Tết Đoan Ngọ cũng vào vụ gặt lúa chiêm xuân, mùa trái chín…đang tiết (mang chủng) chuẩn bị vào tiết (hạ chí), nên trời thường rất nóng bức.
Theo dân gian ăn Tết Đoan Ngọ thì ăn vào buổi trưa (Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là giờ ngọ từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều). Vào ngày Tết Đoan Ngọ, tuỳ theo điều kiện của từng gia đình để làm lễ cúng tổ tiên, trời đất…cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Lễ vật gồm trái cây, hoa, rượu nếp, thịt vịt…và các loại bánh được làm từ gạo mới.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, còn có một số tập tục:
Theo dân gian vào ngày này người ta thường ăn rượu nếp, trái cây có vị chua ngọt như vải, mận…vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, để tống khứ bệnh tật, giun sán…ra khỏi cơ thể (gọi là giết sâu bọ).
Tết Đoan Ngọ phải ăn thịt vịt, nhất là các tỉnh miền trung vào ngày này người ta đi chợ, thứ cần mua đầu tiên là vịt. Thịt vịt có tính hàn (mát) là món ăn bổ dưỡng, lại giải nhiệt cơ thể rất tốt. Một số nơi có lệ con rể đem biếu bố vợ đôi vịt, để tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành.
Theo dân gian vào ngày 5/5 là ngày có (khí dương) mạnh nhất trong năm, vào ngày này các loại cây dược liệu có nhiều dược chất nhất. Người có kinh nghiệm sẽ đi hái các loại lá thuốc về phơi khô, chế biến dùng chữa bệnh thông thường rất tốt. Các loại rau ăn lá, hái ăn vào ngày này cũng ngon hơn ngày thường.
Ngày 5/5 ở nhiều nơi có tục (khảo cây). Tức là cây ăn trái mà không ra trái, thì sẽ bị chủ nhân tra khảo bằng cách dùng vồ gỗ, dùi đục…đập vào thân cây, hỏi tại sao không ra trái, đe doạ nếu sang năm mà không ra trái thì sẽ chặt bỏ. Điền hình nhất là khảo mít, một người ở trên cây, một người ở dưới gốc phối hợp nhịp nhàng với nhau hỏi, đáp…như tra khảo, một màn diễn xướng vui như xem kịch.
Tết Đoan Ngọ cũng là ngày giỗ mẫu Âu Cơ:
“Tháng năm ngày Tết Đoan Dương
Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”.
Đây là tín ngưỡng thờ mẫu truyền thống của người Việt.
Tết Đoan Ngọ cùng với những tập tục truyền thống…còn lưu truyền mãi trong nhân gian.
Chuyện làng quê