Đây là gốc đa già cạnh đền Bà Kiệu, vỏ cây xù xì mốc meo, nhiều người mê tín vẫn đến thắp hương vào những ngày tuần rằm. Đây là cửa hàng trước bán và sửa chữa đồ da thuộc, nay đã trở thành một trung tâm thời trang thể thao với những đôi giày, bộ quần áo giá tới cả triệu đồng. Và giờ đây, ngôi nhà xiết bao yêu mến của tôi, nơi cả gia đình tôi đã sống hơn 60 năm qua… nơi nuôi dưỡng những giấc mơ ngọt ngào của chị em tôi, nơi tôi đã lớn lên trong sự che chở ấm áp của mái phố. Giờ nhìn lại mới thấy nó nhỏ bé và cũ kỹ làm sao! Nhưng bởi nó ở khuất trong ngõ, nên chẳng ảnh hưởng gì tới vẻ sầm uất của mặt phố vốn được mệnh danh là trung tâm tơ lụa của Hà Nội. Phố cũ nay đã đổi thay nhiều. Phố vẫn phố ấy mà người xưa xa vắng...
Tuổi học trò của tôi gắn bó với từng số nhà, viên gạch, từng gốc cây trên phố. Bây giờ có nhắm mắt lại, tôi vẫn nhớ như in nhà người bạn nào của mình ở số nhà bao nhiêu, thậm chí để vào ngõ của số nhà đó phải bước lên mấy bậc, tới nhà bạn phải qua mấy khoảng sân, mấy cánh cửa. Tôi cũng vẫn còn nhớ những viên gạch vỡ trên vỉa hè, những cây bàng cho tán lá xanh mướt, râm mát ở hai đoạn phố không hiểu sao lại thụt vào so với bình thường khiến lòng đường rộng thêm ra một quãng bên số chẵn. Rất nhiều ngôi nhà kiểu cổ trong phố bây giờ cũng chẳng còn những tấm cửa gỗ lùa nặng nề mà thay vào đó là cửa kính sáng loáng, từ ngoài đường có thể nhìn thấu bên trong với những kệ hàng đầy ắp tơ lụa, đồ thêu ren hay mỹ nghệ. Nhưng cứ thử ngước mắt lên mà xem, bạn sẽ thấy những mái nhà cao thấp lô xô, những ban công, những cửa sổ cũ rêu phong cũ kĩ gợi về một thời gian nan. Mặt phố thật bóng bẩy, khung cảnh buôn bán thật nhộn nhịp, nhưng ai biết được bên trong những ngõ nhỏ kia là hàng hàng lớp lớp những chứng tích của dòng chảy thời gian...
Bao nhiêu thời đại đã đi qua, bao nhiêu thế hệ được sinh ra và lớn lên ở phố, và đã có biết bao nhiêu đổi thay. Người già già đi và thưa vắng dần, trẻ con lớn lên và hồn nhiên sống, có thể chẳng bao giờ chúng có thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc của nơi mình ở. Và mái phố vẫn bao dung che chở cho tất cả, với sự thầm lặng, với biết bao mến thương!...
Phố cũ trong tôi còn là kỷ niệm về cuộc hẹn hò đầu tiên. Gốc cây chênh chếch bên đường hẳn đã in dấu chân bạn tôi nhiều buổi sáng đợi chờ. Chúng tôi gặp nhau vội vàng rồi lại nhanh chóng chia tay. Bao nhiêu ngày tháng, bao nhiêu niềm vui nỗi buồn của chúng tôi đã được phố cũ chia sẻ. Tôi sẽ cất nó cho riêng mình, mãi mãi không bao giờ có ai biết được. Chỉ có gốc cây trầm tư kia biết bí mật của chúng tôi, chỉ có khung cửa hẹp của ngõ nhỏ chứng kiến sự hồi hộp của chúng tôi, nhưng may thay chúng không cất lên được tiếng nói...
Phố cũ thân thương là thế! Phố cũ, con đường cũ, ngôi nhà cũ, nhưng sẽ là mới mẻ với nhiều đôi lứa khác. Nét cổ kính của phố, sự thâm trầm rêu phong trên từng mái ngói, từng tán cây thật xiết bao trìu mến...
Chỉ có khi nào trong ta dội về những lớp sóng cuộn của dĩ vãng, ta mới thấy phố nhỏ thân yêu là người bạn thuỷ chung vô cùng. Nhịp sống mới, thời đại mới cũng không hề làm suy chuyển những giá trị đã từng trường tồn vĩnh cửu...
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở...
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn...
(Thơ : Chế Lan Viên).
Phố cũ..., số nhà 65/67 của tôi, và những hàng cây già nua cũ kỹ… mãi mãi sẽ vẫn là niềm yêu thương vô bờ trong ký ức của những con người lòng đầy hoài niệm về những ngày tháng cũ của Hà Nội mến yêu…
Một mùa đông rét mướt lại về trên phố cũ...23/11/1995.
Theo Trái tim người lính