Năm ấy hội diễn văn nghệ rất đông, rất vui. Bao nhiêu tiết mục chọn lọc của hội thi đem ra công diễn. Tôi được ban tổ chức phân công việc cấp phát cam bồi dưỡng cho diễn viên các trường. Sắp tới giờ tôi gửi con trai hai tuổi cho mẹ chồng và đi làm việc.
Cam đã chở về để trong các bao, có một cái bàn con và cái ghế tựa. Cứ cấp theo danh sách số người nhân với số quả, người đến nhận ký tên và tôi đếm quả cho từng trường. Tôi đã cấp phát được quá nửa số người trong danh sách, cũng nhanh thôi vì tôi cứ đếm đôi một bỏ vào túi họ mở sẵn, tất nhiên phải tập trung vào chứ không lại nhầm lẫn... Cần nhanh tay, thực ra toàn giáo viên trong huyện quen nhau hết, không kịp chào hỏi bạn bè chỉ cười với nhau... Có ai đó hơi cúi xuống hình như khẽ gọi tên tôi. Đưa danh sách cho người đó ký... và tôi giật mình Tú. Vô thức tôi khẽ kêu "Tú lý (trường tôi hồi đó có hai Tú, bạn dạy lý nên mọi người gọi thế để dễ phân biệt, còn tôi chưa bao giờ gọi thế) về huyện bao giờ đấy"? Không biết bạn nói gì, tôi nhìn danh sách và bắt đầu đếm cam ... Người tôi nóng ran, cúi đầu xuống thò tay vào bao cam mà những quả cam cứ trượt khỏi tay như cố tình để giấu kín cái mặt đang đỏ lựng của tôi, cuối cùng cũng đếm xong cho Tú. Không kịp hỏi gì vì còn nhiều người đang chờ ở sau. Giơ tay chào tôi, vẫn nụ cười ấm áp mà tôi thấy xao lòng...
Ngày ấy chúng tôi rất thân nhau, một tình bạn thật trong sáng vô tư. Chúng tôi như rất hiểu nhau. Các anh chị lớn tuổi cứ khen chúng tôi đẹp đôi và vun vào. Còn học trò thì khỏi phải nói mọi lúc mọi nơi đều ghép đôi thầy cô. Tú là một người sống rất tốt, rất nhiệt tình với bạn bè và rất khéo tay. Tú còn biết vẽ ký họa rất nhanh. Một hôm ngồi họp mà bạn ấy vẽ tôi bằng cây bút chì, họp xong bạn đưa quyển tiểu thuyết xóm vắng của Quỳnh Dao và bức ký họa cho tôi và hỏi khẽ:" Đố biết ai đây"? Tôi nhìn đúng mình rồi nên nói: "Con khỉ"! Tú nói:" Khỉ mà biết kết tóc đuôi sam à, tặng bạn giữ làm kỷ niệm"! Ngày ấy tôi để tóc dài và hay tết thành hai dải thả xuống lưng. Hôm đó ngồi họp nên kéo về phía trước. Ở trường tôi có một đôi vợ chồng cùng dạy, rất hay vô cớ giận nhau, có hôm tranh luận về chuyên môn trong cuộc họp mà cãi nhau rồi về nhà giận dỗi nhau hàng tuần... Có lần chị bảo biết thế này khi anh ấy bảo về cùng chị không nghe đỡ bực. Rồi một hôm ở văn phòng các chị lại trêu tôi với Tú tôi vô tư nói: "Em không bao giờ nghĩ mình lấy chồng cùng trường đâu nhé. Họp hành đấu đá vạch lá tìm sâu, moi móc mổ xẻ nhau về nhà lại cãi nhau tiếp rồi giận dỗi... Mệt lắm"! Tôi cũng không để ý có Tú ở đó. Sang tuần hình như Tú mệt, tôi hỏi "Cậu ốm à "? Tú nói "không", cuối tuần Tú bảo với tôi là "KC ơi mình xin chuyển vùng về huyện nhà, mẹ ở một mình vì cô em gái vào đại học, nay mẹ cũng cần mình. Đơn của mình được chấp nhận rồi". Thực sự mình ngỡ ngàng, sao mà nhanh thế, biết cha của bạn là liệt sĩ, chỉ còn mẹ nuôi hai anh em học đại học, mẹ thật giỏi... Tôi thực sự thương bạn. Hôm bạn đi, hình ảnh bạn khoác ba lô lên vai rồi một anh cùng trường đưa xuống bến xe mà tự nhiên nước mắt tôi cứ ùa ra. Phòng giáo dục điều một người khác về dạy lý. Tú đi cả trường ai cũng tiếc, ngày bạn ra đi trời đổ mưa tầm tã...
