Kỳ 28.
Lê Anh Tông cả sợ:
-Thế thì làm thế nào?
Cảnh Hạp nói:
-Hoàng thượng chỉ có thể chạy vào Nghệ An tạm thời lánh nạn.
Lê Anh Tông buồn rầu nói:
-Thôi cũng đành vậy thôi.
Canh ba đêm hôm đó, một xe hai ngựa kéo bí mật đưa vua Lê Anh Tông và 4 hoàng tử: Lê Duy Tùng, Lê Duy Kính, Lê Duy Khang, Lê Duy Vũ cùng Tuấn hoàng hậu Nguyễn Thị chạy vào đất Nghệ An. Tin vua bỏ chạy vào Nghệ An làm cho kinh thành Vạn Lại-An Trường chấn động. Trịnh Tùng ra lệnh:
-Gọi các đại thần thiết triều.
-Dạ.
Trống ngũ liên vang dồn dập khắp kinh thành Vạn Lai-An Trường. Các quan văn võ lần lượt vội vã đi vào điện Trung Phủ dự thiết triều. Ngai vàng bỏ không không có vua. Trịnh Tùng nói:
-Vua Lê Anh Tông được chúng ta phò tá trung thành, bỗng nhiên nghe lời dèm pha giết chết Thái phó Lê Cập Đệ rồi quá hoảng loạn bỏ ngai vàng mà đi. Nay nước một ngày không thể không có vua. Đại tướng Nguyễn Hữu Liêu đâu.
-Dạ, có mạt tướng.
-Đại tướng đem quân ngự lâm về Quảng Thi, Lôi Dương đón hoàng tử thứ 5 của vua Lê Anh Tông, tên là Lê Duy Đàm về để đăng quang hoàng đế.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Cả triều đình sợ Trịnh Tùng xanh mặt vì họ nghe phong phanh có lẽ Trịnh Tùng đã giết Lê Cập Đệ và đang có mưu giết vua Lê Anh Tông nên nhà vua hoảng sợ chạy trốn. Bá quan văn võ chờ ba canh giờ thì Nguyễn Hữu Liêu đưa hoàng tử Lê Duy Đàm về. Cậu bé mới 6 tuổi nhìn triều đình toàn người lạ, mếu máo khóc hỏi Nguyễn Hữu Liêu:
-Phụ vương ta đâu? Ngài nói đưa ta về gặp phụ vương, nay phụ vương ta đâu? Hu!hu!hu!
Nguyễn Hữu Liêu dỗ:
-Hoàng thượng mặc áo đội mũ ngồi lên ngai vàng thì phụ vương của hoàng thượng sẽ về.
Cậu bé Lê Duy Đàm nghe nói vậy thì đứng yên cho Nguyễn Hữu Liêu mặc áo vàng có rồng cuộn, đội mũ vàng đầy châu báu ngọc ngà long lanh. Nguyễn Hữu Liêu bế vua nhỏ lên ngai vàng. Văn võ bá quan vội quỳ xuống hô to:
-Chúc hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Quan nội giám ghé vào tai Lê Duy Đàm nói nhỏ:
-Nhà vua nói :Miễn lễ, các khanh bình thân.
Lê Duy Đàm nhắc lại:
-Miễn lễ, các khanh bình thân.
-Tạ ơn hoàng thượng.
Quan nội giám nói:
-Nay hoàng thượng mới đế hiệu là Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng.Năm nay là năm Quang Hưng thứ nhất.
-Hoàng thượng vạn vạn tuế.
Đầu tháng 2 năm 1573, Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu vào Nghệ An đón vua Lê Anh Tông. Lê Anh Tông trốn ra ruộng mía nhưng vẫn bị bắt. 22-2 -1573, Trịnh Tùng ngầm sai Tống Đức Vi bí mật giết vua ở Lỗi Dương và phao tin vua tự thắt cổ chết. Vua Lê Anh Tông hưởng thọ 41 tuổi, ở ngôi 17 năm, táng ở Lăng Bố Vệ.
Vua Lê Thế Tông còn nhỏ nên toàn bộ quyền bính Nam Triều vào tay Trịnh Tùng. Tùng đã diệt được Lê Anh Tông và các thế lực chống đối. Tùng tự phong mình làm Đô tướng Tiết chế, cầm quân thủy bộ của Lê Trung Hưng và các xứ, kiêm giữ các việc nước quan trọng. Tùng dùng Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, bọn Hoàng Đình Ái, Nguyễn Hữu Liêu, Vũ Sư Thước làm Thái phó. Vũ Sư Thước theo Trịnh Cối về với nhà Mạc nhưng sau lại quay về Nam Triều. Tùng phong tước Quận Công cho Trịnh Đỗ, Phạm Văn Khoái, Hà Thọ Lộc. Sự độc đoán chuyên quyền của Trịnh Tùng còn hơn cả Thái Tổ Minh Khang Trịnh Kiểm xưa.
