Gia đình tôi sơ tán vào xã Chính Tâm thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Bây giờ Chính Tâm là đáy của Hồ Thác Bà. Khi đó người dân các xã sinh sống dọc dòng sông Chảy đều phải di dân vì khi đập thủy điện Thác Bà hoàn thành, nước sẽ dâng cao, các xã này bị ngập thủm, như một cán bộ di dân nói:
- Nước sẽ ngập qua cả thập ác của nhà thờ Chính Tâm cao nhất khu vực này!
Chính Tâm là xã ven sông, có đất bồi màu mỡ, có nhiều đồi núi với các lâm sản như như vầu, tre, mai, gỗ và các loại thực phẩm từ sông chảy như cá măng, cá bò, cá ngạnh... nghe nói còn có cả cá anh vũ. Trên đồi thì có măng tre, măng vầu, măng mai, trám, bứa, củ mài, củ mỡ, củ từ... Ven sông là những ruộng khoai lang, ngô, đậu xanh, đậu đen, trồng theo mùa.
Cánh học sinh sơ tán bọn tôi sống chung với những gia đình chưa đi di cư khỏi lòng hồ. Dân ở đây theo đạo thiên chúa giáo. Câu cửa miệng của họ là Giê su ma lạy chúa tôi! Ví dụ: Giê su lạy chúa tôi hôm nay chợ đông thế. Giê su lạy chúa tôi mời bác vào nhà chơi! ... Họ rất hiền lành, thân thiện, nhiệt tình giúp đỡ những gia đình ở phố về sơ tán. Tôi học và chơi với lũ trẻ con cùng lứa.
Hơn một năm sơ tán ở đấy tôi học được rất nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Tôi biết mò cua, bắt ốc, mót khoai, mót lúa, mót ngô. Biết kéo cuốc( một loại chim thịt rất ngon), biết cách đóng cối xay lúa, biết bắt ong về nuôi. Tôi theo các bạn bắt cua. Cảm giác bắt cua đến bây giờ vẫn đọng trong tôi. Khi lúa đã gặt xong, ruộng chỉ còn trơ rạ. Nắng hè tháng 5, tháng 6 hun nóng nước trên ruộng, làm cua chạy trốn vào các gốc rạ, bờ cỏ nhiều vô kể. Tôi xách cái xô theo bạn đi dọc bờ, lội ruộng nhặt, móc, bắt cua. Tôi dùng từ nhặt vì chỉ việc vạch gốc rạ, vén bờ cỏ là thấy các chú cua nằm đầy trốn nắng. A, xin chào! Chú cua béo bóng, giơ cái càng hung dữ chống chọi.
A lê hấp, mời vào xô! Chỉ một lúc buổi trưa mà đầy xô. Người lấm lem, mặt đầy bùn, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười rổn rả sung sướng thì luôn nở trên môi. Đi mót ngô, mót khoai cũng sướng. Ngày đó mọi người làm hợp tác xã nên ý thức " cha chung không ai khóc " . Gặt lúa, bẻ ngô, nhổ khoai sót lại rất nhiều. Tôi với chị em thằng Thắng, con Loan nhà ông Huân ở ty Thể dục thể thao và một lô con em sơ tán rất thích đi mót ngô. Rất nhiều ruộng ngô ven sông chảy. Chúng tôi đi dọc luống ngô, lật những cây ngô gãy gục tìm bắp là có ngay vì người bẻ ngô hay bỏ qua. Có những cây sót đến 2 bắp. Ở đây họ thường trồng ngô nếp. Những bắp ngô nếp căng dầy, đều đặn như hàm răng chàng thanh niên khỏe mạnh. Chúng tôi vơ bẹ ngô, cây khô nổi lửa nướng ngô ngay tại ruộng. Mùi ngô nướng thơm lừng, cả bọn vừa cạo than dính trên bắp ngô rồi gặm, cạp, vừa suýt xoa vì nóng. Hạt ngô cháy vàng, bên trong trắng dẻo thơm ngon ăn không biết chán. Ngô nướng là món dân dã nhà nghèo nhưng bây giờ là đặc sản.
