Đặc biệt có một đôi vợ chồng, gửi lại con trai 4 tuổi cho ông bà để theo đoàn vào Nam phục vụ bộ đội, nhân dân.
Cô được biết đoàn đi B phải đến Trạm ( Trường ) bồi dưỡng chính trị và rèn luyện sức khỏe của Ủy ban Thống nhất Trung ương tại Hòa Bình. Tại đây họ được rèn luyện hành quân dã ngoại, vai đeo ba lô 6 - 10 viên gạch. Hành quân 5 - 10km mỗi ngày. Tập mắc võng, buộc nút dây, học tự cứu thương, bắn súng, ném lựu đạn. Rồi họ được phát quân trang đi B gồm quần áo bộ đội, mũ tai bèo, tăng võng, dao găm...
Cô biết sắp đến ngày lên đường.
Cô trẻ nhất, bé nhất nên ở đâu, bao giờ cũng được các anh các chú chiều chuộng giúp đỡ, bảo vệ trong cuộc sống và tập luyện. Tại trung tâm có nhiều cán bộ, nhiều lứa tuổi, nhiều ngành khác nhau như y tế, giáo dục, xây dựng, kinh tế... cùng học tập, rèn luyện để vào Nam xây dựng vùng giải phóng.
Những tối chủ nhật, khi có giao lưu, biểu diễn văn nghệ cuối tuần thì đoàn Văn công Yên Bái lại lên biểu diễn và được mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Diễn viên múa Thanh Thảo xinh đẹp, ngây thơ luôn được anh chị cô chú giành cho sự trìu mến, ngưỡng mộ, yêu thương cao nhất. Cô nhớ một hôm sau buổi học. Một chú cán bộ miền Nam đến phòng nữ của đoàn hỏi cô. Cô ngạc nhiên lắm. Ông cán bộ bảo:
- Hôm rồi được xem con múa hát. Con múa đẹp, hát hay lắm. Chú nhìn con lại nhớ đến vợ chú, con rất giống cô ấy. Nếu con quàng chiếc khăn rằn thì y chang luôn. Cô xấu hổ nhìn ông xét nét nghi ngờ, cảnh giác. Cô nghĩ ông chú lớn tuổi này lại giở trò tán tỉnh gì đây.
Cô hỏi lại một câu xã giao:
- Vợ chú vẫn ở trong kia hay tập kết ra Bắc ạ?
Không trả lời, ông đưa cô một giỏ trái cây có chuối, cam, đu đủ và khá nhiều chanh. Dường như đoán được ý nghĩ của cô ông tiếp:
- Nhìn thấy con chú nhớ cô ấy quá! Ông giơ tay che mắt, hự hự trong cổ.
Cô ấy bị bọn Mỹ bắn chết rồi!
Cô bỗng bủn rủn cả người. Ông nói tiếp:
- Chú mang chanh để con gội đầu cho tóc mượt. Vợ chú thích gội đầu bằng lá bưởi, xả và nước quả chanh tươi. Trong giỏ có chiếc khăn của cô tặng chú hôm chia tay. Con lấy quàng cho chú ngắm! Nói rồi chú quay đầu tất tả đi.
Cô và mấy cô bạn cùng đoàn chứng kiến sự việc đều ngây ra. Chẳng kịp hỏi tên chú. Hôm sau cô đi dò hỏi, tìm kiếm mục đích cho chú nhìn thấy cô quàng chiếc khăn rằn. Những người biết ông bảo:
- Anh ấy lên đường vào Nam trở về quê hương ngay đêm qua rồi!
Đêm ngày 25 tháng 11/1974 họ lên đường. Gia đình, người thân không được báo để giữ bí mật. Trước giờ lên đường, đoàn cán bộ Yên Bái do trưởng ty văn hoá, bác Vũ Chính, phó ty bác Trần Nam và chú Nguyễn Đức Toàn đoàn phó Văn công tỉnh cùng một vài người nữa đến tiễn đoàn tại Trung tâm huấn luyện Hòa Bình. Ông chúc đoàn lên đường mạnh khỏe, an toàn may mắn hẹn mang thành tích, chiến công về cho tỉnh ta( YB ) Ông chụp ảnh chung với đoàn( trong ảnh cô ở giữa quàng khăn rằn)
Cả đoàn ngồi trên 2 chiếc xe bộ đội, có tên zin 157 của Liên Xô.
Xe chuyển bánh rời Trung tâm, hướng phía Nam tiến tới. Các chú bảo:
- Chặng đường phía trước còn nhiều gian truân vất vả lắm.
Những người ở Trung tâm chưa đi, ra tiễn đoàn.
Dù đã hết thời bom đạn Mỹ nhưng cảm giác chia ly vẫn nao nao, xao xuyến. Cô chợt nhớ vần thơ của nhà thơ Nguyễn Bính:
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
(Còn tiếp )
Hà nội, ngày 5/11/2023
T.H.Q