Nửa tỉnh nửa mơ
Trong bài viết “Nguyễn Bảo Sinh, nhà thơ dân gian”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (là bạn thân của Nguyễn Bảo Sinh), viết: “Nguyễn Bảo Sinh khá điển hình cho một dạng nhà thơ dân gian vốn tồn tại từ xưa đến nay ở nhiều nơi trên thế giới. Trí tuệ dân gian thông qua hình thức nói vần được truyền khẩu nhiều khi biến thành ca dao, tục ngữ, thành lời các bài hát dân ca. Có thể nhận ra đặc tính chính của lối thơ này là ở chỗ luôn ngẫm sự đời để từ đó rút ra những kinh nghiệm sinh tồn, những kinh nghiệm sống.
Việc ngẫm sự đời ấy dựa trên những quan sát trực tiếp ở những ngành nghề, ở những hoàn cảnh nhiều khi rất lạ lùng, hiếm có. Nhà thơ dân gian là người trực tiếp ở trong cuộc, trực tiếp lội xuống bùn để bắt những con cá chân lý trong cuộc sống. Yếu tố kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ cho ai được đã làm nên nhiều sự bất ngờ và độc đáo của lối thơ này”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã tóm gọn được phương cách làm thơ dân gian của Nguyễn Bảo Sinh. Những câu thơ dù ngắn, nhưng đó là kinh nghiệm cá nhân và cá nhân đó phải “lội xuống bùn” mới có thể viết ra được những câu thơ mang “trí tuệ dân gian”. Nguyễn Huy Thiệp đã đánh giá cao nhà thơ, và thể loại thơ dân gian này.
Đọc Nguyễn Bảo Sinh, dù nghiêm túc, hay cười cợt, vẫn thấy được cái thông minh, xót xa của con người đối với vũ trụ, đối với cuộc đời. Nguyễn Bảo Sinh có thể là điển hình cho dạng nhà thơ thiền thời hiện đại, cũng có thể coi ông là nhà thơ “dân gian mới”, bởi chất liệu mới về ngôn ngữ hiện nay được ông sử dụng linh hoạt trong thơ.
Nguyễn Bảo Sinh không hề giấu diếm mình, ông có gì nói đó, và đương nhiên, sự nói đó được nói bởi con người từng trải, am hiểu sâu sắc về cuộc đời. Những câu thơ sau, có thể coi là diễn tả về ông, giễu cợt về ông, hay là giễu cợt về cuộc đời: “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà/ Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ/ Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ/ Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”. Từ bản thể mình, Nguyễn Bảo Sinh đã phóng chiếu ra xung quanh, nhìn nhận vấn đề nghiêm túc thành bản tấu hài. Đó là cách thi vị cuộc sống quá nhiều nỗi lo âu theo cái cách của Nguyễn Bảo Sinh.
Tính triết trí trong thơ ông không phải “đao to búa lớn”, mà đó như là dạng kinh nghiệm, minh triết mà ta nghe đâu đó, được truyền dạy lại. Ở Nguyễn Bảo Sinh, ông đã vần điệu lên: “Mời nhau ăn tiệc ăn nằm/ Mấy ai khao bạn bữa ăn khí trơi/ Chúc nhau chúc đủ mọi lời/ Mấy ai chúc bạn thành người tốt hơn”; “Kính đeo ngay trước mắt mình/ Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay/ Cửa đời chìa khóa cầm tay/ Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”; “Nhân duyên đến nhân duyên đi/ Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau/ Lá trầu chẳng đợi quả cau/ Tự nhiên tan hợp thành màu nhân duyên”; “Khi biết mỗi sai lầm là bệnh tất/ Chắc lòng người lượng cả bao dung/ Khi biết có thể ta gặp nhau lần cuối Thế giới này chắc chỉ có yêu thương”.
Thơ hóa Đạo Phật
Có thể thấy, Nguyễn Bảo Sinh mạnh nhất ở thể thơ lục bát. Có lẽ vì thế mà thơ ông có nhiều người thuộc, ngoài tính triết lý dễ cảm, đương nhiên ở đây còn phụ thuộc vào tài năng của ông. Ngoài đời, Nguyễn Bảo Sinh có lối sống thật khác, ông làm kinh doanh chó cảnh, làm khách sạn cho chó mèo, chơi đấm bốc, tổ chức thi hoa hậu cho chó mèo. Được biết, ông từng học sư phạm, học sân khấu điện ảnh, nhưng cuối cùng lại không hành nghề từ ngành học.
