Kỳ 18.
Nhân cụ đồ Nho râu tóc trắng ngừng lại nhấp ly rượu, cụ chít khăn nâu hỏi:
-Nghe nói Trương Phúc Loan cực kỳ tham làm phải không cụ?
-Đúng vậy, Quốc phó tham lam nổi tiếng, thuế sản vật ở các mỏ vàng ở Thu Bồn, Đông Hương, Trà Sơn, Trà Vân và tất cả mỏ ở Đàng Trong đều rơi vào tay Tương Phúc Loan hết. Thu thuế một năm cho quốc gia xong, Trương Phúc Loạn chỉ nộp cho nhà nước một đến hai phần mười. Loan còn mua quỵt, vừa mua vừa cướp của thương nhân, đặc biệt là thương nhân nước ngoài.
Cụ chít khăn đen, áo dài đen nói:
-Nghe nói có trận lụt, vàng bạc bị ướt, Trương Phúc Loan đem ra phơi sáng chói cả một sân rộng lớn trong phủ. Cả nhà Trươg Phúc Loan chia nhau nắm giữ các chức vụ chủ chốt và làm hư hỏng bộ máy nhà nước, quan lại, công khai mua quan bán tước, ăn tiền và tha tội cho phạm nhân, hình phạt phiền nhiễu cốt để moi tiền, thuế má nặng nề. Dân Đàng Trong ta hiện nay đang chịu 1000 thứ thuế, Thuế thổ sản tính cả những sản vật nhỏ nhất. Năm 1741 ra lệnh trưng thu thuế cả những người bỏ trốn, năm 1765 có lệnh thu thuế cả 10 năm trước. Thu thuế nhiều nhưng tài chính kiệt quệ, dân tình vô cùng xơ xác đói nghèo. Chế độ thối nát thì ra sức hãm hại nhân tài như vụ hãm hại Tôn Thất Dục.
Cụ áo nâu nói:
-Đúng là “Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”, các cụ nhà mình xưa nói không sai.
Cụ râu tóc trắng nói:
-Cụ nói không sai, Triều đình tham lam nên quan lại các cấp cũng đua nhau vơ vét, ăn hối lộ công khai, đua nhau sống xa xỉ, coi tiền bạc như cỏ rác, coi thóc gạo như bùn đất. Quan to, quan nhỏ đua nhau xây nhà cao to, lầu son gác tía, tường gạch đá, đua nhau chạm trổ, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn là đồng sứ, bàn ghế toàn gỗ quý như gỗ đàn, gỗ trắc, lim, gụ…yên ngựa dây cương đều nạm vàng mạ bạc, áo quần là lượt, nệm hoa chiếu hoa, coi vàng bạc như cát, tóc gạo như bùn đất, đua nhau khoe khoang phú quý phong liêu, hoang phí vô cùng.
Cụ đồ Nho vừa ngừng lời thì lại một tốp trai tráng, có cả người trung niên dừng trước quán hỏi:
-Kính chào các cụ, xin các cụ chỉ giùm đường vào đèo An Khê ạ?
Cụ chít khăn đen hỏi:
-Các tráng sĩ vào chỗ Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc phải không?
-Dạ, đúng rồi ạ.
-Đây là đất Tuy Viễn, đất của Tây Sơn Vương rồi, còn đến căn cứ thì cứ theo con đường này đi thẳng về hướng Tây, gặp đường thượng đạo rẽ trái một dặm thì đến.
-Dạ, đa tạ các cụ. Xin cáo biệt.
Bốn cụ nhìn theo tốp trai tráng mà ngày mai họ sẽ trở thành những chiến binh của Tây Sơn Vương. Cụ đồ Nho nói:
-Quả nhiên cáo thị “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, chủ trương bình đẳng của Tây Sơn đã chấn động thiên hạ, thu hút dân nghèo đến quy tụ dưới lá cờ đỏ mong tìm con đường sống cho mình.
Cụ chít khăn đen hỏi cụ đồ Nho:
-Nghe nói gốc gác tổ tiên ba anh em Tây Sơn Vương ở trấn Nghệ An Đàng Ngoài phải không cụ?
