Sách mới khổ 13 x 19 Cm dày gần 140 trang còn thơm mùi giấy và mực in, gồm 63 bài thơ được tuyển chọn từ hai tập thơ “Hạt phù sa” xuất bản năm 1996, “Hoa gạo” xuất bản năm 2001 và cũng có những bài sáng tác gần đây như “Lớp mình ngày ấy - bây giờ” (Thân mến tặng các bạn K13 Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) ).
Tựa sách “Tiếng thu” làm gợi nhớ trong tôi về mùa thu vàng, chiều thu lá vàng rơi, một mùa thu tơ vàng; một ánh trăng lan dịu dàng trong đêm thu hoặc một tiếng chuông chiều thu,... Tất thảy những hình ảnh ấy gợi cho ta nhớ về những kỷ niệm với bao nỗi nhớ nhung da diết về một mùa thu tuyệt đẹp, mơ màng… mà chẳng mùa nào sánh kịp bằng sự quyến rũ của mùa thu. Một năm có bốn mùa nhưng mùa thu khơi dậy trong ta bao nguồn cảm hứng, mùa thu gợi tình cho văn nhân, thi sĩ và nhạc sĩ sáng tác, sáng tạo nên những tác phẩm để lại cho đời.
Và nhắc đến “Tiếng thu” không thể không nhắc đến Lưu Trọng Lư mà Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét là bài thơ hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư và cũng là bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam thời hiện đại:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phụ?
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai rừng nghơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Tản mạn một chút về mùa thu xinh đẹp, tuyệt vời đã trở thành bến đợi của nhiều thi sĩ, là nguồn mạch ngọt ngào vun đắp cho mỗi hồn thơ mà Nguyễn Thị Quế cũng không phải là ngoại lệ. Chị đã chọn “Tiếng thu” làm tựa cho cuốn sách mà tôi được tặng. Trong tập thơ mới xuất bản này của Nguyễn Thị Quế có hai bài nói về mùa Thu. Đó là bài “Tiếng thu” (Tặng con gái) cũng là tựa cho cuốn sách và bài “Thu Hà Nội”. Cả hai bài này đều là thể thơ 7 chữ, xen lẫn với thể thơ song thất lục bát. Với tâm hồn nữ tính mang đậm nét duyên dáng, ý nhị, sâu lắng của người con gái vùng Kinh Bắc, Nguyễn Thị Quế đã cảm nhận mùa Thu trong lòng người xao động hanh hao, se se lạnh của gió heo may, “gọi nhớ mong”, “gọi mưa giăng mắc”, “goi mây đan áo” của da trời và mùi hương dịu ngọt của khí thu:
Thu đến gọi gì em nghe không ?
Gọi mưa giăng mắc giữa mênh mông
Gọi mây đan áo, trời dệt nắng
Gọi bờ vai ấm, gọi nhớ mong.
Mùa thu đi vào trong thơ của Nguyễn Thị Quế còn mang một vẻ hấp dẫn, một sức hút riêng với những lời nhắn nhủ:
Thu đến nhắn gì em biết không ?
Nhắn em hãy tỏa nắng trong lòng,
Nhắn hoa thắm nở, chim xây tổ
Kẻo rồi se lạnh, kẻo rồi đông.
Bốn câu cuối của bài “Tiếng thu”, thi sĩ Nguyễn Thị Quế xuất phát từ cái không gian mùa thu êm đềm với những “thổn thức”, những “rạo rực” gửi tặng con gái:
Thu đến kia rồi, bước thật êm,
Tiếng thu thánh thót ghé bên thềm,
Hương thu ngan ngát chiều buông xuống,
Một khúc tình thu riêng tặng em…
Còn trong bài “Thu Hà Nội”, chúng ta dễ nhận thấy một nét riêng khi Nguyễn Thị Quế miêu tả cảnh sắc mùa thu rất thân quen của Hà Nội như thổi vào trong lòng người đọc những dư vị ngọt ngào, một bức tranh thu quen thuộc thân thương, độc đáo, cảnh thu mênh mang, thơ mộng của những thổn thức, của khúc giao mùa:
Hà Nội đã thoảng thơm hoa sữa,
Sấu chín vàng góc phố Ngô Quyền.
Một cánh phượng sót trên cành thắp lửa,
Cái lạnh bờ vai áo cứ làm duyên.
