Kỳ 43.
Lý Phật Tử như nằm trong giấc mơ, không khó nhọc gì, không mất một mũi tên hòn đạn, một tên lính, bỗng nhiên được một phần đất rộng lớn của Hoàng Châu. Với phần đất rộng lớn này, hắn trù tính sẽ xây dựng phát triển lực lượng để thâu tóm toàn bộ nước Vạn Xuân, giành lại ngai vàng, quyền lực. Lý Phật Tử dời trấn trị về thành Ô Diên, Tây Mê Linh. Nhưng rồi càng ngày hắn càng hiểu ra không thể dùng chiến tranh với Triệu Việt Vương mà đạt được tham vọng. Hắn chỉ có thể đạt được tham vọng bằng âm mưu quỷ kế, nhất là đối với một người nhân từ như Triệu Việt Vương. Thành công bước đầu đã cho hắn kinh nghiệm đó. Cho nên, trong cung điện Ô Diên, ngày đêm hắn nung nấu những kế hoạch, những âm mưu để lấy nước Vạn xuân, chiếm đoạt ngai vàng.
Nhã Lang, con trai lớn của Lý phật Tử thấy bố suốt ngày đăm chiêu suy nghĩ mưu kế để tiêu diệt Triệu Việt Vương, liền nói với Lý Phật Tử:
-Chúng ta không thể thắng Triệu Việt Vương bằng sức mạnh quân sự, qua 5 trận chiến, ta đã thua cả 5. Lực lượng quân sự của Triệu Việt Vương qua kháng chiến chống Lương trở nên hùng mạnh. Lại thêm tài quân sự của ông ta rất lỗi lạc, lại được những đại tướng giỏi như anh em Trương Hống, Trương Hát, Chiêu Công phò tá. Cho nên chúng ta chỉ có thể thắng Triệu Việt Vương bằng mưu kế.
Lý Phật Tử hỏi:
-Nhã nhi có mưu kế gì hay?
-Đó là mưu kế của Triệu Đà dùng để đánh An Dương Vương, chiếm nước Âu Lạc.
Ta không hiểu Lịch sử lắm, nói rõ hơn xem nào?
Nhã Lang đáp:
-Phụ thân biết rồi đấy, hài nhi đã lớn rồi mà chưa có thê thiếp, nương tử. Bên Triệu Việt Vương thì có công chúa lớn là Cảo Nương rất xinh đẹp, đoan trang, thùy mị nhưng nghe nói chưa có chồng. Phụ thân sang hỏi công chúa Cảo Nương cho con. Còn nói với Triệu Việt Vương cho con ở gửi rể ở thành Long Biên. Con sẽ dò la cách bố phòng, bí mật quân sự, gây dựng lực lượng, khi có thời cơ con sẽ làm nội ứng, mở cổng thành cho quân ta tấn công. Triệu Việt Vương bị bất ngờ chắc chắn là thất bại. Phụ thân có thể ngồi lên ngai vàng và cai trị toàn bộ nước Vạn Xuân.
Lý Phật Tử mừng rỡ nói:
-Quả là kế hay, con giỏi lắm.
Rồi Lý phật Tử viết một bức thư, sai Lý Đạo Quyền đưa về kinh thành Long Biên cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương mở thư đọc. Thư viết: “ Thần Lý Phật Tử khấu đầu trước Triệu Việt Vương bệ hạ. Muôn tâu, lo cho con cái là bổn phận của cha mẹ. Thần nay sống ở thành Ô Diên, trấn trị trên mảnh đất mà bệ hạ đã ban tặng, thật là đội ơn đức của bệ hạ. Nhưng thần còn một việc cầu xin. Nay thần có một con trai lớn là Nhã Lang, cũng có chút tài văn chương và võ nghệ, dung mạo tuấn tú, đã lớn rồi mà chưa có thê thiếp. Nghe nói bệ hạ có công chúa Cảo Nương bằng tuổi Nhã Lang mà còn kén chọn hôn nhân. Thần mạo muội ngỏ lời muốn kết thông gia với bệ hạ vì hạnh phúc của Nhã Lang và công chúa Cảo Nương và tình nghĩa của hai nhà Triệu-Lý càng thêm bền chặt, thắm thiết. Nếu hai trẻ đã thành phu thê, thần cũng xin bệ hạ cho thần gửi Nhã Lang ở Long Biên để bệ hạ dạy dỗ Nhã Lang nên người. Đội ơn bệ hạ. Lý Phật Tử kính thư”.
Triệu Việt Vương bảo Lý Đạo Quyền:
-Ngươi cứ về đi, ta sẽ bàn với người nhà và phải hỏi công chúa rồi phúc đáp sau.
-Dạ, thần mong Lý chúa công sẽ nhận được tin vui từ bệ hạ.
Rồi Triệu Việt Vương đem hai việc đó bàn với Chiêu Công, anh của quý phi Ngọc Nương, với Đại tướng Trương Hống, Trương Hát. Thái sư Chiêu Công nói:
-Lý phật Tử có ý tranh giành ngôi vua và muốn chiếm toàn bộ Vạn Xuân nhưng lực lượng quân sự không thể thắng nổi bệ hạ nên đây là mưu kế cho Nhã Lang gửi rể để làm nội ứng bên trong. Bệ Hạ không thể nghe được.
