Tôi có cảm giác quãng đường từ Nam Định vào Đà Nẵng dài dằng dặc - bởi khát khao ngày trở lại cứ luôn đau đáu ngay từ khi tôi rời mảnh đất đầy nắng và gió của miền Trung – Trung bộ. Và dịp may đã đến khi Bộ Văn hoá -Thể thao – Du lịch tổ chức trại sáng tác Văn học nghệ thuật nơi đây. Suốt gần 15 giờ đồng hồ, cứ thấp thỏm mong chờ giây phút con tàu dừng lại ở sân ga. Gần 23 giờ đêm, tàu qua Lăng Cô, nhìn qua ô cửa, thấy ánh đèn lấp loáng từ những chiếc thuyền câu mực của ngư dân, lúc đó mới tạm bớt bâng khuâng…
23 giờ 15 phút, tàu dừng bánh. Tôi kéo valy ra khỏi nhà ga. Cánh lái xe taxi và grab mời chào rất lịch sự, tôi nhã nhặn từ chối vì có người nhà đã hẹn đón. Họ vui vẻ lảng ra mà không hề chèo kéo. Bất chợt, quai xách của valy bị đứt, cả hai chàng grab xúm lại giúp tôi kéo valy lên. Anh Trần Văn Dự, tổng giám đốc điều hành công ty Tuấn 123 Đà Nẵng, đón tôi ngay lối ra của ga. Anh mời tôi về nhà, nhưng do thời gian quá khuya nên tôi cảm ơn và mong được về ngay Nhà sáng tác của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tại số 2 Vân Đài nữ sỹ, phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Tới nhà sáng tác, đồng hồ đã gần sang ngày mới…
Thao thức mãi, tôi đặt bút viết bài thơ “Trở lại sông Hàn” tiếp nối mạch cảm xúc của chín năm về trước. Và đến khi kim đồng hồ chỉ thời gian là 1 giờ 30 phút ngày 10 tháng 5 thì bài thơ được hoàn thành. Dù chưa được mỹ mãn, song bài thơ là tình cảm chân thành của tôi đối với mảnh đất này…
Ban đêm, trên ban công tầng 3, nhìn sông Đô Toả lấp lánh luênh loang sóng nước đang uốn mình lượn chảy qua sau nhà sáng tác và phía xa xa là ánh đèn điện cao áp lung linh huyền ảo như giăng hàng trên mặt sông làm cho cảnh sắc thêm lung linh huyền ảo lạ thường. Những âm thanh ầm ào, náo nhiệt của cuộc sống thường nhật đã tắt hẳn, chỉ còn lại sự yên bình. Đây có lẽ là nét độc đáo riêng của thành phố Đà Nẵng, mà không thành phố nào có được khi màn đêm buông xuống…
Sáng hôm sau (11/5/2023), đoàn văn nghệ sỹ Nam Định chúng tôi đến chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà. Ở trên độ cao 693 mét so với mực nước biển, đây là ngôi chùa khá đặc biệt bởi nằm sừng sững giữa chốn núi rừng; mặt trước hướng ra phía biển Mỹ Khê. Ngoài các bức tượng Phật và tượng La Hán trải dài thì bức tượng Phật Bà Quan Âm cao 67 mét tương đương 17 tầng bằng đá cẩm thạch trắng… Tương truyền vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), người dân làng chài phát hiện có pho tượng Phật trôi giạt vào bãi biển và vớt lên rồi xây chùa thờ cúng. Từ đó, ngôi chùa này được coi là cõi Phật chốn trần gian…
Với mục đích khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, đoàn tiếp tục đến với Bảo tàng điêu khắc di tích Chăm, được xây dựng cách đây hơn 100 năm (1916), là nơi lưu giữ nét văn hoá độc đáo của người Chăm cổ xưa, nơi tái hiện nhịp thời gian âm vang qua từng hiện vật. Những nét điêu khắc, chạm trổ khi tinh tế, khi thô sơ khiến cho tất cả sững sờ trước năng khiếu nghệ thuật, thẩm mỹ và tôn giáo của người Chăm cách đây hơn 13 thế kỷ. Bảo tàng thể hiện sự trân trọng nâng niu của Đà Nẵng đối với nền văn hoá thuở xưa; bởi cây sống được chính là nhờ cội rễ. Sự phát triển của cuộc sống hiện tại bắt nguồn từ nguồn cội, từ dòng chảy quá khứ đến hôm nay. Tuy nhiên, để duy trì và bảo vệ nguồn di sản này cho mai sau đòi hỏi sự hợp tác, chăm lo không phải chỉ của ngành văn hoá mà của tất cả các cấp các ngành và cả mọi người dân đất Việt…