Thu Hà Nội năm nay đến sớm,
Chia tay em - chắc trời hiểu lòng mình !
Liễu yểu điệu bên bờ Hoàn Kiếm,
Sương Tây Hồ lãng đãng, mông mênh !
Trong lời thưa với bạn đọc, Nguyễn Thị Quế đã bộc bạch “ Thơ tôi là những dòng tôi viết về những kỷ niệm, những cảm nhận lắng đọng của riêng mình. Nó như một cuốn nhật ký, nó là những hạt thời gian mãi còn ở lại với tôi ! Và nếu có vô tình chạm vào trái tim của bạn thì nó là quà tặng cho bạn”.
Nói về phong cách thơ của Nguyễn Thị Quế, GS Phan Ngọc nhận xét: “Nhà thơ là một người có một đặc điểm nào đó mà chúng ta không có, một đặc điểm mới lạ. Cái mới thu hút. Và có nhiều bài thơ hay loại này, với một điều kiện: Họ phải trung thành với chính họ… Con người vừa sống vừa tìm hiểu mình. Người ta chỉ hiểu được mình khi đối diện với một đối tượng ở ngoài mình (một cảnh vật hay một con người) hay một đối tượng ở trong tâm hồn mình (một kỷ niệm, một mơ ước). Tôi gọi loại thơ ấy là loại thơ để gặp lại mình. Loại thơ này không mang tính hàng hóa. Nó là quà tặng. Tôi viết cho tôi. Nếu bạn thấy gặp lại chính bạn ở đấy, thì nó cũng là quà tặng cho bạn".
GS Phan Ngọc ấn tượng nhất là bài thơ “Con gái tôi” trong Tuyển tập thơ “Tiếng thu” vừa xuất bản của Nguyễn Thị Quế với tiếng lòng lắng đọng sâu thẳm:
... Má con gái tôi trắng hồng, ửng đỏ,
Cái lúm đồng tiền xòe hoa.
Mắt này, đôi mắt của cha,
Nụ cười của mẹ, nó là con tôi !
Tập thơ “Tiếng thu” suy cho cùng là tiếng trải lòng sâu lắng của Nguyễn Thị Quế viết về quê hương và tình yêu quê hương qua “Bài thơ gửi sông Thương”. Đây là một bài thơ hay, đáng yêu, giàu vần điệu, nhạc điệu, lời thơ thanh nhẹ, hình tượng đẹp, trong sáng, cảm xúc dào dạt, bâng khuâng, mênh mang:
… Sông Thương ơi từ ấy ra đi
Niềm khát nhớ tháng năm vời vợi
Một bóng mẹ già thân cò lặn lội…
…
Sông là niềm tin trong phút chia xa,
Là nguồn mát giữa trưa hè nắng,
Mặt nước trong xanh bồng bềnh mây trắng,
Một cánh diều bay giữa khúc ca dao…
Cảnh vật đồng quê bên Sông Thương được Nguyễn Thị Quế khắc họa từ đường nét đến sắc màu đều tiềm tàng một sức sống ấm no, chứa chan hi vọng:
Lúa mượt đòng, đàn én nghiêng chao,
Câu Quan họ gọi tầm xuân thức giấc…
Sông êm ái trong mỗi lời ta hát,
Sông hiền hòa trong mỗi bước ta qua.
Bạn đồng môn của tôi mỗi lần về thăm quê bên dòng Sông Thương lại xúc động “dạ nhớ người dưng”, khẽ khàng cất lên lời hát dào dạt, “da diết khôn cùng” dâng lên trong tâm hồn, làm cho giọng thơ trở nên bồi hồi, say đắm đáng yêu:
Sông Thương ơi dù có lúc vơi đầy
Thì thuyền ấy cũng sẽ về bến ấy!
Dẫu lòng ta không bao giờ sóng dậy
Mà “dạ nhớ người dưng
cứ da diết khôn cùng.
Đúng như GS Phan Ngọc cho rằng; “Con người ấy (Nguyễn Thị Quế) phát hiện ra mình khi từ biệt quê hương đi học, khi về thăm quê, khi gặp bạn đời, khi có con, khi con gái lớn… Chuyện của cuộc đời bình thường. Chuyện thực và rung cảm thực. Nhưng vẫn là sự phát hiện. Những bài thơ giúp ta gặp lại chính mình.”
VXB
20/12/2021