Tôi sinh đúng vào ngày 08/03. Mẹ kể lại rằng, hồi ấy mẹ đang là cán bộ phụ nữ huyện Kim Anh, một huyện vùng Trung Du Bắc bộ, thuộc tỉnh Phúc Yên, nay một nửa chia về tỉnh Vĩnh Phúc, một nửa về huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống Pháp hình như đã bắt đầu quyết liệt, song lúc ấy nơi mẹ con chúng tôi ở vẫn là vùng tự do.
Ngày Quốc tế phụ nữ đã gần kề, trên bảo phải tổ chức cho vui vẻ, để “động viên” các mẹ các chị, nhất là những người có chồng, có cha, có con em đang kháng chiến. Thế là, mẹ phải mất mấy đêm liền để viết cho được một bài “đít cua” ra trò. Vì ban ngày còn bận làm hàng sáo, nghĩa là xay giã gạo, vừa để nuôi quân, cũng là cách kiếm sống của lớp những người dân “tản cư” chúng tôi bấy giờ.
Mẹ kể, đúng tinh mơ sáng ngày 8/3, khi vừa thức dậy, định chuẩn bị để đi “mít tinh” thì đau bụng. Đứa con đầu lòng bao chờ đợi, là thằng tôi bây giờ, đòi ra. Thế là túc mục, võng, đòn, í ới, còn bản “đít cua” thì phải nhờ người khác. Mãi đến giờ, khi nhận được vô số lời chúc mừng sinh nhật, kể cả bao lời nhắn gửi từ “cả một thế giới” như có bạn đã viết, tôi mới chợt nao lòng nhớ về mẹ năm xưa. Song chả biết, chuyện “mít tinh” sau đó thế nào.
Là một người Hà Nội chính cống, nhưng tuổi thơ tôi lại là một chuỗi ngày sống đâu đó trên vùng Trung Du và Việt Bắc, nơi người ta gọi là ATK, tức An toàn khu, khi mọi chuyện đã không còn trong vòng bí mật nữa. Trong kí ức rời rạc của tôi về hồi đó, hình như tôi chẳng ở yên chỗ nào lâu. Hình ảnh những nơi đã qua loáng thoáng trong tôi như một cuốn phim đứt đoạn.
Lúc thì nhớ là nhà mình ở gần đường, có một đoàn bộ đội đi qua mang theo một cáng thương. Người thương binh, bị đạn vào đầu, nằm thiêm thiếp trên cáng. Một nắm lá, chính là lá mua, được nhai nát đắp vào vết thương. Người dẫn đầu toán cáng thương mặc một tấm áo trấn thủ, mẹ gọi là “bác Ngôn.” Bác vừa nói gì đó với mẹ, vừa loay hoay bên khẩu súng trường “chiến lợi phẩm” mới cướp được. Nâng niu lắm, mặc dù súng đang bị hóc. Rồi đoàn người lại vội vã đi.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh nắm lá mua xanh, không biết đã được giã hay nhai nát ra. Nắm lá có màu xanh rất đẹp, rất riêng của mua, nhuộm thấm đẫm màu máu đỏ tươi ấy được nhấc ra để xem xét chỗ bị thương.
Sau này, lớn lên tôi gặp chí ít hai bài thơ nói về mua. Song chỉ là về hoa mua, về cái sắc tim tím khó quên, tượng trưng cho tình yêu chung thủy. Còn lá mua, chẳng ai nói đến. Dù cái sắc biếc của lá mua khó tả lắm. Có câu “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc.” Nào đã ai biết cái xanh biếc của nụ hoa ấy đẹp nhường nào. Song cứ như tôi nghĩ, có lẽ cũng chỉ như lá mua là cùng.
Hồi đánh Mĩ, bộ đội ta ai cũng có một gói bông băng cá nhân, đơn vị nào cũng có người lính quân y, chẳng ai còn dùng lá mua đắp vết thương nữa. Riêng với tôi, chuyện cái lá mua xanh nhàu nhĩ nhuốm máu ấy vẫn như day dứt, lâu lâu chợt hiện về trong tâm trí từ hồi non nớt đó. Không quên được.
(Còn tiếp)
Trái tim người lính