Mùa đông các góc phố Hà Nội đều có hàng ngô nướng. Các cô cậu trẻ đi chơi tối, ngồi xổm bên hè, xuýt xoa ăn ngô nướng. Nhưng ngô nướng bây giờ còn thua xa ngô nướng của bọn tôi vì giống ngô bây giờ là ngô lai, không còn thơm dẻo như ngô nếp ngày xưa. Ăn xong, cả lũ đùa nghịch lấy thân cây ngô làm roi, làm kiếm đánh đuổi nhau. Tiếng hét, tiếng cười ròn tan hòa vào không gian thơm mùi ngô, mùi khói rất đặc biệt. Chiều xuống, dòng sông Chảy như hiền hòa hơn. Chúng tôi vác túi ngô vừa mót được tìm chỗ nông, bơi, tắm. Có hôm tìm được chỗ có cây xà xuống mặt nước, bọn con trai leo lên, bịt mũi nhảy xuống. Bọn con gái ngồi bờ ruộng vặt cỏ gà chơi chọi gà. Tôi không biết bơi nên chỉ loanh quanh ven bờ. Lũ bạn kích đểu:
- Con trai phố mà hèn thế!
Rồi bắt tôi trèo lên cành cây nhảy xuống. Sợ đến phát khóc nhưng vẫn phải làm theo. Dồn hết bình sinh, tay bóp mũi, mắt nhắm nghiền, tôi thả mình rơi xuống dòng sông. Ùm! Nước bắn tung tóe. Tôi chìm sâu, sặc nước, lọng óc vì nước sộc lên mũi. Tay hua hua bất lực tìm vật bấu vúi. Mang máng nghe thấy tiếng cười hả hê, tiếng hét của lũ bạn:
- Kéo nó lên không chết đuối bây giờ!
Một cánh tay túm lấy tay tôi lôi lên. Tôi vừa khóc, vừa thở vừa chửi đ. .. mẹ chúng mày! Tôi sợ nước cho đến tận ngày thành lính thủy. Chuyện tập bơi của tôi cũng đầy hài hước và gian nan, nhưng tôi cá với các bạn rằng: Nếu lúc đó tàu đắm, chắc chắn tôi sẽ kịp cởi bỏ áo lính thủy và kêu :
- Cứu tôi với! trước khi chìm nghỉm!
Hôm nay, trời lạnh thấy tấm hình nồi cá kho trám ký ức trỗi dậy nên lia bút viết bài. Để tôi kể chuyện đi hái trám. Trám xanh thường mọc tự nhiên trong rừng. Khi phát hiện ra cây trám, một là lấy dao bóc lớp vỏ quanh gốc. Hai là lấy đinh sắt dài to, cỡ 10 đến 15 cm đóng xung quanh gốc trám. Ba là trích, lột vỏ một vòng nhỏ quanh gốc, dập cây nứa non mín chặt gốc. Ba ngày sau quả trám rụng đầy quanh gốc, chỉ việc nhặt, bỏ vào bao mang về. Trám xanh có nhiều cách ăn. Ăn tươi và phơi khô. Trước khi chế biến phải luộc qua nước muối nóng già( gọi là ỏm trám). Cắt đôi quả trám, vứt bỏ hột. Các món phổ biến thời bao cấp là: Trám xanh muối, trám xanh kho cá, trám xanh giã nhỏ chưng với lạc giã nhỏ. Món nổi tiếng nhất đến bây giờ là trám kho tương với cá( Cá diếc, cá rô, cá chép, cá trê...). Nếu có trám đen kho cá còn ngon hơn nữa.
Ngày xưa quê tôi chủ yếu là kho tương, tóp mỡ vì miền núi thời đó rất hiếm nước mắm. Kho cá bằng nồi đất, bếp củi, hoặc rơm rạ nhưng đốt trấu là ngon nhất. Khi niêu cá sôi khoảng mươi phút thì giảm lửa, vun than, tro ủ kín nồi, cá sẽ mềm cả xương, trám cũng mềm trở màu sẫm. Ăn trám xanh kho cá với tương, rất tốn cơm vì cá ăn béo, đậm, mềm xương cũng mềm nục. Trám ăn vừa chua vừa thơm, bùi, ngậy. Mùi tương, mùi xả, gừng theo người đến tận lớp học. Nếu là mùa đông, cơm gạo mới chín tới, ăn " thủng nồi, trôi rế" các bạn ạ! Bây giờ món cá kho trám xanh còn có mỡ khẩu, nước mắm cốt nên béo hơn, thơm hơn. Món trám xanh kho cá( kho tương hoặc kho mắm ) đã trở thành đặc sản.
Trời rét, lạnh viết vài dòng cho các U70, 80 gặm nhấm kỷ niệm mà quên nỗi buồn Covid nhé!
Hà Nội, tháng 1 năm 2022.
Lần sau sẽ viết bắt cuốc (một loại chim) và đóng cối xay thóc!
Trái Tim Người Lính
---
Đọc thêm những thông tin mới nhất về gowin99 nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, gowin99 , văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển -