Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Với thảm thực vật phong phú, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với các loại cây, Lâm Bình là địa phương có cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm, hà thủ ô, gừng, nghệ, giảo cổ lam, quế, ba kích, sâm đỏ, dứa dại, sa nhân, thảo quả...
Để giúp người dân bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững những năm qua, huyện Lâm Bình đã xây dựng nhiều mô hình trồng các loài dược liệu dưới tán rừng tại các xã, thị trấn như Lăng Can, Phúc Yên, Bình An…..
Ông Trần Văn Chung - Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết: Năm 2021, huyện đã triển khai Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại xã Phúc Yên với 8 hộ gia đình tham gia, quy mô 20 ha cây ba kích và cây hà thủ ô và cây khôi nhung. Thực tế cho thấy các loại cây này đều thích nghi tốt với môi trường, điều kiện đất đai, khí hậu của khu vực và phù hợp với trình độ chăm sóc của đồng bào. Mô hình thành công, về lâu dài tạo ra được dược liệu tập trung, áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, có năng suất, chất lượng tốt, nhằm chủ động được vùng nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến; tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, tiềm năng còn nhiều, huyện đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của đồng bào trong khu vực dưới tán rừng sản xuất .
Anh Hoàng Quốc Thanh, thôn Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chia sẻ, nhận thấy điều kiện phát triển cây dược liệu tại địa phương, gia đình đã mua 5 ha rừng cùng bà con mua cây giống và phân bón và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu là cây khôi nhung dưới tán rừng cho bà con xã Phúc Yên và Bình An.
Anh Thanh còn cho biết thêm, cây khôi nhung, tên thường gọi là lá khôi, cơm nguội rừng, động lực, đơn tướng quân, là loại cây dược liệu quý, dùng để chữa các bệnh dạ dày, tá tràng và một số bệnh về đường hô hấp. Loại cây dược liệu này ưa bóng mát, độ ẩm cao nên thường mọc dưới tán rừng nhiệt đới. Việc tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng khôi nhung không làm ảnh hưởng đến cây rừng hiện có mà còn làm phong phú hệ thực vật đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân. Theo đánh giá, khôi nhung là loại cây có giá trị kinh tế cao, trồng một lần sẽ cho thu hoạch trong khoảng 15 năm. Với mật độ từ 6.000-10.000 cây/ha, khôi nhung sau 1-2 năm có thể cho thu hoạch từ 3-5 tạ lá khô mỗi năm, thu về lợi nhuận từ 50-80 triệu đồng.
Theo kế hoạch phát triển cây dược liệu, cùng với khai thác dược liệu trong tự nhiên, huyện Lâm Bình sẽ tập trung thu hút đầu tư vào việc trồng và chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị kinh tế của dược liệu sẵn có tại địa phương; điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển vùng dược liệu…