Đến địa phương nào, nắm bắt tình hình xong là anh sáng tác ngay. Khi thì bài hát, khi thì bài chèo. Cô còn nhớ anh ôm đàn ghi ta vừa sáng tác vừa hát. Ca sỹ Thủy Nguyên và Bích Thìn tập theo từng câu, từng đoạn. Thế là tối đó có bài hát phục vụ bà con địa phương. Nghe nhắc đến địa danh, con người quê hương họ, những người đứng xem vỗ tay nhiệt liệt. Già làng tóc râu bạc phơ, răng còn mỗi một cái ôm con gà trống to leo lên sân khấu( chỗ đất cao hơn) tặng ca sỹ Thủy Nguyên. Còn ở tốp múa của cô khi múa bài CÔ GÁI PA CÔ ĐI TẢI ĐẠN bà con thấy diễn viên đeo gùi sau lưng không giống của họ. Họ lấy gùi của mình đổi cho các cô.
Một buổi diễn khác ở phun sóc sâu trong rừng. Người Pa co mang một dàn cồng chiêng, đàn đá lên biểu diễn cùng. Hôm đó cô còn được một thanh niên người Pa Cô tặng cho chiếc đàn Ta lư. Hôm sau cả đoàn tập đánh mà không được.
Buồn cười nhất là khi đang diễn, bỗng một con chó to, đen mượt, tai cụp rất đẹp nhảy lên sân khấu đứng chen vào hàng đầu của tốp ca nam nữ đang hát bài Nhạc rừng. Nó lắc tai, nghiêng đầu theo giai điệu bài hát. Đang biểu diễn nên không thể đuổi nó ra được. Khán giả cười nghiêng ngả, thoải mái. Con chó này sau đó đi luôn theo đoàn. Nó rất khôn, nó hiểu hết nội dung trao đổi của con người. Người dân nói đó là con chó của một sỹ quan VNCH. Chắc khi di tản không có chỗ trên máy bay nên bị bỏ lại. Nó gắn bó với đoàn, đi diễn gần thì nó chạy theo xe ô tô. Đi xa thì nó nhẩy phốc lên thùng xe đi cùng diễn viên. Một hôm đoàn đi diễn ở một phun sóc xa. Trên đường đi, gần đến một chiếc cầu. Trên xe con chó bỗng chồm lên ca bin, hướng về phía trước sủa vang. Không ai để ý, nó nhảy phóc xuống đất chạy chắn đầu xe sủa rồi chạy ra đầu cầu sủa. Chú lái xe phanh kít xe lại. Người trên xe xô nhào về phía trước. Nhạc cụ rơi kêu loong toong. Ôi trời! Cầu gãy mà không ai biết. Nếu không có con chó mách bảo xe của đoàn đã rơi xuống suối. Không biết hậu quả sẽ thế nào? Chú chó đen đã cứu cả đoàn, chú đúng là ân nhân của mọi người. Trong bữa ăn ai cũng ném cho chú miếng xương ngon nhất. Sau này chú chó mun đó theo đoàn ra miền Bắc và sống với gia đình anh trưởng đoàn.
Nếu những ngày vượt Trường Sơn gian khổ, thiếu thốn không gì tả nổi, thì những ngày sau lễ chiến thắng 15/5/1975 ở Ninh thuận các cô sướng vui, vinh dự, tự hào cũng không bút nào tả xiết. Đoàn Văn công Yên Bái được chào đón, trân trọng nâng nui hết mức. Chính quyền ưu ái, nhân dân quý mến. Đến đâu diễn chính quyền và người dân đều tiếp đón chu đáo vì họ rất khâm phục những diễn viên văn công mang đến cho họ món ăn tinh thần mà chưa bao giờ họ được thưởng thức. Họ mổ lợn, mổ dê, bắt gà bắt ngan, bắt cá lên nấu đãi đoàn. Toàn những món ở Yên Bái mơ cũng chẳng có.
Cô bồi hồi nhớ lại quãng đường gian khổ vượt Trường Sơn vào đây.
TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
Hiệp định Pari về VN ký kết 27/1/1973. Miền Bắc không còn bóng dáng quạ Mỹ gầm rú, mang chết chóc đến cho mọi người. Miền Nam Mỹ đã rút quân nhưng chiến tranh giành đất vẫn ác liệt.
Theo chủ trương của đảng, ngoài quân, vũ khí đạn dược, lương thực thuốc men đổ vào chiến trường miền Nam còn có cả vạn cán bộ ngành DÂN CHÍNH ĐẢNG vào xây dựng vùng giải phóng.
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Yên Bái cử đoàn Văn công Yên Bái vào phục vụ bộ đội, nhân dân tỉnh Ninh Thuận kết nghĩa.
