Theo lời giới thiệu của Ma Công Thanh -Chủ tịch UBND xã Bình An (Lâm Bình), chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Triệu Văn Minh C, thôn Tân Hoa, xã Bình An. Đây là gia đình được chọn là mô hình điểm của dự án cho các hộ nghèo và cận nghèo nuôi dê. Đây cũng là một trong những hộ nuôi dê thành công và cho thu nhập ổn định trong thôn.
Ông Minh C cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi vài con dê lấy thịt khi gia đình có việc. Tuy nhiên, sau gần một năm nuôi 10 con dê giống đến nay gia đình đã có 25 con dê lớn nhỏ và trong đó có 15 dê cái sinh sản. Trung bình mỗi năm, dê đẻ 2 lứa trừ chi phí cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Khi hỏi về cách nuôi dê, ông Minh C chia sẻ: Dê là loại động vật ăn tạp, dễ nuôi nên tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà, đặc biệt dê có ý thức rất tốt, nếu chăn thả đúng giờ giấc treo thêm chai muối cho dê có thể tự biết về chuồng đúng giờ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi, người nuôi phải xác định được con giống tốt và chuồng trại phải bảo đảm độ thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ phòng ngừa dịch bệnh như lở mồm long móng .
Hiện nay, ở xã Bình An ngoài hộ ông Minh C còn có nhiều hộ gia đình nuôi dê với số lượng lớn như gia đình anh Ma Công Kiên, luôn duy trì đàn dê từ 35 đến 48 con... .
Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các hộ gia đình đồng thời xã phối hợp với các ban, ngành liên quan cấp huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi cho các hộ dân.
Từ năm 2021, huyện Lâm bình được sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ mô hình nuôi dê sinh sản do nhà nước hỗ trợ 270 triệu đồng cung cấp giống dê cái giống nội 70 con đối với hộ nghèo 4 con/hộ, cận nghèo 3 con/hộ, giống dê đực 10 con 1 con/2 hộ trung bình nặng 32kg.
Cuối năm 2021 riêng xã Bình An đã phát triển đàn dê sinh sản lên 665 con sinh với 85 hộ dân tộc thiểu số tham gia rất thành công nâng tổng đàn dê trên địa bàn huyện lên 3.692 con.
Thực tế, từ nuôi dê với ưu điểm ít vốn, dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê lấy thịt đang dần xóa nghèo cho nhiều hộ nghèo ở xã Bình An, nhờ nuôi dê nên kinh tế của các hộ nghèo đã bớt khó khăn. Trong khi chăn nuôi trâu, bò đang gặp khó khăn về nguồn vốn, về điều kiện chăn thả... thì nuôi dê là lựa chọn phù hợp, bởi dê là động vật ăn tạp, nguồn thức ăn phong phú.
Nhằm khuyến khích người dân chú trọng hơn trong phát triển đàn dê, thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện có thêm những chính sách hỗ trợ hữu ích.
Mô hình nuôi dê lấy thịt trên địa bàn xã Bình An đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ổn định cuộc sống. Để mô hình nuôi dê phát triển bền vững, thời gian tới xã Bình An tiếp tục tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển của địa phương trên quê hương Lâm Bình .