Kỳ 31.
-Được thua là chuyện bình thường của binh gia. Tướng quân đứng dậy đi.
-Đa tạ Khiêm Vương tha tội.
Sau một lượt trà, Mạc Kính Điển nói:
-Lần này chúng ta sẽ tấn công Thanh Hóa, trước hết tấn công vào Tống Sơn, nếu phá tan quân Nam Triều ta sẽ chiếm Tây Đô làm căn cứ vững chắc. Từ Tây Đô ta sẽ uy hiếp Vạn Lại-An Trường.
Mạc Ngọc Liễn nói:
-Mạt tướng xin đi tiên phong lập công chuộc tội.
-Tốt lắm, tướng quân về chuẩn bị đi.
-Mạt tướng tuân lệnh
Đó là một ngày tháng 11 năm 1579, Trịnh Tùng sau bữa cơm trưa đang ngồi uống trà thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm Tiết chế, quân Mạc do Mạc Ngọc Liễn làm tiên phong, Mạc Kính Điển thống lĩnh đã đánh vào phủ Hà Trung, đang tiến vào xã Chương Các rồi ạ.
-Bay đâu.
-Dạ.
-Gọi các tướng Đặng Huấn, Trịnh Văn Hải và Vũ Sư Thước vào đây.
-Dạ.
Tướng Đặng Huấn, Vũ Sư Thước và Trịnh Văn Hải bước vào:
-Kính chào Đô tướng Tiết chế.
Ngồi xuống đi.
Sau một lượt trà, Trịnh Tùng nói:
-Mạc Kính Điển đã đem 7 vạn quân tấn công vào Tống Sơn, phủ Hà Trung, hiện đã đến xã Chương Các. Tướng quân Vũ Sư Thước và Đặng Huấn.
-Dạ, có mạt tướng.
-Hai tướng quân đem 3 vạn quân bí mật đi qua Thái Đường, tiến ra Mục Sơn, gần sông Bình Hòa, chờ có pháo hiệu bắn lên trời thì đánh tập hậu vào sau lưng quân Mạc.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Tướng quân Trịnh Văn Hải.
-Dạ, có mạt tướng.
-Tướng quân đem 3 vạn quân đi tiên phong đến núi Kim Âu đánh vào trước mặt quân Mạc, phối hợp với Đặng Huấn, Vũ Sư Thước phá giặc.
-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.
Trịnh Văn Hải đến núi Kim Âu, canh ba đêm đó bắn pháo lên trời và tấn công vào mặt Nam doanh trại quân Mạc. Đặng Huấn và Vũ Sư Thước nhận được tín hiệu, từ cầu Bình Hòa tấn công phía sau quân Mạc. 7 vạn quân Mạc bị đánh bất ngờ và lọt vào vòng vây. Một trận chém giết khủng khiếp của 13 vạn người diễn ra trong đêm, tiếng gươm giáo chạm nhau tóe lửa chát chúa, tiếng reo hò vang dậy trời đất vùng phủ Hà Trung Thanh Hóa. Quân Nam Triều chiếm thế thượng phong. Hàng vạn quân Mạc bị giết, xác chồng chất chật cánh đồng Kim Âu. Sông Bình Hòa quánh đặc đỏ màu máu. Quân Mạc đại bại. Mạc Ngọc Liễn cố mở đường máu, đưa Mạc Kính Điển thoát vòng vây chạy về Đông Kinh. Tổng cộng 5 vạn quân Mạc bị tử trận, Quân Nam Triều cũng thiệt hại 2 vạn.
Tháng 8 năm 1580, Mạc Kính Điển do bệnh cũ tái phát, không ra trận được, ốm đang nằm trên giường trong tư dinh ở Đông Kinh. Có thám mã về báo:
-Dạ bẩm Khiêm Vương, tướng Mạc Ngọc Liễn và Nguyễn Quyện đem quân đánh Thanh Hóa nhưng bị tướng Nam Triều Vũ Sư Thước đánh bại ở Yên Định, đang trên đường rút về.
Mạc Kính Điển nói:
-Cho gọi Mạc Đôn Nhượng vào đây.