Đại tướng Trương Hát nói:
-Lấy công chúa Cảo Nương thì còn có thể là bình thường nhưng hà cớ gì phải ở gửi rể. Lý Phật Tử đâu phải không có nhà rộng sang trọng cho con ở. Đó là điều bất thường, đây là kế chui sâu làm nội ứng đã rõ ràng.
Trương Hống nói:
-Đây là kế của Triệu Đà Nam Việt ngày xưa đánh Âu Lạc không được đã lập mưu cho con trai là Trọng Thủy lấy công chúa Mỵ Châu và ở gửi rể ở Cổ Loa làm nội ứng và cuối cùng nước Âu Lạc mất, An Dương Vương phải chạy ra biển mà chết. Bệ hạ hãy lấy đất nước làm trọng, không thể không đề phòng.
Triệu Việt Vương thở dài:
-Con gái lớn thì phải gã chồng. Khi đã đồng ý gã cho người ta thì con rể cũng là con trong nhà. Khi đã là người nhà thì Nhã Lang về Long Biên ở thì có gì là lạ. Khi ta yêu cầu, từ chối ở gửi rể thì thật là buồn cười, coi con rể như người ngoài, sẽ ảnh hưởng tình thông gia và ảnh hưởng đến đôi vợ chồng trẻ.
Trương Hát nói:
-Vậy thì…
Triệu Việt Vương ngắt lời:
-Ý tướng quân muốn nói không gã Cảo Nương cho Nhã Lang chứ gì. Thôi, ta đã quyết rồi, các khanh đừng nói nữa.
Triều thần lắc đầu chán nản. Chiêu Công nói nhỏ:
-Bọn ta chắc chết không toàn thây và không có đất mà chôn rồi.
Sau khi được Triệu Việt Vương đồng ý cả hai điều kiện, gã công chúa Cảo Nương và cho Nhã Lang đến ở Long Biên, tiệc cưới giữa công chúa và Nhã Lang diễn ra hết sức tưng bừng náo nhiệt và sang trọng ở Ô Diên và sau đó ở Long Biên. Sau lễ cưới, Phò mã Nhã Lang được về kinh đô Long Biên, vào hậu cung ở gửi rể. Để lấy cớ hầu hạ phục vụ cho Nhã Lang, 100 võ sĩ võ nghệ cao cường dưới áo khoác là lính hầu đã được phép vào hậu cung một cách hợp pháp.
Thái sư Chiêu Công là một trong những người đã nhận rõ, với cuộc hôn nhân này, nước Vạn Xuân đang đứng trước tai họa mà trước tiên là hoàng gia họ Triệu và Triệu Việt Vương, một con người nhân từ, tín nghĩa nhưng nhân từ, tín nghĩa đã đặt nhầm chỗ. Bên trong bây giờ là nội phản của bọn Lý Phật Tử bất tài, hèn nhát nhưng tham lam danh vọng, địa vị quyền lực, tiền tài, khi kháng chiến gian khổ thì bỏ trốn, khi đất nước phục hưng thì giở đủ trò gian manh để thỏa mãn vinh thân phì gia, giở đủ mưu kế hèn hạ, kể cả lợi dụng hạnh phúc của con cái, không đếm xỉa đến sự tồn vong của dân, của đất nước. Bên ngoài thì bọn ngoại bang phương Bắc không ngừng nhòm ngó thuộc địa phương Nam giàu có và quan trọng trong mưu đồ bành trướng của chúng. Trong khi đó, Triệu Việt Vương đã đặt quyền lợi gia đình lên lợi ích quốc gia, không nhận rõ bạn thù, không nghe lời những trung thần và những người có tri thức nhận rõ thời cuộc. Những trung thần và những người yêu nước nhận rõ tình thế nhưng không có cách gì để cữu vãn, chỉ có thể ra sức khuyên can nhưng Triệu Việt Vương không nghe. Than ôi, thời thế đã khác so với thời nằm gai nếm mật ở Đầm Dạ Trạch cùng chung lòng cứu nước. Còn đâu thời quân vương tướng sĩ một lòng!
Ngay sau đó, Chiêu Công xin Triệu Việt Vương cho cáo quan về quê với lý do chăm sóc mẹ già, nhưng chủ yếu về quê để chiêu mộ gia tướng, chuẩn bị vũ khí lương thực, phòng khi nay mai nước nhà có biến may ra cứu vãn được Triệu Việt Vương, xoay chuyển được tình thế nguy nan của đất nước. Triệu Việt Vương đồng ý cho ông về quê nhà ở Lỗi Dương, Ái Châu, phong cho Thái sư Chiêu công tước Triết gia Quận công.
