Kỳ 13.
Để tiếp tục đánh lừa triều đình Huế, ngày 25 tháng 5 năm 1862, Bô na trả lại tỉnh Vĩnh Long cho Đại Nam, gây thêm sự tin tưởng mù quáng vào quân xâm lược của triều đình Tự Đức. Triều đình đã gọi những người khởi nghĩa cứu nước là quân “Phiến loạn” và ra lệnh đàn áp, tiếp tay và cứu nguy cho Pháp xâm lược.
Không lâu sau đó, chính phủ Pháp cử La gơ ran Đuy re thay Bô na làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Một ngày tháng 8 năm 1864, La gơ ran Đuy re ngồi trong Tổng hành dinh ở Sài Sòn. Y vừa tu xong cốc rượu săm pa nhơ thì một thuộc cấp bước vào:
-Dạ, báo cáo Đô đốc, quân ta bên Căm Bốt thắng lớn, đã buộc triều đình Nô rô đôm ký hàng ước. Căm Bốt thành xứ bảo hộ của ta.
La gơ ran Đuy re tỏ vẻ vui mừng:
-Lạy Chúa tôi, tuyệt vời quá.
Lại một thuộc cấp bước vào, tay cầm bức điện:
-Dạ bẩm Đô đốc, có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ hải quân Pháp.
La gơ ran Đuy re mở điện đọc. Bức điện viết: “Chúng ta đã làm chủ Căm Bốt. Đô đốc phải nhanh chóng đánh chiếm ba tỉnh miền Tây của miền Nam Đại Nam để thông thương lãnh thổ Nam Kỳ với Căm Bốt. Hơn nữa cũng là thực hiện chỉ dụ của hoàng đế Na pô lê ông III là nhanh chóng chiếm toàn bộ Đại Nam làm thuộc địa”.
La gơ ran Đuy re nói với tên sĩ quan thuộc cấp:
-Báo cho các sĩ quan chuẩn bị lực lượng gồm 16 tàu chiến, 1.200 lính Pháp, 400 lính Việt tập trung ở Mỹ Tho để tiến đánh Vĩnh Long.
-Tuân lệnh Đô đốc.
Sáng 20 tháng 8 năm 1864, Kinh lược sứ triều đình là Phan Thanh Giản đang ngồi uống trà ở thành Vĩnh Long thì có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm Kinh lược sứ, 16 tàu chiến Pháp, hàng nghìn lính Pháp và Việt đã bao vây thành và gửi tối hậu thư cho ngài.
Phan Thanh Giản thất kinh, vội bóc tối hậu thư ra đọc. Thư viết: “Ta, Đô đốc La gơ ran Đuy re, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp yêu cầu ngài nộp thành ngay tức khắc. Nếu không, quân Pháp sẽ nổ súng”.
Sau một phút suy nghĩ, Phan Thanh Giản ra lệnh:
-Mở cổng thành cho quân Pháp, nếu không dân chúng và binh lính bị tàn sát vô ích.
-Dạ, tuân lệnh Kinh lược sứ.
Bốn cổng thành Vĩnh Long được mở toang, quân Pháp tràn vào không tốn một viên đạn. La gơ ran Đuy re nói với Phan Thanh Giản:
-Ngài là người biết điều và thương dân, thương lính. Nay ngài hãy viết thư khuyên tổng đốc các tỉnh An Giang và Hà Tiên hạ khí giới và nộp thành trì cho bản Đô đốc để khỏi tốn xương máu của dân Đại Nam.
Phan Thanh Giản đáp:
-Ta sẽ viết thư khuyên họ. Nhưng khi vào được các thành, ngài không được tàn sát binh lính và quấy nhiễu nhân dân.
-Ngài viết đi. Bản Đô đốc sẽ làm như vậy.
Sau khi viết thư và cho người đưa tới Tổng đốc An Giang và Hà Tiên, khuyên họ mở cổng thành đầu hàng giặc, Phan Thanh Giản tuyệt thực mười bảy ngày, dặn ba con là Phan Liêm, Phan Tôn và Phan Hương về quê cày ruộng làm ăn, không được nhận quan chức gì của Pháp. Phan Liêm (1833-1896), Phan Tôn (1837-1893) và Phan Hương cùng khóc:
-Chúng con xin vâng lời cha.
Phan Thanh Giản hỏi ba con:
-Tình hình An Giang và Hà Tiên thế nào rồi?
Phan Tôn nói:
-Thưa cha, 21-6-1867, quân Pháp chiếm An Giang và 24-6-1867 chúng lấy Hà Tiên.