Tú đi rồi, tôi thấy mình trống vắng lạ thường. Tôi rất buồn, chị bạn thân của tôi thì cứ bảo tại tôi. Chị bảo "Tao biết nó yêu mày từ lâu rồi, đố mày tìm được đứa nào như nó đấy. Cái con hâm"! Tôi thì nghĩ nếu Tú yêu tôi thì phải nói chứ, đúng là hâm! Tôi cứ tự trách mình vô tâm và vô duyên nữa. Lúc đó ở cách xa nhau cả trăm cây số xe cộ thì khó khăn, thôi cố quên đi. Rồi năm tháng cũng qua mau, tôi cũng chỉ còn lưu giữ một tình bạn. Tự nhiên hôm gặp lại khiến tôi cứ xao xuyến bâng khuâng. Thời bao cấp kinh tế vô cùng khó khăn, nhà tôi lại đi học đại học 5 năm ở Hà Nội. Anh đón mẹ lên trông cháu để yên tâm đi học, đời sống thật sự khó khăn thiếu thốn đè nặng lên đôi vai mỏng manh của tôi, đồng lương hạn hẹp vẫn phải để dành gửi cho chồng. Còn ở nhà mẹ con bà cháu trồng rau ăn và nuôi gà để lấy trứng cho con... Có lúc nghĩ nếu mình lấy Tú, Tú có bằng đại học rồi, vợ chồng cứ thế mà nuôi con có phải đời sống ung dung không... Tôi thấy mình khổ quá, có lúc tôi rất nhớ Tú. Nhưng rồi một ngày kia tôi nghĩ lại: Xã hội khó khăn thiếu thốn bao nhiêu người còn khổ hơn mình. Chồng của tôi cũng vì nghĩ đến tương lai lâu dài mà khắc phục khó khăn để đi học, đánh vật với những phép tính bỏ lâu ngày. Mỗi lần về nhà là gầy xanh xao, mẹ chồng tôi xa bố, bỏ quê hương vì con vì cháu mà lên ở để chăm sóc con cho tôi yên tâm công tác. Nhất là cậu con trai yêu quý của chúng tôi cứ nhìn thấy mẹ là toét miệng cười... Yêu quá những người thân của tôi. Cái khó là khó của toàn gowin99 ... Đừng bao giờ nuối tiếc những cái không thuộc về mình. Tự tôi nghĩ đừng vì một phút xao lòng mà tự dằn vặt đau khổ. Khó khăn chỉ là trước mắt, tôi càng yêu gia đình nhỏ bé của mình.
Cùng dạy một huyện nên thỉnh thoảng tôi và Tú vẫn gặp nhau, có năm cùng coi thi hoặc chấm thi trong một hội đồng, có năm đi tập huấn hè nhưng tôi vẫn tránh đi những cuộc gặp gỡ riêng. Không bao giờ nhắc đến chuyện xưa, không để cơ hội cho những phút xao lòng ập về... Rồi đến năm 31 tuổi Tú cũng lấy vợ, một cô giáo cùng trường rất trẻ mà Tú là hiệu trưởng. Sau này biết tôi có hai con trai Tú có hai con gái một hôm vui đùa Tú nói:
- KC này sau này chúng mình kết thành thông gia nhé!
Tôi nói:
- Không đâu bạn, các con lấy nhau nhỡ chẳng may nó cãi nhau, cậu bênh con cậu, tớ bênh con tớ, chúng mình lại cãi nhau mất bạn. Mệt lắm!
Tú nói:
- Nghe câu này quen quen, cách đây 20 năm tớ vẫn nhớ!
Tôi về hưu sớm rồi chuyển cả gia đình về thành phố theo ông xã. Thế là để lại sau lưng một thời trẻ trung sôi nổi và những phút xao lòng vẫn giữ kín cho đến hôm nay.
Theo Chuyện Làng quê