Nhớ ngày xưa lão Dần còn bé, mỗi dịp Tết trung thu, được theo U đi chợ thì thích và vui lắm!
Thích nhất là được nhìn ngắm thỏa thích hàng bán Tò he, đủ loại như: Mâm bồng (ngũ quả), ông Thánh Gióng cưỡi ngựa, tráng sĩ đấu gươm, Thạch Sanh chém xà tinh, thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, ông Tiến Sĩ ngồi trong Long đình. Linh vật (Long, Ly, Quy, Phượng), hình mười hai con giáp…
Những chú Tò he được các tay thợ lành nghề (nghệ nhân) nặn bằng bột gạo đã nấu chí, mầu sắc thì đa dạng, kiểu dáng thì vô cùng sống động. Giá bán cũng chỉ là giá hàng quà thôi! Có nghĩa là ai đi chợ, cũng có thể mua được.
Tuỳ theo độ khó của chi tiết khi nặn Tò he, mà người bán hàng định giá. Nặn ông Tiến Sĩ ngồi trong Long đình là khó và mất nhiều thời gian nhất, vì vậy giá phải năm hào một ông (bằng tiền mua một bát phở ở cửa hàng Mậu dịch). Tò he mười hai con giáp, giá chỉ năm xu một chú.
Tò he mua về, bày cùng mâm cỗ Trông Trăng đêm rằm Tết trung thu thì tuyệt vời lắm! Dưới ánh trăng vằng vặc, những chú Tò he càng thêm sống động, như chơi đùa với chị Hằng, chú Cuội.
Tò he được nâng niu, quí trọng lắm! Quí đến mức phá cỗ rồi, nhưng Tò he còn để lại chơi mấy hôm nữa…đến khi bột khô cứng lại. Lúc ấy lũ nhóc mới hoá kiếp cho Tò he về trời, thường cho vào bếp nướng rồi chia nhau mỗi đứa một tý ăn lấy may.
Ngày nay những nghệ nhân nặn Tò he bằng bột gạo ở các làng quê, bán dịp Tết trung thu không còn nhiều. Vì thu nhập không tương xứng với thời gian và công sức bỏ ra.
Nhưng vẫn còn nhiều người theo đuổi nghề nặn Tò he, một nghề mang đậm nét đẹp văn hoá dân gian. Mang lại niềm vui, ước mơ hoài bão cho trẻ nhỏ mỗi dịp trung thu, trăng sáng…mà ai cũng đã từng trải qua.
Chuyện làng quê