Phan Thanh Giản ứa nước mắt nói:
-Vậy là Nam kỳ Lục tỉnh đã mất vào tay Pháp. Tất cả là tại cha. Tại cha đã ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 làm mất ba tỉnh miền Đông. Tại cha đã làm mất Vĩnh Long và khuyên hai tỉnh An Giang và Hà Tiên đầu hàng. Tại cha đã quá tin tưởng vào lời hứa, chữ ký của quân xâm lược lang sói. Cha còn mặt mũi nào mà áo mũ xênh xang giữa cái triều đình hèn nhát này nữa. Cha còn mặt mũi nào sống trên cõi đời này nữa khi trên cờ của những đội quân ứng nghĩa chống Pháp đều ghi "Phan- Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Cha đã là tội đồ của lịch sử dân tộc.
Nói rồi Phan Thanh Giản cầm tay ba con, nhìn Trần Phu nhân (Trần Thị Hoạch), ứa nước mắt. Ngày 4 tháng 8 năm 1867 Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn sau mười bảy ngày tuyệt thực, thọ 71 tuổi.
VIII
Tháng 5 năm 1875, phủ Thống đốc Sài Gòn tráng lệ vươn lên dưới bóng cây cối xanh tươi của miền Gia Định. Trời chưa vào tiết nóng bức nhưng nắng đã rải khắp không gian loang lổ. Từ sông Sài Gòn đưa những ngọn gió nhè nhẹ khắp nơi, gió vào trong không gian vườn của phủ khiến cây lá rung lên xào xạc.
Thống đốc Vích to Ô gi sơ tê đang ngồi thoải mái trên chiếc ghế bành êm dịu, trước mặt là chiếc bàn rộng bóng loáng màu sơn nâu. Vích to Ô gi sơ tê khoan khoái nhâm nhi cốc rượu vang. Không khoan khoái sao được, sau 16 năm lăn lộn với chiến trường Đại Nam, cận kề giữa sống và chết, cuối cùng tháng 11 năm 1874, Ô gi sơ tê cũng được Chính phủ Cộng hòa Pháp bổ nhiệm làm Thống đốc thứ 17 của Nam Kỳ, cho đến nay Ô gi sơ tê đã ngồi vào chiếc ghế nóng này được 7 tháng. Quả thực từ thời Thống đốc thứ nhất năm 1859 đến nay, dân chúng Nam Kỳ không thừa nhận nền thống trị của Pháp nên liên tục nổi dậy chống lại, mặc dù triều đình Huế đã ký hòa ước năm 1862, thừa nhận ba tỉnh Nam kỳ thuộc Pháp và ra lệnh bãi binh. Từ đó cho đến nay xung đột chiến tranh liên miên, thiệt hại không biết bao nhiêu sinh mạng của người Việt và người Pháp. Tuy nhiên, với vũ khí hiện đại, tàu chiến, đại bác, súng bộ binh bắn nhanh và nhiều vũ khí khác, các đời thống đốc đã đàn áp tàn bạo, hầu hết các cuộc khởi nghĩa lớn đã bị dập tắt, hầu hết các thủ lĩnh, không chịu đầu hàng, giữ tròn khí tiết, một lòng vì dân vì nước đã bị Pháp giết. Tuy vậy, Ô gi sơ tê vẫn phải đọc lại báo cáo tình hình chiến sự từ 1859 cho đến nay để đối phó với thực trạng hiện tại đã và sẽ diễn ra. Ô gi sơ tê gọi:
-Lính đâu.
Người sĩ quan tùy tùng bước vào:
-Dạ, thưa Thống đốc.
-Đem bản báo cáo tình hình chiến sự từ 1859 đến nay của Phòng Tham mưu phủ Thống đốc đến đây.
-Dạ, tuân lệnh.