Đoàn văn công tỉnh Yên Bái gồm 25 người do nhạc sỹ Đặng Xuân Bái dẫn đường xuất phát từ Hòa Bình (nơi tập trung, học tập chính trị và rèn luyện sức khỏe của Ủy ban Thống Nhất ) lên đường tháng 11/1974. Đích cuối cùng là tỉnh Ninh Thuận là tỉnh kết nghĩa với tỉnh Yên Bái. Đoàn có tổ ca hát, tổ chèo, tổ múa, tổ ... tư trang nhạc cụ gọn nhẹ.
Thu thảo là diễn viên trẻ nhất. Học hết lớp 7, cô mê ca nhạc nên khi đoàn Văn công tuyển diễn viên cô dự tuyển. Nhìn khuôn mặt sáng ngời, mụ cười ngây thơ quyến rũ, dáng cao như vũ nữ họ nghĩ: Trời ban cho cô này là diễn viên. Họ bảo cô hát vài câu, múa vài động tác. Họ nhận ngay. Đó là tháng 12 năm 1972, cô mới 15 tuổi.
Thời đó được thoát ly (tức là đi làm) là giúp đỡ được gia đình. Cô có lương 37 đồng và 21 kg gạo, có tem phiếu là mừng lắm.
Sau hơn một năm vừa học, vừa đi biểu diễn cô xung phong vào đoàn đi B. Chú trưởng đoàn bảo bảo:
- Cháu có biết chiến trường gian khổ, hy sinh như thế nào không? Cháu có chịu khổ được không?
Cô nói:
- Chú cho cháu đi nhé! Khổ cháu chịu được. Cháu muốn biết Trường Sơn nó như thế nào, Chiến trường ra sao?
Cháu thích được biểu diễn cho bộ đội xem!
Đoàn được xe của binh trạm chở đi.
Ngày đầu tiển ngồi xe chạy trên đường Trường Sơn. Ban đầu cô thấy thích thú, nhìn qua cửa xe ngắm rừng trụi lá, ngắm những chiéc xe đi ngược về Bắc. Miệng hát nho nhỉ bài ca Trường Sơn. Đến một binh trạm khác đoàn dừng nghỉ nấu ăn, ngủ đêm.
Xuống xe cô tìm ngay chỗ để mắc võng. Ngắm hai cái cây để có thể buộc được vừa chiếc võng cô nhanh nhẹn buộc hai đầu võng, cô còn cản thận lấy dao phát đi những cây nhỏ hơn phía dưới võng. Mệt bã bời, buồn ngủ díp mắt nên cô quên luôn cách buộc mà ở trường Huấn luyện đi B đã dạy. Cô buộc sai nên khi ngồi lên võng, vừa ngả cái thân mệt mỏi sau một ngày hành quân thì rầm một cái cả người lẫn võng đứt phựt. Cả người cô rơi xuống, mông bị các gốc cây vừa phát chọc vào, đau điếng. Cô chảy nước mắt, khóc nhè. Ngồi tự xuýt xoa một lúc, các chị xúm lại xoa dầu day mông cho cô. Đến mấy hôm sau chỗ sưng vẫn chưa tan, vẫn đau. Tím bầm một khoảng. Một anh trong đoàn trêu cô: - May mà em nằm ngửa chứ mà nằm sấp thì nứt đôi cái ấy ra rồi! Cô đỏ mặt đấm anh thùm thụp.
Chuyện hành quân trên Trường Sơn vừa gian khổ vừa vui, cười chảy nước mắt. Một buổi sáng, một nhạc công ngủ dậy nói:
- Đêm qua mưa à?
Mọi người bảo:
- Không, mưa đâu?
Anh nhạc công cãi:
- Phải mưa rất to nhé! Không nhìn thấy tăng ướt nhòe đây à?
Ôi thôi! Chắc đêm qua tao dậy đi vệ sinh. Trời tối mù, chắc tao đái nhầm vào tăng của mày rồi! Anh đánh đàn bầu cười tít mắt.
Còn có chị nửa đêm thấy lành lạnh, ngứa ngứa, hơi đau cạnh chỗ kín, thò tay vào, sờ thấy ươn ướt, lành lạnh, mềm nhũn. Chị chợt nhận ra là con vắt no máu. Chị hét ầm lên:
- Chúng mày ơi, con vắt nó lại bậu vào... ấy tao!
Cả nhóm choàng dậy, bật đèn pin. Mấy chị đến giúp bắt con vắt ra nhưng ai cũng sợ, đành phải gọi cánh đàn ông. Một anh bảo cô:
- Nhắm mắt vào!
Anh quà quạng lần tìm, tóm con vắt giựt mạnh. Cô bỗng ái lên một tiếng thất thanh. Anh thanh niên vứt con vắt no tròn như quả sim chín ra đất. Con vắt còn dính đầy lông mao của cô. Trong đêm trường Sơn tiếng cười vang, phá tan vẻ tĩnh mịch huyền bí.
(Còn nữa)
Hà Nội, ngày 4/11/2023.
T.H.Q