Còn em của Thái sư Chiêu công là Đệ tứ cung phi Ngọc Nương (mỹ hiệu Xuân Hoa) vô cùng xinh đẹp, đoan trang, hiền thục, được Triệu Việt Vương vô cùng sủng ái. Nhưng đã 10 năm chung sống với Triệu Việt Vương mà không có con. Ngọc Nương đau buồn, xin cho xuất gia tu Phật. Triệu Việt Vương biết khó giữ được người đẹp, đồng ý cho Ngọc Nương về quê nhà, trang Bảo Đai, huyện Lỗi Dương, Ái Châu, tu hành tại một ngôi chùa nơi cố quận.
VII
Vào một buổi hoàng hôn đầu năm 571, thành Long Biên chìm dần trong bóng tối, gió lạnh thổi se sắt, lá rung theo gió xạc xào. Trong cung điện của hoàng gia họ Triệu, Nhã Lang và Cảo Nương vừa ăn tối xong, hai người rời phòng ăn trở về căn phòng ấm cúng, xa hoa và lộng lấy của đôi vợ chồng trẻ. Con sói Nhã Lang khoác vỏ con cừu rất thành đạt. Gần 5 năm về làm phò mã, Nhã Lang tỏ ra một người con rể mẫu mực, một người chồng rất đáng yêu, tận tình yêu quý và chăm sóc vợ. Sự xinh đẹp và thùy mỵ của Cảo Nương đôi khi cũng làm cho tâm tư của Nhã Lang xao động, rối bời, giằng xé bởi hạnh phúc gia đình và sự phản bội để có được ngai vàng và nước Vạn Xuân cho Lý Phật Tử cũng là cho Nhã Lang mai sau. Đêm nay như mọi khi, khi về phòng, Cảo Nương nũng nịu nói:
-Mùa đông nhưng sao tối nay lạnh quá, chàng đi ngủ sớm đi!
Nhã Lang không đáp lời Cảo Nương mà hỏi lại:
-Còn bao nhiêu ngày nữa thì đến ngày giỗ ông ngoại?
-Chàng hỏi ông ngoại Triệu Túc hả. Phụ vương nói khi vào Đầm Dạ Trạch không bao lâu thì ông ngoại mất vì bị thương hàn, năm thì thiếp không nhớ nhưng giỗ thì 15 tháng 10, nay đã là mùng 5 rồi, còn 10 ngày nữa. Mà nay sao chàng lại quan tâm đến giỗ ông ngoại vậy?
Nhã Lang đáp:
-Để báo cho phụ thân biết ngày và chuẩn bị lễ sang thắp hương cho ông ngoại.
Cảo Nương hài lòng:
-Chàng là đứa cháu rể thật chu đáo và hiếu nghĩa.
Nhã Lang nói:
-Nàng đi ngủ sớm đi, ta phải sang phòng bên viết bức thư cho thân phụ.
-Rồi, chàng viết nhanh mà đi ngủ sớm, không được thức khuya đâu, trời hôm nay quá lạnh.
Nhã Lang sang phòng bên chốt cửa lại và ngồi vào bàn, lấy giấy và tự mài mực. Dưới nét bút của hắn, toàn bộ sơ đồ bố phòng thành Long Biên, vị trí các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trung tâm được vẽ lại một cách chính xác. Đâu là hoàng cung, đâu là cung ở của Triệu Việt Vương, đâu là trại lính, đâu là chỗ canh phòng của quân cấm vệ, đâu là kho lương thực, đâu là kho vũ khí, sự bố trí quân đội và vũ khí trên mặt thành để đánh trả khi bị tấn công. Tất cả thuộc bí mật quân sự, bí mật quốc gia mà chỉ có Đại tướng như Trương Hống, Trương Hát và Triệu Việt Vương được biết mà thôi. Trong sơ đồ, Nhã Lang còn vẽ những mũi tên chỉ hướng tấn công cho Lý Phật Tử. Nhã Lang thừa biết phụ thân Lý Phật Tử của hắn là người rất tầm thường về quân sự. Cho nên ngoài sơ đồ, hắn còn viết một bức thư hướng dẫn, căn dặn cặn kẽ. Thư viết: “Phụ Thân, sơ đồ này thể hiện hết những cơ quan quan trọng của thành Long Biên, phụ thân sử dụng lực lượng ở mỗi vị trí cho phù hợp khi tấn công. Thời gian tấn công là vào giờ tý, canh ba đêm 15 tháng 10 này là ngày giỗ của Triệu Túc, ngày đó, theo thông lệ bao giờ cũng yến tiệc linh đình. Sau yến tiệc xong, canh hai hài nhi sẽ lấy tư cách Phò mã khao đãi rượu cho binh lính, trong rượu có thuốc mê, như vậy sức chiến đấu bảo vệ hoàng thành gần như tê liệt. Về phía phụ thân, quân lính đến Long Biên phải đóng giả con buôn, thường dân mà đến gần thành, con và 100 binh sĩ bên trong sẽ mở cổng thành cho quân ta tràn vào. Trong ngoài phối hợp cộng yếu tố bất ngờ chắc chắn sẽ thành công. Hài nhi Nhã Lang kính thư.”
(Còn nữa)
CVL