Người lính đưa báo cáo đến. Ô gi sơ tê rót thêm một cốc rượu nữa vừa nhâm nhi vừa mở tập tài liệu và đọc chậm. Tài liệu viết: "Từ năm 1859 đến tháng 4 năm 1875, từ khi Pháp bắt đầu đánh thành Gia Định cho đến nay, đã đàn áp những cuộc khởi nghĩa lớn, chủ yếu là do những võ quan, trí thức của triều đình không tuân lệnh bãi binh của chính phủ Đại Nam, đứng về phía dân chúng, kiến quyết chống lại công cuộc chinh phục Nam Kỳ của người Pháp:
-Thứ nhất, cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định. Trương Công Định sinh năm 1820 tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha là Lãnh bị Trương Cầm, từng là Hữu thủy vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị (tại vị 1840-1847). Năm 1844, Trương Công Định theo cha vào Nam, kết duyên với bà Lê Thị Thưởng, con gái một hào phú ở Tân Hòa, Gò Công. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang lập đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định chiêu mộ dân lập đồn điền ở Gia Thuận, Gò Công. Vì vậy ông được triều đình bổ nhiệm chức Quản cơ, hàm lục bát phẩm. Năm 1859, Pháp đánh thành Gia Định, Trương Công Định đem quân của mình chống Pháp ở Cây Mai, Thị Nghè. Năm 1861, Trương Công Định đem quân cùng Nguyễn Tri Phương phòng thủ Đại Đồn Chí Hòa. Sau khi Đại Đồn thất thủ, Trương Công Định đem quân về Gò Công cùng Lưu Tiến Thiên, Lê Quang Quyền dấy binh giữ vùng Gia Định, Định Tường. Nghĩa quân Trương Công Định đã đánh Pháp trên một vùng rộng lớn Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, kéo dài đến biên giới Cam pu chia. Năm 1861, lực lượng của nghĩa quân lên tới 6.000 người, chia thành 18 cơ quân, thu được nhiều súng ống của Pháp và chế tạo thêm. Nghĩa quân Trương Công Định đã nhiều phen làm cho Pháp khốn đốn. Triều đình phong ông là Quản cơ, Phó Lãnh binh Gia Định.
Tháng 7 năm 1862, Triều đình ký hòa ước với Pháp nên ra lệnh cho các thủ lĩnh chống Pháp phải bãi binh, điều Trương Công Định ra Phú Yên. Ông kháng chỉ và ở lại kháng chiến với nhân dân. Trương Công Định cũng từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp Bô na, cũng từ chối chiếu bãi binh của Tự Đức do Phan Thanh Giản đem vào. Trương Công Định lui về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, dân chúng tôn ông là Bình Tây đại nguyên soái, xây dựng Gò Công thành bản doanh chống Pháp.
Ngày 16 tháng 2 năm 1862, Trương Công Định ra lệnh cho nghĩa quân tấn công Pháp ở ba tỉnh miền Đông, đẩy Pháp vào thế bị động lúng túng.
Tháng 2 năm 1863, Pháp tăng quân, vũ khí chiếm lại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26 tháng 2 năm 1863 Pháp chiếm Gò Công. Trương Công Định rút về Biên Hòa. Tháng 9 năm 1863, tướng La gơ ran di rơ thay Bô na mở cuộc càn quét, bắt được vợ con Trương Công Định. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Pháp nhờ tên Việt gian Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường đánh bất ngờ bản doanh của nghĩa quân ở Đầm Lá Tối Trời, Trương Công Định Bị thương vào xương sống và tự sát. Năm đó ông 44 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa lớn thứ hai là của Nguyễn Trung Trực, tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại thôn Bính Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An (Bến Lức), tỉnh Gia Định. Quê ông vốn ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là ông Nguyễn Văn Phùng, mẹ là bà Lê Kim Hồng. Do chiến tranh chúa Nguyễn với Tây Sơn, gia đình ông Nguyễn Văn Đạo di chuyển vào Gia Định, sống bằng nghề chài lưới lưu vực sông Vàm Cỏ. Lớn lên, Nguyễn Trung Trực được học võ tại Định Tường. Năm 1859, ông đoạt giải quán quân võ tại Cai Tài, Phủ Tân An, các võ sinh đều tôn Nguyễn Trung Trực làm thủ lĩnh tham gia đánh Pháp.
Tháng 2 năm 1859, Pháp đánh Gia Định, Nguyễn Trung Trực chiêu mộ một số nghĩa quân tham gia bảo vệ Đại Đồn Chí Hòa với Nguyễn Tri Phương. Sau Đó Nguyễn Trung Trực lui về Tân An. Ngày 10 Tháng 3 năm 1860 về thành Kỳ Hòa cùng chiến đấu với Trương Công Định, được phong là Quyền Sung quản Binh đạo. Sau khi thành Kỳ Hòa thất thủ, ông lui về Tân An. Ngày 12 tháng 4 năm 1861 thành Mỹ Tho (Định Tường ) thất thủ. Quân Pháp cho tàu chiến chạy trên các sông kiểm soát và làm đồn di động. Một tàu chiến Pháp mang tên Ét pê răng (Hi vọng) đậu án ngữ trên vàm Nhật Tảo (huyện Tân Trụ, Long An). Sáng 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực cùng Phó quản binh đạo Nguyễn Khắc Nhượng, Võ Văn Quang, Quản toán Nguyễn Hòe, hương thôn Hồ Quang Chiêu giả làm đoàn thuyền thương lái chở thóc, tiếp cận và đốt cháy tàu Hi vọng, diệt 45 lính.
(Còn nữa)
CVL