Quê nghèo là do ngày ấy phải chi viện cho chiến trường quá nhiều, hầu như tất cả sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đóng % nghĩa vụ cho nhà nước. Là do cơ chế, chính sách của NN không phát huy được nguồn lực to lớn trong dân, là do . . . v.v.và v v!
"Trẻ con không được ăn thịt chó" trong truyện Lão Hạc hay Con Vàng gì đó của nhà văn Nam Cao nhỉ? Nó phản ảnh cái nghèo khó đấy! Nhà nuôi được con lợn phải cân nghĩa vụ hết, bệnh chết làm thịt phải có đơn xin xã chấp thuận. Nuôi con gà, vịt là để bán có tiền mua quần áo, mắm muối, sách vở. . . Mùa làm đay cực khổ lắm mà cả nhà chỉ dám mổ một con, dọn ra lũ trẻ khoắng qua là muốn hết. Chỉ ngày tết, đám giỗ, cưới mới có ăn đỡ thèm lúc đó miếng thịt lợn luộc toàn mỡ gắp ăn ngon lành.
Tết mổ lợn tùy con to nhỏ mà mấy nhà chung một con, trẻ con xúm xít thích lắm vì thế nào các cụ cũng cho mỗi đưa một tý mà các cụ xâu vào cái lạt bỏ vào nồi nước luộc lòng chín đem ra xắt cho mỗi đứa một cục ngon ơi là ngon! Mỗi nhà được chia đủ mọi thứ của con lợn rồi bưng đem về tự chế biến theo sở thích (trừ lòng, thủ chia khi luộc chín) nên ăn không chán, ngon lắm!
Nhưng bù lại ngày ấy đồng ruộng không ô nhiễm nên cua cá ốc ếch rất nhiều, ngày nào nhà cũng có ăn do chúng tôi bắt về.
Bây giờ thôn tôi khá giả rồi, trẻ con chúng không thèm đâu, muốn chúng ăn phải dụ kìa. Điện đường trường trạm khang trang, sáng sủa, sạch sẽ. Nhà hầu hết được xây khang trang, sạch sẽ, có nhà xây hai ba tầng, vệ sinh khép kín như ở phố, chứ không còn nhà tranh vách đất nữa, không còn cái thời mà tôi dắt con về quê, hỏi về quê con thích gì nhất? Nó nói thích nhất đi ra mương đồng câu cá! Thế sợ gì nhất? Nó trả lời ngay sợ nhất là đi vệ sinh! Rõ khổ! Nhưng với nhà vệ sinh có bể tự hoại, tôi cứ lo ô nhiễm nguồn nước ngầm vì quê đã có nước máy nhưng 100% gia đình dùng nước giếng khoan trong ăn uống sinh hoạt. Mà không biết có ai kiểm nghiệm không?
Một thời quê nghèo nhớ mãi!
Nhà bà chị, chú em tôi ở quê đó!
Theo Chuyện làng quê