Sáng 13/5, đoàn văn nghệ sỹ được Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Đạt - một tập đoàn nổi tiếng ở thành phố - mời đến tham quan và dạo chơi, đồng thời thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của Japanese Resorts & Spa Mikazuki, một tổ hợp được đầu tư từ Nhật Bản. Đây là một tổ hợp có khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 sao toạ lạc ngay trên một khu bờ biển của vịnh Đà nẵng và có diện tích lên tới 13 héc-ta. Japanese Resorts & Spa Mikazuki được lấy cảm hứng là nơi đất trời hội tụ và nhịp sống bắt đầu. Khu nghỉ dưỡng được thiết kế và xây dựng dựa trên 4 nhân tố chính: Mặt trời – Khu biệt thự Hinode, Mặt trăng – Khách sạn Mikazuki, Sóng – Nhà hàng ven biển Nami và Biển – Công viên nước 365. Mọi người được thưởng thức tắm nước suối nóng theo công thức pha chế từ đất nước Mặt trời mọc. Tiếp đó, đoàn tham quan khu tổ hợp khách sạn cao 22 tầng – 95 mét; đây được coi là nóc nhà của Đà Nẵng hiện tại với đủ loại hình dịch vụ đáp ứng các nhu cầu của du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với tháp 5 tầng thờ tướng quân của người Nhật và chiếc chuông được coi là thần vật của đất nước Phù Tang… Tầng 22 với bể bơi vô cực, khiến cho du khách có cảm giác hoà nhập với mây trời, sóng biển. Ở trên cao, phóng tầm mắt ngắm nhìn cả thành phố đang đón ánh nắng ban trưa với bao sắc màu rực rỡ; càng thấy sức quyến rũ lạ kỳ của mảnh đất đáng sống này. Ngồi nói chuyện với Tổng giám đốc Nguyễn Đình Chiến, mới hiểu được tầm nhìn của lãnh đạo thành phố mà tiêu biểu là ông Nguyễn Bá Thanh. Chính bước đột phá trong quản lý và phát triển của Đà Nẵng đã khiến dải đất này thay da đổi thịt. Phải có tình yêu, niềm tin, sự năng động sáng tạo, tài ba và đồng lòng mới có thể khiến cho nơi đây vươn mình đứng dậy trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và đáng tin cậy…
Chiều tối hôm ấy, đoàn chúng tôi đặt vé đi tàu trên sông Hàn để chiêm ngưỡng cảnh sắc Đà Nẵng vào đêm và đặc biệt là xem màn phun lửa của cây cầu Rồng bắc qua sông. Con tàu du lịch có trọng tải khoảng 400 tấn được thiết kế 2 tầng thoáng đãng với 2 dãy ghế, có thể dành cho 50 du khách mỗi tầng với đủ phao cứu sinh cho mỗi người. Trước khi tàu rời bến, mọi người được chiêm ngưỡng điệu múa Apsara của dân tộc Chăm đầy quyến rũ với những vũ điệu uyển chuyển mượt mà như đang ca ngợi và phô diễn những đường cong mềm mại, duyên dáng mà Tạo Hoá đã ban tặng cho phái đẹp. Mỗi một động tác của tay, chân đều chuyển tải những thông điệp đến với mọi người; tuy nhiên, phải tìm hiểu một cách sâu sắc mới có thể nhận biết được… Tôi hơi xót xa khi những cô gái xinh đẹp thể hiện điệu múa Apsara trên sàn tàu không được lót thảm tránh trầy xước. Phải chi mỗi tàu có trang bị để bảo vệ những “nàng tiên” xinh đẹp này khi họ thể hiện loại hình nghệ thuật trên sàn bằng sắt thì có phải đỡ lo không?
Đứng ở đầu mũi tàu, tôi thoả thích ngắm cảnh sắc thành phố vào đêm và hít thở không khí trong lành từ biển thổi vào… Thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng một con sông khá đặc biệt có chiều dài 7,7 ki-lô-mét với bề rộng từ 400 – 600 mét và chỗ rộng nhất là 700 mét. Sông Hàn là hợp lưu giữa hai con sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện (còn gọi là Đò Toản) và chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Hàn giang vốn bắt nguồn từ tên gọi 瀚 門 - Hàn môn = cửa Hàn, nghĩa là rộng lớn, bao la, mênh mông, bát ngát… Và quả thực, khi đi trên sông Hàn mới thấy điều này, khi những con sóng lừng lững vỗ mạn tàu và những cơn gió mang cả hương vị mặn mòi của biển khiến cho ai đó lần đầu đi tàu pha sông biển cũng thấy chao đảo, ngả nghiêng. Cảm giác như được trở lại những ngày còn lênh đênh trên sóng nước giữa biển khơi vào ban đêm khiến tôi thổn thức, mặc cho những cơn gió lướt qua người… Có lẽ, chỉ Đà Nẵng mới có loại hình du lịch độc đáo, đậm nét văn hoá nghệ thuật này!
Còn nhiều trải nghiệm quý báu cho những văn nghệ sỹ như chúng tôi tại thành phố đáng yêu này, nhưng tôi cảm thấy bút lực của mình chưa đủ để thể hiện hết bao điều muốn nói về Đà Nẵng thân yêu. “Tôi là kẻ chỉ một lần đi qua/Nên bâng khuâng cứ theo hoài nỗi nhớ”. Dẫu vậy, nơi này đã trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim tôi, nó đánh thức trong tôi bao khát vọng, tình yêu!