Nguyễn Bảo Sinh luôn muốn làm mới, làm khác người. Trong ông, cũng đầy mâu thuẫn nội tâm. Nhưng rốt cuộc, Nguyễn Bảo Sinh luôn mong muốn con người trở về với tự nhiên, như bạn ông là văn tài Nguyễn Huy Thiệp. Mong ước lẽ này, nên rất nhiều câu thơ của ông đã nói đến: “Nghĩa cuộc đời đều là vô nghĩa/ Sao loài người vẫn sống say sưa/ Vô nghĩa cuộc đời chính là ý nghĩa/ Hiểu tận cùng sẽ hóa ngây thơ”; “Ông lão trăm tuổi đem chôn/ Bay lên trời một tâm hồn trẻ thơ”.
Chất trẻ thơ này của Nguyễn Bảo Sinh là cách nhìn nhiều chiều, cũng là cách nhìn của Đạo Phật. Thơ Nguyễn Bao Sinh nói nhiều về trạng thái của con người, nhưng ông luôn lấy cái “Không” của Đạo Phật để làm nền. Nguyễn Bảo Sinh vừa như đứng trong thời cuộc, vừa như đứng ngoài thời cuộc. Nguyễn Bảo Sinh có lẽ đã đứng ngoài được vui buồn của con người, để rồi viết nên những câu thơ rất tự nhiên, đến nỗi mặc nhiên như thế.
“Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”; “Mê là mê theo cách mê của người/ Ngộ là mê theo cách mê của mình”; “Con ta không phải của ta/ Tai họa của nó mới là của ta/ Của chìm của nổi trong nhà/ Của ta rồi sẽ lại là của con”; “Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang?”.
Ở đây, ta thấy chất thiền của Đạo Phật đã ngấm sâu vào bản thơ Nguyễn Bảo Sinh. Ông nói những lời như những vị thiền sư nói với các đồ đệ. Không vướng mắc, không ràng buộc, tâm bất động. Không tham đắm của cải. Không cầu, không giành gì cho mình. Ông cũng luôn biết, dù con người có tài giỏi và tìm kiếm cái mới đến đâu, thì trong trời đất này, cái đó chưa phải là mới, rồi ông lại tự trả lời, và lại tìm được cái khác cho mình: “Những cái nghĩ mãi mới ra Đều là những cái người ta nghĩ rồi/ Những cái nghĩ mãi trên đời/ Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ta”.
Nguyễn Bảo Sinh đã mang tiếng cười vào thơ sau những triết lý mà ông đã dân gian hóa, nhất là Đạo Phật. Ông cũng giỏi khi sử dụng lại các chất liệu dân gian cũ, hay thi tứ cũ, đó là cách chơi của ông, như những trò chơi ấu thơ thời xa lắc. Nhưng ta cũng thấy, lối chơi của ông nhiều khi hơi quá, nên cũng khiến câu thơ trở nên khiên cưỡng, máy móc, vô nghĩa: “Hôm xưa lên tỉnh về làng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi/ Bây giờ quần trễ rốn lồi/ Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền”; “Phi công trẻ lái bà già/ Ai ngờ bà cụ lại là phi công”.
Trong dòng thơ hiện nay, mà nhiều người coi là hậu hiện đại, thì Nguyễn Bảo Sinh có vẻ như không hề quan tâm. Có lẽ cái nhìn thấu suốt theo Đạo Phật là trục để Nguyễn Bảo Sinh nương náu, và từ đó, viết ra những câu mà ông gọi là “huyền thi”, “huyền ngôn”, “thiền dân gian”. Chỗ đứng trong thơ ca Việt Nam, nhất là ở thể thơ lục bát, Nguyễn Bảo Sinh là cái tên nổi bật nhất, xứng đáng nhất.
Trương Đông Hào
05:43 01/06/2021
Nên in kèm ít nhất 3 bài làm dẫn liệu