Kỳ kỳ 41. V
Sau trận thành Gia Ninh, Lý Nam Đế chính thức trao binh quyền cho hai cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục, toàn quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Lương và trở về quê nhà để xây dựng lực lượng. Triệu Túc và Triệu Quang Phục nhận di mệnh, bí mật đem 1 vạn quân đi một ngày đường thì đến Chu Diên. Sau bữa cơm tối, Triệu Quang Phục nói:
-Hiện nay lực lượng của nước Vạn Xuân chỉ còn chúng ta là trụ cột, Trần Bá Tiên dứt khoát sẽ tiến đánh chúng ta trong nay mai thì hắn sẽ hoàn thành công cuộc Nam chinh. Bây giờ cha tính phải làm sao đây?
Triệu Túc nói:
-Bây giờ không có cách nào tốt hơn là phòng thủ kháng chiến lâu dài, xây dựng lực lượng, tiêu hao quân địch, chờ cục diện Nam-Bắc triều chuyển biến xấu với nhà Lương thì đó là thời cơ của chúng ta phản công giải phóng đất nước.
Triệu Quang Phục nói:
- Muốn phòng thủ thì phải có thành cao hào sâu, nay ta không có thành lũy mà nay mai Trần Bá Tiên đã đánh tới rồi, sao xây dựng kịp.
Triệu Túc hỏi:
-Con có biết đầm Dạ Trạch không?
-Con có nghe nói, có phải nơi đó gắn với sự tích chuyện của công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử thời Hùng Vương không ạ?
Triệu Túc nói:
-Đúng rồi, Đầm Dạ Trạch ở bãi Màn Trò, Khoái Châu, diện tích rộng không biết bao nhiêu mà kể, chu vi cũng không biết bao nhiêu dặm mà bốn mặt thì bùn lầy, cây cối và cỏ um tùm rậm rạp, người ngựa và thuyền to không đi được vì bùn sâu và nhão nhoét, lại vướng cỏ cây, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc đi trên bùn và cỏ, lại dễ lạc lối, nếu ngã xuống thì sẽ bị rắn độc cắn chết. Giữa bãi bùn lầy và cây cối rậm rạp mênh mông như vậy lại nổi lên một bãi đất cao và rộng chứa được hàng vạn người. Chỉ có lấy Đầm Dạ Trạch làm căn cứ thì quân Lương không thể tấn công ta được.
Triệu Quang Phục nói:
-Nhưng quân Lương cứ bao vây bên ngoài vài tháng thì quân ta hết lương thực sẽ chết đói trong đó.
Tướng Trương Hống nói:
-Đại tướng lo gì, đầm lầy thì có thể gieo cấy lúa mà ăn.
Trương Hát nói:
-Bây giờ cho quân đi gom lương thực thì gom luôn cả thóc giống, nông cụ cày bừa, cuốc, xẻng đem vào Đầm Dạ Trạch, vừa làm ruộng vừa chống giặc.
Triệu Túc nói:
-Hai anh em nhà tướng quân Trương Hống, Trương Hát quả là những nhà nông thông minh và giàu kinh nghiệm.
Sớm hôm sau, 5000 quân của Triệu Túc và Triệu Quang Phục chia nhau vào nhà dân quanh vùng mua gạo, lương thực, thóc giống và nông cụ. Bách tính sau khi biết ý định của nghĩa quân rút vào Đầm Dạ Trạch, vừa sản xuất vừa chiến đấu thì tình nguyện đóng góp với số lượng lớn. Trong khi đó, 5000 quân khác được giao nhiệm vụ chặt cây, cứ hai cây gỗ ghép thành mặt cầu và kéo dài từ bờ đầm cho đến bãi cát nổi giữa đầm cho quân rút vào. Suốt một vùng Chu Diên cho đến các địa phương lân cận thêm một vạn thanh niên tham gia tòng quân vào nghĩa quân. Sau cùng thì 2 vạn người đã vào bãi nổi giữa đầm lầy, cây cối um tùm rậm rạp không để lại dấu vết. Những toán lính đi sau cùng có nhiệm vụ phá cầu, kéo theo gỗ vào đầm để làm thuyền độc mộc.
