Chả hiểu tán nhau qua mạng thế nào? Dù đầu làng cuối làng, cách nhau vài ba cây số, nhưng đâu có thân. Thế mà sau dịp anh giáo về nghỉ Tết là con bé dính quả.
Cả làng cứ chờ đi ăn cỗ cưới. Ai ngờ Liên làm mẹ đơn thân. Lý do tôi không phải người trong cuộc cũng không tiện hỏi kỹ. Nhưng cũng lấy làm lạ vì gia đình có biết nhau, thi thoảng ra đường có thể chạm mặt. Sao có thể làm ngơ bỏ đi giọt máu của con cháu mình?
Rồi bố mẹ cháu buồn, trách mắng cháu. Khổ thân con bé, mới vừa 18 tuổi đầu. Mọi người phải xúm vào động viên, mỗi người một câu: Thời buổi bây giờ người ta có cái nhìn thoáng hơn với các cô gái không may nhẹ dạ, không còn quá hà khắc gọt đầu bôi vôi như thưở xưa nữa. Có người chồng chả ra chồng người ta cũng lựa chọn một mình nuôi con còn hơn.
Thấm thoát rồi Liên cũng đến ngày sinh: Một bé gái dễ thương, giống bố như đúc. Ở đời kiểu giấm dúi này thường hay như khuôn tạc. Hết thời gian nằm ổ, kiêng cữ, giao con cho bà ngoại. (Bà ngoại cháu năm nay mới 40 tuổi) ở nhà trông nom. Liên đi làm công ty giày da ở Hải Dương. Thế là con ở nhà với dì Út với bà ngoại, ít khi gặp mẹ.
Mỗi năm nghỉ hè, nghỉ Tết anh giáo kia lại về quê, vẫn vào sân thôn trong chơi bóng chuyền (Ngay gần nhà Liên). Vẫn nhìn thấy đứa con gái bé bỏng của mình, nhưng xem nhau như người xa lạ. Con không biết bố đã đành. Còn bố cứ thản nhiên như không. Tôi chứng kiến mà thấy cũng xót xa! Giọt máu đào hơn ao nước lã, mà đâu có phải nước lã, là huyết thống hẳn hoi. Thật không thể hiểu nổi. Mà bây giờ anh ta vẫn chưa lấy vợ. Nghe đâu có một đôi lần cho tiền con bé nhưng gia đình từ chối. Năm nay cháu đã gần 3 tuổi, đi mẫu giáo. Còn mẹ cháu ở chỗ làm cũng có tin vui: Ông trời thương xót cho Liên gặp được một người tốt, cũng lỡ một lần đò, cùng cảnh ngộ, tâm đầu ý hợp đã tính chuyện cưới xin. Tết vừa qua Hải Dương phong tỏa, vì Covid 19. Liên không về ăn Tết. Đàn gà ở nhà bà ngoại nuôi chuẩn bị cho đám cưới cũng đành bán hết vì tình hình dịch bệnh chủ trương cấp trên cấm không cho tổ chức đám cưới.
Hiện nay Liên vẫn đi làm và lấy chồng luôn ở Hải Dương. Thôi thì cưới hay không cưới không quan trọng, cốt là hai cháu thật lòng thương yêu nhau, gắn bó lâu dài hạnh phúc. Qua cơn bão, trời sẽ tạnh. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt. Ông trời không thể cứ khắt khe mãi với một ai. Hy vọng sau những vấp ngã đầu đời ở tuổi 18, Liên sẽ có những trải nghiệm, có những bước đi vững vàng hơn, sánh vai cùng người bạn đời xây dựng tổ ấm trăm năm hạnh phúc. Mong mọi điều tốt lành nhất sẽ đến với các cháu.
Hôm nay tôi mới đi ăn cưới về. Chuyện đó cũng bình thường, nhưng đám cưới này tôi thấy vui hơn đám khác. Hôm nay cháu lộng lẫy trong bộ váy cưới trắng muốt, đứng cạnh chú rể hào hoa đẹp trai trong một đám cưới vô cùng hạnh phúc. Gái một con lại càng mòn con mắt.
Hoãn vì covid mất hai năm. Năm nay các cháu mới được chính thức thành hôn. Cháu đẹp lắm, cái đẹp mặn mà của độ tuổi chín chắn hơn. Con bé con 4 tuổi chả có cảm xúc gì trong ngày mẹ nó đi lấy chồng. Mặc cái đầm xòe rõ đẹp, cứ chạy tung tăng vui cùng lũ trẻ. Từ lúc sinh ra cháu ở cùng bà ngoại. Mẹ cháu đi làm công ty, quen và lấy chồng ở Hải Dương. Ai cũng mừng vì cháu lấy được người chồng tử tế. Về gia cảnh hai bên cũng quá hiểu nhau, đi lại được mấy năm rồi.
Lại nói về anh giáo kia, thi thoảng vẫn vào trong này chơi bóng. Vẫn nhìn thấy đứa con gái bé bỏng giống cha như đúc, nhưng không dám nhận, mà cũng chả ai cho nhận. Anh ta lấy vợ làm nông, nghe đâu hơn tuổi, trông già hơn nhiều mà còn không có con. Vài lần sảy thai, chả thấy có gì nữa cứ béo múp vậy.
Ở đời mọi thứ đều có giá của nó. Liệu đấy có phải là quả báo không nhỉ?
Ngày 22/9/2022
Chuyện Làng quê