Bó tay ! Quảng cáo cũng có cả một chương trình riêng nhưng vẫn chen vào. Sau này tôi cũng quen dần vì nghĩ : tự nhiên mình được xem miễn phí bao nhiêu chương trình hay thì quảng cáo nó trả tiền cho còn bực cái nỗi gì ?
Ngày ấy tôi xin về hưu sớm vì ông xã chuyển công tác về thị xã ( bây giờ lên thành phố rồi) Muốn cho con cái có điều kiện học hành tốt nên tôi về nghỉ và đưa các con theo chồng. Sau đó các con đều đỗ trường chuyên rồi cậu lớn vào đại học . Lương hưu và lương công chức rất thấp chỉ đủ chi tiêu ,con vào đại học lấy tiền đâu ra ? Buôn bán thì vụng về, tôi đi mua gạo nếp về ngâm xay bột làm bánh rán bán ở cổng trường sư phạm. Mới đầu làm ít sau làm tăng dần cũng bán được ,rồi tôi rán bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô... Tôi thường dọn ra lúc ba giờ chiều khi nào bán hết thì về, có hôm mười giờ đêm có hôm mười một giờ . Tiền vốn không đáng kể.Tôi cứ nợ tiền gạo nếp tiền đỗ xanh và tiền mỡ,khi nào bán xong trả một thể . Trẻ con hàng phố quý tôi lắm vừa bán vừa cho thêm , gặp những người nghèo tôi luôn mời ăn một vài cái. Có năm mồng 4 Tết bán mở hàng, tôi toàn mừng tuổi trẻ con kể cả lạ quen lỗ vốn mà tôi rất vui... Chuyện nhỏ ! Mùa đông càng rét tôi bán càng chạy ,có điều ngồi ngoài đường phải quay mặt lên hướng bắc để khách ăn hàng sẽ quay xuống hướng nam nên rất rét. Thế là tạm đủ cho một cháu học đại học...Ba năm sau cháu bé lại đỗ, đồng nghĩa với việc tăng thời gian... Nhiều đêm tôi ngồi đến mười hai giờ đêm . Càng ngày càng khó khăn cứ nửa tháng con ở Hà Nội lại về lấy tiền tôi phải vay mượn rồi vay lãi thêm cho các con ăn học. Ai ở quê nuôi hai đứa con học đại học ở Hà Nội thì biết :Tiền ăn ,tiền trọ ,tiền học phí ...Đã thế mỗi con học 5 năm .Nặng nhất là hai năm trùng nhau còn khi cháu lớn học xong sẽ đi làm là tôi đỡ.
Một đêm khoảng mười hai giờ, gần đến dịp NoEn trời rét lắm, cổng trường đã khóa người đi đường thưa dần. Chắc còn ít bánh tôi phải mang về . Nhìn phía trường có một người đàn ông mở khóa đi thẳng vào các quán bên kia đường một lúc người đó quay sang đến gần và hỏi tôi :
-Chị ơi chị bán gì đấy ?
-Tôi bán bánh rán thầy có ăn giúp tôi không ạ ?
- Thế chồng chị đâu,con chị đâu mà chị ngồi một mình, sắp 12 giờ đêm rồi ?
Khi người đó ngồi xuống ghế tôi vui vẻ nói :
- Con tôi hai cháu cùng đang học ở Hà Nội. Còn chồng ngoan giờ này đi ngủ, chồng hư thì đi tìm vui thú bên ngoài. Thầy hỏi các con học trường nào,tôi trả lời ,thầy khen các con chị giỏi đấy.
Thầy ngồi xuống và nói :
- Tôi mải làm việc chiều không kịp ăn,bây giờ đi ăn thì không còn hàng nào mở cửa, chị bán cho tôi 5 ngàn bánh rán !
Tôi mừng thầm may quá, bỏ 20 cái bánh vào túi bóng (tôi bán một ngàn bốn cái ) ông kêu lên :
- Ôi trời ơi ! sao nhiều thế có mình tôi ăn thôi, chị cho tôi 6 cái là nhiều.
Thầy đưa tôi 5 ngàn đồng và nói :
-Thôi chị ạ ,không phải trả lại đâu, tôi biếu chị . Rét và khuya lắm rồi chị về mà nghỉ đi nhé !
Tôi cảm ơn thầy ,dọn hàng về và cứ khen người đâu mà nói năng tử tế thế .Tôi cầm của thầy có 3,5 ngàn mà cứ áy náy mãi.
Chiều hôm sau khi dọn hàng ra gặp một tốp sinh viên gái nói :
- Đêm qua cô nói chuyện với thầy giáo sư của chúng cháu đấy . Thầy nói người mẹ tần tảo sớm khuya vì các con mà không biết giờ ấy con có biết không , có chăm chỉ học không hay lại lấy tiền đi ăn chơi nhảy múa...Thầy nói mà chúng cháu chảy nước mắt vì thương mẹ.Thầy bảo hỏi bà mấy câu thấy bà đối đáp hay hay nên ngồi xuống nói chuyện với bà một lúc.
Rồi một ngày khác tôi lại thấy tốp sinh viên hái một bó hoa xuyến chi ra làm bộ tặng tôi. Ngạc nhiên tôi vẫn cười và nhận . Các cháu nói :
- Bạn Hoa ở lớp toán lý được giải nhất cuộc thi của tòa báo Sông Châu với bài cô hàng bánh rán viết về cô đấy !
- Vậy à !
- Hôm nay nó khao chúng cháu bánh rán, cô rán nhiều vào đấy !
Hôm đó cả lớp toán lý ra ăn tôi rán không kịp.Vui quên mệt bán đến 10 giờ đêm đã được nghỉ.Từ hôm đó bánh rán của tôi được quảng cáo là ngon và rẻ.
Những ngày hôm sau tôi cũng bán rất nhanh và mấy cô bé tinh nghịch tranh nhau làm con dâu, cứ gọi tôi là mẹ thật vui.Hôm nào vắng khách các cô bé nhận hết mang vào trường bán hộ cho tôi về sớm.
Nhớ lắm về một thời khó khăn mà tình người ấm áp.Tôi đỡ dị ứng với quảng cáo khi nghĩ về thời ấy.
Theo Chuyện làng quê