Sau trận hồ Điển Triệt, Trần Bá Tiên nói với phó tướng Dương Sàn:
-Nay công cuộc bình định Giao Châu sắp đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Đạo quân của Lý Nam Đế đã bị tiêu diệt, Lý Nam Đế đã chạy vào núi rừng hiểm trở rồi cũng chết già trong đó mà thôi, 3 vạn quân của Lý Thiên Bảo và Lý phật Tử chạy vào vùng Ái Châu đã bị tướng Trần Pháp Vũ đánh cho tan tác, Bảo và Tử phải chạy sang Ai Lao lánh nạn. Hiện nay chỉ còn 2 vạn quân do cha con Thái phó Triệu Túc chỉ huy chạy về Chu Diên. Nay ta phải hành quân gấp về Chu Diên tiêu diệt nốt đạo quân này thì sẽ kết thúc chiến tranh. Ta có thể kê cao gối mà ngủ được rồi.
Dương Sàn nói:
-Đại Tư mã nói phải lắm.
Lập tức từ thành Gia Ninh, Trần Bá Tiên, Dương Sàn kéo quân về hướng Đông để đánh Triệu Quang Phục. Nhưng quân Lương đã đến chậm một bước, quân Viêt đã lọt hết vào bãi nổi giữa Đầm Dạ Trạch mênh mông bát ngát cây cối um tùm, mặt đầm chỉ có bùn lầy nhão nhoét và cỏ gai chằng chịt. Kỵ binh, bộ binh không tấn công được. Thủy binh cũng bất lực vì đầm không có nước, lại vướng cây cỏ chặn lối đi, thuyền lớn, thuyền nhỏ không thể di chuyển được. Ban ngày Đầm Dạ Trạch rất hoang vu, không một ngọn khói đóm lửa, không một bóng người. Chỉ có tiếng ếch nhái kêu rả rích trong đêm, chỉ có tiếng bìm bịp kêu mỗi buổi hoàng hôn chiều tím. Sự hoang vu thật là rùng rợn. Trước tình hình đó, Trần Bá Tiên cho quân bao vây bốn mặt, hi vọng một tháng sau quân Việt hết lương thực sẽ đói khát mà ra đầu hàng. Nhưng quân Lương cũng không thể yên ổn mà bao vây. Ban đêm, quân của Triệu Quang Phục dùng thuyền độc mộc ra tập kích quân Lương và cướp lương thực. Chính quân Lương cũng thiếu lương thực và chết dần chết mòn. Một hôm Triệu Quang Phục nói với Trương Hống, Trương Hát:
-Chúng ta phải chuẩn bị ruộng để gieo cấy vụ chiêm mới đủ lương thực cầm cự với giặc.
Trương Hống đáp:
-Tuân lệnh chủ tướng.
Trương Hống, Trương Hát chỉ huy quân sĩ be bờ, thu cỏ và cây tạo ra những mảnh ruộng trong đầm lầy rồi cày bừa gieo cấy lúa. Triệu Quang Phục cũng xuống ruộng cầm cày, cầm bừa cày bừa đất làm gương và động viên quân sĩ. Sau khi thu vụ lúa chiêm được hàng chục kho thóc, quân Việt lại làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa.
Kế hoạch bao vây để quân Việt thiếu lương thực của Trần Bá Tiên thất bại. Ngược lại, bao vây lâu dài quân Lương cũng lâm vào tình trạng thiếu lương thực, lại thường xuyên bị quân Việt hằng đêm tập kích tiêu hao, tổn thất khá lớn. Triệu Quang Phục được bách tính và quân sĩ gọi là “Dạ Trạch Vương”.
Trong khi đó, cục diện Nam- Bắc triều ở Trung Nguyên ngày càng chuyển biến xấu cho nhà Lương. Nam Triều cũng đang lâm vào cục diện rối bời, đánh giết lẫn nhau để tranh giành ngôi báu. Năm 502, Tiêu Diễn (464-549) đã giết vua Nam Tề là Tiêu Bảo Dung Hòa Đế và lập ra nhà Lương. Tiêu Diễn xưng là Lương Vũ Đế. Hầu Cảnh vốn là quan Tư Đồ nhà Đông Ngụy (Bắc Triều) theo hàng nhà Lương. Tháng 9 năm 548, Hầu Cảnh làm phản chống lại nhà Lương. Từ Thọ Dương, Hầu Cảnh đã vượt Trường Giang bao vây kinh đô Kiến Khang. Trong tình thế hỗn loạn đó, tám tôn thất nhà Lương tranh hùng, khiến tình thế càng thêm rối ren. Trước tình hình đó, Trần Bá Tiên giao quyền bính quân đội ở Giao Châu cho Dương Sàn chỉ huy, về nước tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền lực. Trần Bá Tiên nói với Dương Sàn:
-Hầu Cảnh làm phản, nước nhà nguy nan, tôi không thể không về cứu Lương Vũ Đế. Tướng quân ở lại thống lĩnh quân đội chống nhau với Triệu Quang Phục, nếu thắng lợi sẽ vinh hiển ở Giao Châu.