-Đúng rồi, quê quán của ba anh em Tây Sơn Vương vốn ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Trấn Nghệ An. Trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn năm 1655-1660, quân Nguyễn Phúc Tần đánh tràn ra Nghệ An, bắt nhiều dân vào cùng dân Thanh Hóa khai hoang và tiến dần vào Nam. Tổ 4 đời của Tây Sơn Vương là Hồ Phi Long cũng bị bắt vào Đàng Trong. Cụ Long vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn và kết hôn với con gái họ Đinh. Cụ Hồ Phi Long sinh ra cụ Hồ Phi Tiễn, cụ Hồ Phi Tiễn, phu nhân là cụ bà Nguyễn Thị Đồng ở ấp Tây Sơn sinh ra cụ Hồ Phi Phúc. Cụ Hồ Phi Phúc có tám con, 5 con gái, ba con trai. Ba con trai là Nguyễn Nhạc, tức Tây Sơn Vương, người thứ hai là Nguyễn Hụê, thứ ba là Nguyễn Lữ. Cả ba người học cả văn và võ. Thầy dạy là nhà Nho có tiếng Trương Văn Hiến. Nhìn ba người diện mạo khôi ngô tuấn tú, dáng anh hùng hào kiệt, khí thế đế vương, thầy đồ Trương Văn Hiến biết ba người không phải người tầm thường, khuyên ba người nên khởi sự để xây dựng đại nghiệp, cứu vớt giang sơn, bách tính. Trương Văn Hiến còn đọc cho ba người nghe câu sấm truyền khi đó: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công”. Sau đó không rõ lý do gì, ba anh em từ họ Hồ đổi sang họ Nguyễn.
Cụ khăn đen, áo dài đen nói:
-Lão phu cũng đã được nghe lõm bõm như vậy. Đa tạ cụ đã nói rõ ràng mạch lạc cho lão phu hiểu thêm. Đúng là thời thế tạo anh hùng, cùng tắc biến.
Cụ đồ Nho nói:
-Đúng là thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng tạo nên thời thế. Ba anh em Tây Sơn Vương có tạo nên được thời thế, có thay thế được thời cuộc không, lão phu cùng các cụ còn phải chờ xem đã. Nào mời các cụ cạn ly.
-Đa tạ cụ, kính mời cụ.
Ba cụ già lại nâng ly và cạn. Trước mắt các cụ như thấy đỏ chói màu cờ của quân đội Tây Sơn đang phấp phới khắp Đàng Trong.
II
Một sáng mùa thu năm 1773, Nguyễn Nhạc đang ngồi trong tổng hành dinh ở Tây Sơn Trung, nắng rải xuống khắp đồi núi xanh rờn, rải xuống ngọn núi cao nhất hiểm trở nhất phía Nam đèo An Khê. Xa xa trong núi cao rừng thẳm có ngọn núi phía Bắc An Khê là hành dinh quân sự của của Nguyễn Huệ, Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu. Nơi đó còn có Huyền Khê được cử phụ trách quân lương của Tây Sơn. Nguyễn Nhạc vừa uống xong chén trà thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm Tây Sơn Vương, sau lễ tế cờ, tế thiên địa hôm qua thì hôm nay quân ta đã đánh lấy được hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn.
-Tướng nào đánh chiếm huyện Bồng Sơn?
-Dạ bẩm Tây Sơn Vương, là tướng Vũ Văn Dũng và Cao Tắc Tựu ạ.
-Tướng nào đánh lấy Phù Ly?
-Dạ, tướng Trần Quang Diệu và La Xuân Kiều ạ.
Lại có thám mã về báo:
-Dạ, bẩm chúa công, có tướng Trần Quang Diệu kéo quân về muốn gặp ạ.
-Cho vào.
-Dạ.
Trần Quang Diệu bước vào, đó là một võ tướng khôi ngô, oai phong lẫm liệt. Trần Quang Diệu cúi đầu thi lễ:
-Kính chào chúa công.
Nguyễn Nhạc đứng dậy đón Trần Quang Diệu:
-Miễn lễ.
-Đa tạ chúa công.
- Sau một lượt trà, Nguyễn Nhạc hỏi:
-Nghe nói các tướng quân đã đánh chiếm được Phù Ly, Bồng Sơn à?
Trần Quang Diệu đáp:
-Bẩm chúa công, đúng vậy, quan quân các huyện này nghe đến quân ta đã mất vía, mạt tướng chưa đánh chúng đã mở cửa đầu hàng. Hôm nay, mạt tướng kéo quân về đây là để hội quân với chúa công tấn công lấy thành Quy Nhơn, lấy được nơi quan trọng như vậy thì thế và lực của chúng ta mới phát triển ra Phú Xuân và vào trong Nam được.
Nguyễn Nhạc nói:
-Đánh thành Quy Nhơn là phải lắm, tướng quân nói chính hợp ý ta, có lấy được Quy Nhơn mới chia cắt lực lượng chúa Nguyễn thành hai nơi Nam- Bắc. Khi đó ta sẽ đánh tới Phú Xuân, đánh chiếm Gia Định, hoàn thành đại nghiệp. Người đâu?
-Dạ, bẩm chúa công.
-Đi mời tướng Nguyễn Khê, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Võ Văn Dũng về đây.
-Dạ, tuân lệnh chúa công.
(Còn nữa)
CVL