Mùa vải năm nay lại đến rồi. Nhớ ngày xưa, từng ăn những quả vải to tướng, và chua đến là chua, có hột to đến nỗi trẻ xâu cái que vào để làm con quay. Người ta bảo đó là thứ vải tu hú. Vẫn nhớ, xưa thấy ngay mặt cổng phía phố Ngô Quyền của Nhà khách Chính phủ cũng có hai cây. Mùa vải đến, trái mọc thành chùm dưới tán lá xum xuê. Chả ai thèm hái.
Bây giờ thì vải thiều đã át hẳn cây vải tu hú, chợ Hà thành toàn thứ vải nhỏ xíu, hột bé bằng hạt đỗ, ngọt lịm. Đó là vải Thanh Hà, giống vải ngon nhất trên đất Việt Nam. Một giống vải khác, ra đời sau, quả to hơn, song hột cũng to hơn. Đó là vải Lục Ngạn, trên đất Bắc Giang. Có thời, vải thiều Thanh Hà được đem trồng khắp nơi khắp chốn.
Một trong những nơi thấy vải khá nhiều là vùng Chí Linh, cũng trên đất Hải Dương. Một dịp công tác từng đến một đơn vị đóng quân trên đất này, nơi có đất pha nhiều cát, nước trong veo ngọt lịm. Hồi ấy đang rộ lên phong trào uống nước khoáng. Nghe bảo nước giếng khoan trong đơn vị vừa ngọt vừa mát, lại vô khuẩn. Song vải trồng đất này mới chua làm sao. Nom quả vải đẹp quá, có người hái mang về rồi… vứt.
Như tên của nó, vải thiều đâu phải là phẩm vật bản địa. Nó được du nhập từ bên Trung Quốc, cũng khá lâu rồi. Ban đầu chỉ trồng được ở Hải Dương, đúng hơn chỉ ở huyện Thanh Hà. Và lạ, cây càng cỗi trái càng ngon, hạt càng nhỏ. Cuối cùng chỉ còn như hạt đậu tương. Nhưng cũng chỉ đất Thanh Hà trồng được thứ vải ngon lành như thế.
Rồi có người lên Lục Ngạn sống, mang cây theo trồng thử. Thế nào lại ăn. Bao người làm theo. Giờ vải Lục Ngạn đánh bạt vải Thanh Hà. Vừa nhiều, vừa lớn trái. Chỉ là vẫn chưa có quả vải nào ngon ngọt, hạt nhỏ được như vải vùng đất gốc.
Thế nên thương lái Trung Quốc tìm đến Lục Ngạn thu mua từ đầu vụ, thậm chí có người vào tận vườn. Ùn ùn xe lớn như cả ngôi nhà mang vải về phương Bắc. Nhưng chẳng vì thế, thứ quả này không bị thương lái Tàu bắt chẹt. Nó đâu tránh được cái quy luật quái đản như bao trái cây khác trên đất này, được mùa mất giá. Không ít lần, quả vải thiều được mang vào Nam. Để dân Sài Gòn và các đô thị trong Nam giải cứu và, cũng là những dịp hiếm hoi được thưởng thức một trái cây đặc sản miền Bắc.
Ở trên núi Sa Pa, từng có dịp xuống Lào Cai, thấy vải bán đầy đường đầy chợ. Giá rẻ như dưới xuôi. Hóa ra, mấy xe lên cửa khẩu, thấy bên kia trả giá rẻ quá. Ép giá trắng trợn. Họ quay đầu xe, thôi đổ xuống cho dân mình. Đỡ tức. Và cũng chỉ chiều ấy, vải đem ra đã hết sạch. Có điều, không phải lúc nào cũng làm được thế.
Gần đây, bắt đầu thấy xuất hiện những máy phát tia cực tím và xử lí cũng như đóng gói trái cây, trước hết là quả vải. Để hết sinh vật có hại, tăng thời gian bảo quản, và nâng cao chất lượng, mở đường xuất khẩu trước hết là quả vải sang các thị trường cao cấp và khó tính. Nhất là Nhật, Châu Âu và Mĩ.
Nhưng số lượng xử lí vẫn quá thấp so với lượng vải hàng năm. Vả mỗi năm vải chỉ có một vụ, và mỗi vụ chỉ kéo dài cùng lắm đôi ba tháng. Làm nhiều thiết bị thì chỉ để phí. Còn phải giải bài toán thu hồi vốn. Dường như, chưa có sản vật nào để dùng chung trang thiết bị đã có.
Từng thấy, thương lái Trung Quốc đem quả vải của ta rửa ráy sạch sẽ, trang hoàng bắt mắt trong hộp gỗ trang trí thật đẹp, rồi tung ra thị trường thế giới. Với giá trên trời. Trong khi ở ta, chợ vải toàn người bán. Người trồng vẫn phải cắn răng bán xô. Bị ép giá nặng nề, từ thương lái của cái gọi là nước bạn, tới những đại lí thu mua của chính người Việt mình.
Vụ vải năm ngoái, chính quyền các vùng vải đã vào cuộc. Vụ vải được coi là thắng lợi. Còn năm nay, chưa biết sẽ ra sao. Bài toán giành giật giữa thương lái, người trồng vải, và chính quyền ta vẫn dường như chưa có hồi kết.
Về trái vải, tiên sinh Kim Dung, tiểu thuyết gia chuyện chưởng lừng tiếng bên Tàu từng nhắc câu thơ tuyệt mĩ, “Xuân câu thủy động trà hoa bạch. Hạ cốc vân sinh lệ tử hồng.” Nghĩa là “Dòng xuân nước gợn hoa trà trắng. Hẻm núi sinh mây trái vải hồng.” Đọc đã thấy xuyến xao.
Song người Việt Nam mình, nào hiếm khi cầm trái vải hồng mà mắt bỗng đỏ theo. Thương người một nắng hai sương, đắng cay làm ra trái vải ngọt ngào.
Trái tim người lính