* *
*
Trong biệt thự của mình ở Đông Kinh, đêm đã khuya mà Khiêm Vương Mạc Kính Điển vẫn còn thao thức. Trong cuộc chiến năm 1570 ở Thanh Hóa, Khiêm Vương thốt nhiên bị bệnh nhưng về Đông Kinh, nay sức khỏe đã trở lại bình thường, Khiêm Vương lại có thể cầm quân ra trận. Điều quan tâm hiện nay của Mạc Kính Điển không phải là sức khỏe mà vấn đề là tại sao Bắc Triều đã đem hết thao lược, dốc toàn lực rồi mà vẫn không tiêu diệt được Nam triều, còn thiếu một nhân tố gì trong binh pháp đây? Chợt Mạc Kính Điển đập tay xuống bàn:
-Phải rồi, phải lấy lại Nghệ An-Thuận Hóa để tạo gọng kìm, phía Bắc đánh vào, phía Nam đánh ra kẹp Nam Triều vào giữa mà tiêu diệt thì chắc chắn sẽ thành công.
-Bay đâu.
-Dạ.
-Cho gọi tướng Nguyễn Quyện vào đây.
-Dạ.
Nguyễn Quyện là con Thượng thư Nguyễn Thiến, trong vụ Phạm Quỳnh, Phạm Giao năm 1551 đã cùng cha, bố vợ Lê Bá Ly và nhiều anh em của hai nhà chạy về với Nam Triều, nhưng sau khi Nguyễn Thiến và Lê Bá Ly đã mất, Nguyễn Quyện nghe lời Nguyễn Bỉnh Khiêm là thầy học, tháng 8 năm 1557 lại cùng em là Nguyễn Miễn quay về với nhà Mạc. Nguyễn Quyện bước vào chào Mạc Kính Điển và hỏi:
-Khiêm Vương có kế hoạch gì mới chinh phạt Nam Triều chăng?
Mạc Kính Điển nói:
-Tướng quân chuẩn bị thuyền và 5 vạn quân cùng ta đánh Nghệ An.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Tháng 7 mùa hạ năm 1573, quân Mạc dùng 300 chiến thuyền cùng 5 vạn quân do Nguyễn Quyện đi tiên phong, Mạc Kính Điển làm chủ soái theo đường biển tiến vào sông Cả (sông Lam), cờ quạt rợp trời, khí thế hùng mạnh. Trấn thủ Nghệ An của Nam Triều là Nguyễn Bá Quỳnh đang ngồi uống trà ở tư dinh thì có thám mã về báo:
-Dạ bẩm quan tổng trấn.
-Có việc gì?
-Dạ, bẩm 5 vạn quân và 300 chiến thuyền nhà Mạc do Mạc Kính Điển trực tiếp chỉ huy đã tiến vào sông Cả.
-Hả, sao bây giờ mới báo. Bay đâu, tất cả lên mặt thành chuẩn bị chiến đấu.
-Dạ, tuân lệnh tổng trấn.
Trong khi quân lính ào ào lên mặt thành thì Nguyễn Bá Quỳnh thu vén vàng bạc tư trang rồi bỏ trốn. Nguyễn Quyện bao vây tấn công thành Nghê An. Quân Lê không ai chỉ huy chiến đấu. Mọi người nháo nhác hỏi:
-Quan Trấn thủ đâu?
-Nghe nói quan trấn thủ chạy trốn rồi.
Một lính trên mặt thành hỏi xuống:
-Chúng tôi đầu hàng có được tha mạng không?
Mạc Kính Điển đáp:
-Đầu hàng sẽ được tha chết. Ai chống cự giết không tha.
-Dạ.
Một lát sau mặt thành kéo cờ trắng, cổng thành mở toang. Quân Lê tay không khí giới cầm cờ trắng lũ lượt ra hàng. Mạc Kính Điển tha cho tất cả và biên chế vào quân Mạc. Một tướng Lê là Hoàng Quận Công Thái Bá Chiến chạy đến Bố Chính thì bị Nguyễn Quyện bắt và đem về Đông Kinh hành hình. Quân Mạc từ trấn trị đánh nống ra và chiếm được Nghệ An.
(Còn nữa)
CVL