Cái chài được cấu tạo khá đơn giản. Nó được đan kết từ các sợi dây dù rất dẻo dai, phía đáy có gắn các con chì nặng trĩu. Khi quăng, chiếc chài xòe hình tròn trùm xuống mặt nước, các viên chì nặng có tác dụng làm cho nó nhanh chìm xuống đáy nước, quây cho cá tôm hết đường chạy. Ngày còn nhỏ, thỉnh thoảng cõng em đi chơi, tôi lại có dịp bắt gặp chú Nghi, một người chuyên làm nghề bắt cá ở làng tôi đi quăng chài. Ngắm nhìn cách chú quăng, tôi cứ ngỡ như xem một nghệ sĩ đang biểu diễn. Các thớ chài được chú chỉa ra, rải đều trên vai, trên cánh tay trái; còn tay phải cầm dây và một thớ cửa chài. Chú đứng dạng hai chân kiểu xuống tấn rồi bất thình lình xoay người, quăng hai cánh tay theo cú xoay đó. Các thớ chài theo vòng xoay, nở tròn xoe 360 độ như một bông hoa trùm xuống mặt sông. Đợi cho chài chìm hẳn xuống đáy, chú đứng choãi chân trước, chân sau, nhanh tay rút sợi dây để kéo chài. Chiếc chài được rút co lại, kéo lên khỏi mặt nước.
Chú Nghi nhúng nhúng đáy chài xuống nước vài lần để rũ bớt bùn đất, rồi chú lựa tay bới chài, nhặt cá. Vài con cá diếc giẫy đành đạch, vảy trắng lấp lánh. Mấy con cá rói mắt đỏ ngầu, loi ngoi giãy giụa. Mấy chú tôm càng, tôm trứng trong veo, búng tanh tách. Có cả vài con cua, con rạm bò lổm ngổm. Tất cả đều bị chú Nghi tóm gọn, bỏ vào trong cái giỏ to đùng. Tôi cõng em trên lưng, mắt say sưa nhìn từng động tác của chú Nghi mà thấy thích thú. Bây giờ về làng, tôi thấy chú Nghi đã già rồi. Chú không còn làm nghề quăng chài như xưa nữa. Nhưng đọng lại trong kí ức của tôi vẫn mãi mãi vẫn là chú Nghi ngày nào: tuy không cường tráng nhưng khỏe khoắn, hay lam hay làm; có chút khắc khổ của người lao động nghèo nhưng hiền lành, lương thiện. Cũng không biết tại sao, mỗi khi nghĩ đến quê nhà và tuổi thơ, tôi lại bất chợt nghĩ đến hình ảnh chú Nghi. Tôi thấy quý mến chú, thấy yêu cái nét đẹp khỏe khoắn khi chú quăng chài. Tôi chợt ngộ ra: trong lao động, khi người ta lành nghề đã đến độ tinh xảo và đặt hết tâm trí vào công việc thì những động tác làm việc vốn dĩ bình thường cũng trở thành nghệ thuật.
Theo Chuyện quê