Mạc Đôn Nhượng vào. Mạc Kính Điển cầm tay em trai và nói:
-Huynh đã cố hết sức vì nhà Mạc ta, đã nhiều lần đem quân vào Thanh Hóa, có trận được, có trận thua nhưng việc cơ bản là tiêu diệt Nam Triều thì không hoàn thành. Đã thế, nay vận nước và nhà Mạc ta càng khó khăn chồng chất. Nhà Mạc đã mất Nghệ An, Thuận Hóa, không còn địa bàn để uy hiếp phía Nam Lê Trung Hưng. Nay vua ta là Mạc Mậu Hợp bất tài, không lo chính sự, quân sự, ngày đêm say sưa tửu sắc, tai quen nghe lời phỉnh nịnh. Ta nay không sống được nữa, tướng tài của triều đình ta rất ít, trong khi đó Nam Triều nổi lên tay Trịnh Tùng, tài thao lược hơn cả cha là Trịnh Kiểm ngày xưa. Nhà Mạc ta hơn 50 năm chinh chiến, nay vào lúc nhân tài vật lực hao mòn, sa sút. Nay may còn đệ, ta mất đi đệ phải gánh lấy trọng trách của triều đình, là trụ cột của nhà Mạc. Đệ đừng phụ sự ủy thác của ta…
Mạc Đôn Nhượng hoảng hốt:
-Huynh sẽ khỏi bệnh, huynh sẽ lại ra chiến trường, huynh đừng bỏ đệ, đừng bỏ triều đình. Đệ không thể và không có tài gánh vác được công việc chinh chiến nặng nhọc này. Huynh không được chết. Huynh chết thì quốc gia và triều đình nhà Mạc lâm nguy.
Mạc Kính Điển thở dài buồn bã:
-Số trời đã định, không thể cưỡng lại được. Đệ cho gọi hoàng thượng và triều thần vào đây.
-Dạ.
-Bay đâu.
-Dạ.
-Cho mời hoàng thượng và các đại thần vào đây.
-Dạ.
Một lát sau vua Mạc Mậu Hợp, các hoàng thân và các đại thần bước vào. Đó là những gương mặt quen thuộc của triều đình như Mạc Phúc Tư, Mạc Kính Chí, Mạc Kĩnh Vũ, Mạc Nhân Phú, Mạc Quang Khải, Mạc Nhân Quảng, Mạc Đại Đô, Mạc Lý Tường, Mạc Lý Hòa, Mạc Hiệp Cung, Mạc Đăng Lương…Bùi Văn Khuê, Nguyễn Quyện, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Áng…Mạc Kính Điển nói với Mạc Mậu Hợp và với các đại thần:
-Thần do số trời đã định, tuổi thọ đã hết, không còn sống để phò tá hoàng thượng được nữa. Thần đã ký thác cho em thần là Mạc Đôn Nhượng chức Tiết chế quân thủy bộ để tiếp tục giữ gìn cơ nghiệp nhà Mạc do Mạc Thái Tổ khổ công xây dựng nên, để phò tá triều đình và hoàng thượng. Mong hoàng thượng giữ mình, lấy quốc gia, xã tắc, triều đình làm trọng. Các đồng lưu, các đại thần hãy vì xã tắc, vì nhà Mạc mà ra sức tận trung. Được như vậy dưới suối vàng ta cũng yên lòng.
Những lời cuối cùng Mạc Kính Điển nói nhỏ dần. Trái tim vị Tiết chế thao lược Bắc Triều đã ngừng đập. Đó là tháng 11 năm 1580. Mạc Kính Điển là con trưởng Mạc Thái Tông, không rõ sinh năm nào, nhiếp chính từ 1546 đến năm 1580, phò tá 3 đời vua nhà Mạc.
Cái chết của Mạc Kính Điển, vị tướng tài thao lược nhất Bắc triều là một tổn thất to lớn cho nhà Mạc mà không ai có thể thay thế được. Trong khi đó vua Mạc Mậu Hợp bất tài, đam mê tửu sắc, việc dân chính, quân sự thường dựa hết vào Nhiếp chính vương. Nhiếp chính vương Tiết chế mới là Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng, con út Mạc Thái Tông, tài năng thao lược tầm thường. Cho nên Mạc Kính Điển ra đi là bước ngoặt đi xuống của nhà Mạc. Bắc Triều thiếu một Tiết chế tài thao lược tầm cỡ để khả dĩ có thể đối chọi được với Trịnh Tùng.
Sáng mùa đông, Đông Kinh chìm trong giá rét của tháng 11 năm 1581, bầu trời mây đen sì bay thấp là là như có thể chạm vòm mái cong đà đao của lâu đài biệt thự. Gió lạnh từng cơn thổi thốc tháo, lá vàng bay lả tả rơi rụng đầy phố. Vài đàn chim mải miết bay về phương Nam vô định. Phủ của quan Nhiếp chính mới Mạc Đôn Nhượng đông đủ các võ quan trụ cột của nhà Mạc. Gia nhân rót trà nóng bốc hơi vào từng bát đặt trên bàn. Mạc Đôn Nhượng ngồi ghế chủ nhân mời:
-Mời các tướng quân dùng trà cho nóng.
Mọi người bê bát trà và nói:
-Xin kính mời Ứng Vương Nhiếp chính, xin mời các quý vị tướng quân.
(Còn nữa)
CVL