phán với triều đình ta.
Trương Bá Nghi viết một bức thư về cho Tự Đức. Tự Đức mở thư đọc. Thư viết: “Bẩm tấu hoàng thượng, việc nước ta ngày nay trừ một chước hòa thì không có chước nào khác. Hòa thì không ổn nhưng trông mong khôi phục về sau. Cúi mong hoàng thượng suy xét”.
Những sự kiện mất thành Gia Định, mất Đại Đồn và sau đó mất toàn bộ miền Gia Định cùng với bức thư của Trương Bá Nghi đã tạo ra một bước ngoặt nguy hiểm về đường lối của triều đình Huế. Từ chủ trương “Thủ để hòa”thì sau 1861, Tự Đức chuyển sang chủ trương hoàn toàn hòa nghị để mong bảo vệ đất nước.
Sau trận Đại Đồn, Tự Đức giáng chức Nguyễn Tri Phương xuống Tham trị Bộ lễ nhưng sau đó lai phục chức là Binh bộ Thượng thư.
V
Tháng 3 năm 1861, sau chiến thắng Đại Đồn, quân Pháp chia nhau chiếm giữ những mảnh đất mới chiếm ở trung tâm và Bắc Gia Định. Vài chục chiếc tàu chiến, trong đó có Đô đốc hạm là Tổng hành dinh của quân viễn chinh Pháp vẫn đậu giữa sông Sài Gòn. Buổi sáng tháng ba, nắng phương Nam chan hòa, mây trắng bay lang thang trên bầu trời, nắng rải xuống ấp thôn, kinh rạch tạo một màu xanh mênh mông bát ngát.
Trong căn phòng rộng, sang trọng của tàu Đô đốc hạm, Đô đốc Sác lơ Lê ô na đang họp các sĩ quan, những cốc thủy tinh hình quả trám to, rượu săm pa nhơ được rót gần tràn sóng sánh. Sác lơ Lê ô na nói:
-Xin các ngài nâng cốc chúc mừng chiến thắng của ta ở Đại Đồn, quét sạch được một cứ điểm mạnh của Đại Nam ở miền Nam.
Cả bọn đứng dậy chạm cốc với Sác lơ Lê ô na. Đó là chuẩn Đề đốc Pa gơ, Đại úy hải quân Buốc đanh, trung tá hải quân Đơ nô, trung úy úy Mao ly ni (Tây ban nha). Tất cả gần như đồng thanh nói:
-Xin chúc mừng Đô đốc, chúc mừng chiến thắng của chúng ta.
Rồi tất cả nghiêng cốc dốc cạn vào những cái mồm tham lam mép đầy râu ria. Khi tất cả đặt cốc xuống bàn và ngồi xuống, Sác lơ lê ô na nói:
-Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến để mở rộng đất đai chiếm đóng, tiêu diệt lực lượng của triều đình Đại Nam. Cố gắng một thời gian ngắn nhất chúng ta có thể làm chủ Nam Kỳ lục tỉnh. Chiến dịch sắp tới ta dự định đánh chiếm Biên Hòa, thứ hai là đánh chiếm Định Tường mà trọng tâm là thành phố Mỹ Tho trên bờ Tiền Giang. Nhưng ta không đủ lực lượng cùng một lúc đánh hai nơi. Các ngài cho biết nên đánh chiếm nơi nào trước?
Chuẩn Đề đốc Pa gơ nói:
-Thưa ngài Đô đốc, ta có thể đánh chiếm Định Tường trước vì đây là một tỉnh giàu lúa gạo của miền Nam. Chiếm Định Tường là cắt đứt nguồn gạo quan trọng của triều đình Huế và các nơi khác của Đại Nam.
Đại úy Buốc Đanh tiếp lời:
-Ta tán thành ý kiến của ngài chuẩn Đề đốc Pa gơ. Chiếm được Định Tường là chiếm được vị trí then chốt trong hệ thông giao thông đường thủy của đồng bằng Cửu Long, từ đó có thể đi Căm Bốt. Chiếm Định Tường ta có thể tiêu diệt được những đội quân ứng nghĩa, tự nổi dậy đánh Pháp của dân chúng miền Nam đã làm chúng ta nhiều trận khốn đốn, vì Định Tường là trung tâm của những cuộc kháng chiến lớn như của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…
Sác lơ Lê ô na nói:
-Hai ngài nói phải lắm. Trung úy Mao li ni nhận lệnh.
Mao li ni đứng dậy làm động tác dập chân nghiêm và nói:
-Có thuộc cấp.
-Trung úy dẫn một tàu đi dò đường xem cách bố phòng của quân Đại Nam, xem quân ta tiến công đường nào thì thuận tiện để công phá thành Mỹ Tho.
-Thuộc cấp tuân lệnh.
Trong cái mênh mông bát ngát của thôn ấp kênh rạch miền Nam thì Định Tường là trung tâm nối giữa miền Đông và miền Tây, nối Gia Định với Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trấn trị Định Tường là thành phố Mỹ Tho nằm trên bờ sông Mỹ Tho, từ Mỹ Tho đi ra sông Tiền Giang, từ đó đi được tới tất cả các tỉnh miền Tây và đi sang Cam Bốt. Sáng nay, trong dinh của Tổng đốc Định Tường, Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn cũng đang ngồi nghị sự với tuần phủ Nguyễn Hữu Thành, án sát Huỳnh Đắc Đạt, Phó đề đốc Đặng Đức. Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn nhấp một ly nước trà, đặt chén xuống bàn và nói:
-Đại Đồn Chí Hòa do Thượng thư Bộ hình Tôn Thất Hiệp đặt nền móng khởi công. Tiếp đến khi Tổng thống quân thứ Gia Định Nguyễn Tri Phương vào, đã huy động 3 vạn quân và dân xây dựng trong một năm mà chỉ cầm cự được vài ngày thì thất thủ. Không biết sau Gia Định và Đại Đồn, giặc sẽ tấn công Định Tường của ta hay nơi nào khác?
Nguyễn Công Nhàn vừa dứt lời thì có người lính vào báo:
-Dạ, thưa Tổng đốc, quân ta đã nhìn thấy một tàu chiến của Pháp tiến vào sông Bảo Định (kênh Trạm) và sau đó rẽ vào kênh Thường Mai.
Nguyễn Công Nhàn hỏi:
-Dọc đường đi nó có bắn phá không?
-Dạ thưa không.
Nguyễn Công Nhàn nói:
-Nó chỉ đi một tàu mà không bắn phá thì đây là tàu do thám dò đường. Thôi chết rồi, chúng chuẩn bị đánh chiếm Định Tường của ta rồi. Các ngài có cao kiến gì để chống giặc không?
(Còn nữa)