Chạy nhảy chán, em nằm phơi mình bên ô cửa sổ, lúc lim rim mắt, vểnh tai thưởng thức tiếng gù của cặp vợ chồng cu ngói. Khi mở to cặp mắt nhìn bầu trời xanh qua tán cây dâm bụt, thắc mắc vì sao con bướm kia có thể nhẹ nhàng bay lượn thảnh thơi?
Con chim cu kia sao nó gù tha thiết thế? Cả xóm yêu em, thích em. Em trở thành “cư dân” xóm rất tình cờ. Cha mẹ em vì dịch Covid - 19 nên không thể về Úc cùng ông chủ. Đấng sinh thành của em đành ở lại Việt Nam. Em là kết tinh của tình yêu mùa dịch. Tri ân những người bạn tốt, ông chủ của cha mẹ em, tặng em thay lời cảm ơn người bạn. Chủ mới của em là gia đình trung niên người Việt. Họ có một cô con gái ở tuổi đôi mươi và một cậu con trai học lớp 12.
Gia đình coi Sam như một thành viên trong nhà, Sam được yêu thương, cưng chiều vô đối. Hàng ngày, ông chủ và hai con đi làm, đi học, nên Sam ở nhà với bà chủ. Bản tính trẻ con, hiếu động, Sam luôn chực chờ bà chủ sơ ý là tót ra ngoài. Vì ngoài kia với Sam vô cùng hấp dẫn. Là cả không gian bao la với nắng vàng, chim hót, hoa lá rập dờn nào mai, nào khế, nào thu hải đường, nào mai chiếu thuỷ.
E ấp hơn là nàng trà my kiêu hãnh, kệ mọi người sốt ruột chờ mong, thi thoảng nàng ban cho, duy nhất chỉ một bông trắng muốt với mùi thơm không gọi thành lời. Xét về độ tuổi Sam là “cư dân” trẻ nhất của xóm hưu trí. Đúng như tên gọi, xóm toàn người già, hay nói hoa mỹ chút là người cao tuổi. Chỉ có vài ba cô cậu thanh niên, mà họ bận đi làm, đi học nên cùng chơi với Sam toàn cũng… vẫn người già.
Người già thích yên tĩnh, nên dù rất yêu và thích chơi với Sam nhưng cũng không thể chơi lâu vì Sam quá nghịch. Ông chủ của Sam là người xởi lởi, vui tính và nhiều tài lẻ. Nếu không đi làm, ngày nghỉ ở nhà cũng không hết việc. Khi thì sửa quạt, sửa nước cho nhà đối diện, lúc sửa điện, máy bơm cho nhà bên cạnh. Đồ dùng sinh hoạt nhà ai mà hư, luôn mặc định gọi ông chủ của Sam. Mà cũng lạ, sau 15 phút hoặc hơn, qua đôi tay tài hoa của ông chủ Sam, mọi cái lại như chưa bao giờ hư. Tài thế cơ chứ! Cứ xoay như chong chóng, không lúc nào hết việc, nên dù Sam yêu ông chủ nhất nhà, nó cũng rất ít được chơi cùng. Chưa kể Sam còn được cô bé nhà đối diện hay “mượn” qua chơi.
Thời gian đầu qua chơi, Sam còn giữ ý ngoan, hiền. Tới lần thứ ba, Sam thể hiện rõ vị thế của mình khi được “mời” qua. Sam chạy lung tung các góc, trốn vào gầm sô pha, vào những ngóc ngách khó tìm làm cô bé bở hơi tai đuổi bắt. Sam cứ lém lỉnh, nghịch ngợm, dễ thương vậy đó. Nó đâu biết rằng, từ khi ra nhập “cư dân” xóm, nó đã trở thành cầu nối gắn kết các gia đình trong xóm như một sứ giả ngoại giao đại tài.
Vì với cư dân phố thị, khái niệm hàng xóm hình như đã bị bỏ quên. Có Sam, các mối gắn kết thường xuyên hơn, sống động hơn, đời thường hơn và mang hàm nghĩa tích cực hơn của câu ca “bán anh em xa mua láng giềng gần”.