Dương Sàn nói:
-Đại Tư mã là trụ cột của nhà nước Lương ta, hãy về nhanh cứu giá Lương Vũ Đế và lập lại kỷ cương nước nhà. Tôi nay bất tài nhưng không phụ lòng tướng quân ủy thác.
-Được như vậy là ta yên tâm rồi, sau này ta sẽ không quên công lao của tướng quân ở Giao Châu.
Dương Sàn đáp lễ:
-Đa tạ Đại Tư mã, chúc ngài thượng lộ bình an.
Rồi Trần Bá Tiên nhanh chóng đem thủ hạ về nước, giao quân Lương ở Giao Châu cho phó tướng Dương Sàn chống nhau với Triệu Quang Phục. Bằng tài văn võ của mình, Trần Bá Tiên sớm đè bẹp được Hầu Cảnh, dẹp được tất cả các thế lực quân phiệt nhà Lương, nắm toàn bộ quyền lực và năm 557, phế truất Lương Kinh Đế, lên ngôi vua, lập ra nước Trần, xưng là Trần Vũ Đế. Nhà Trần tồn tại từ 557 đến năm 589 thì bị Dương Kiên (Tùy Văn Đế) nhà Tùy tiêu diệt. Kể ra trong thời kỳ rối loạn như vậy, Trần Bá Tiên cũng là một trong người hùng của thời Nam Bắc- Triều.
Dương Sàn ở lại chống nhau với Triệu Quang Phục vào lúc quân Lương lâm vào đói khát, bị quân Việt tiêu hao nhiều nên khiếp sợ, lại thêm rối loạn ở nước nhà nên tinh thần và sức lực chiến đấu của quân giặc hoàn toàn sụp đổ. Một ngày cuối năm 550, Triệu Quang Phục bàn với các tướng:
-Nay quân Lương đã nguy kịch cả về tinh thần và sức lực, thời cơ cho ta phản công đã tới. Đêm nay, ta chỉ huy một cánh quân, Trương Hống chỉ huy một cánh, Trương Hát chỉ huy một cánh dùng thuyền độc mộc tấn công doanh trại của Dương Sàn. Chỉ cần giết được Dương Sàn thì toàn bộ quân Lương đang bao vây Đầm Dạ Trạch sẽ bị tiêu diệt.
Trương Hát nói:
-Kế này của Chủ tướng thật là tuyệt chiêu.
Đêm đó, quân Việt không một đóm lửa, không một tiếng động, dùng thuyền độc mộc lặng lẽ đi trong màn đêm, đổ bộ lên bờ, giết lính gác, hợp vây doanh trại có chữ “Soái” rồi quân Việt bất ngờ xông vào đánh giết. Dương Sàn đang ngủ không phòng bị, bị Trương Hống phóng một mũi giáo vào ngực xuyên qua lưng mà chết. Sau đó, quân Việt phóng hỏa đốt các doanh trại khác và lao vào chém giết quân Lương. Trong đêm tối, quân Lương như rắn mất đầu, kẻ thì bị giết, kẻ thì chạy về hướng Bắc. Dọc đường, bị phục binh của Triệu Quang Phục tiêu diệt không sống sót một tên nào. Thứ sử Giao Châu Dương Phiêu ở Long Biên nghe tin Dương Sàn bị giết, quân Lương đại bại ở Dạ Trạch, đã dẫn tùy tùng tháo chạy về Quảng Châu. Đất nước lại sạch bóng quân thù, nước Vạn Xuân lại được khôi phục. Triệu Quang Phục dẫn đoàn quân chiến thắng vào kinh đô Long Biên. Vì Lý Nam Đế không còn nên Triệu Quang Phục lên ngôi và xưng đế hiệu là Triệu Việt Vương.
(Còn nữa)
CVL