Chao ôi, lính tráng mừng lắm, bởi đó toàn là những nghệ sỹ tên tuổi từng được nghe qua làn sóng đài TNVN, nay mới biết mặt, người ai cũng thơm lừng hương hoa sữa, hoa nhài Thủ đô, như các nghệ sỹ Trọng Nghĩa, Văn Sáu, Huy Túc, Bích Hậu, Kim Khuyên, Thu Minh, Minh Toan, Quý Bôn…
Có lẽ cùng bởi trạc tuổi nhau, nên tôi thân với thằng Huy Tiến hơn cả. Nó là nghệ sỹ kéo đàn Ácooc của đoàn, đẹp giai như Ác tơ trong truyện Ruồi Trâu. Một lần ở hang Nọng hét, đêm khuya lắm rồi, thằng này hình như không ngủ được bảo tôi:
- Mày viết cho tao một cái kịch bản nhạc kịch nhé. Tao muốn viết một nhạc kịch về Binh trạm của mày, tạm lấy tên là “Hoa phong lan giữa đạn lửa”, về những chàng trai cô gái Hà Nội ra mặt trận…
Nó vùng dậy, ngồi xếp bằng tròn, nói rất say sưa:
- Có ba nhân vật, một nữ và hai nam. (Sau này tôi mới hiểu là nó nhằm anh Trọng Nghĩa, anh Văn Sáu và Thu Minh trong đoàn sẽ đóng ba vai này). Học xong phổ thông, họ chia tay nhau ven hồ Gươm bên những hàng liễu rủ. Rồi cùng vào mặt trận. Họ như những đóa hoa phong lan nở bừng giữa đạn bom. Tao muốn có một truyô thật hay diễn tả tình yêu của họ trên một cao điểm ác liệt như Fulokcok hay đèo Đất, Đèo Đá mình vừa qua.
- Hay thế! Tôi thốt lên.
Nghe tôi khen, nó có vẻ sướng, với chiếc bi đông rót ra ngụm trà và nhấm nháp. Một lúc bỗng hỏi tôi:
- Nhưng mày đã yêu bao giờ chưa nhỉ? Có yêu thì viết lời mới nồng nàn được…
Tôi ngượng nghịu lắc đầu như kẻ có lỗi:
- Chưa …
Nó ngạc nhiên, nhìn lại tôi như nhìn một kẻ xa lạ:
- Chưa à? Con trai một nghệ sỹ, người lính dũng cảm ở mặt trận, lại là nhà thơ trẻ lớn lên từ lửa đạn. Mà nhìn mày mặt mũi cũng có đến nỗi nào đâu? Thế mà sao không có một mối tình nào vắt vai nhỉ?
Tôi phân trần:
- Hồi học lớp 10 ở Hà Nội, bọn ở lớp nó tưởng tao bị hâm, vì suốt ngày chỉ thơ thơ thẩn thẩn. Rồi đi mặt trận, chỉ bom đạn mờ mịt suốt ngày đêm, đánh nhau ở Bản ban, ở chân đèo Phunokcok hai mùa khô liền, toàn lính tráng với nhau, có bóng dáng một đứa con gái nào đâu. Lên Binh Trạm bộ, nói thật mới lần đầu thấy bóng dáng con gái, là một con bé nuôi quân và ba con bé ở đội tuyên văn. Nhưng lính tráng chúng nó xí phần hết rồi, nên mình cũng chẳng nghĩ tới. Thế rồi các anh trong ban Tuyên huấn biết Chính ủy có một cô con gái xinh lắm, ghép cho tao.. Cũng thấy thich thích, nhưng về Hà nội gặp con bé ấy, nó mới 14, 15 tuổi, cổ còn đeo khăn quàng đỏ, gọi tao là chú xưng cháu ngọt lừ…
Thấy tôi hoàn cảnh quá, thằng Tiến thở dài thương hại, một lúc sau bắt đầu bàn mưu tính kế:
- Đoàn tao sang đây mày biết rồi, có bốn vị nữ. Hai chị Kim Khuyên và Bích Hậu thì “giề” rồi, đáng tuổi chị mình. Còn cái Minh Toan chèo và cái Thu Minh. Mày thích đứa nào tao giới thiệu?
Bần thần một lúc tôi bảo nó:
- Nếu mà yêu nghệ thuật, nó thật tao chỉ thích yêu múa thôi. Là bởi ngày nhỏ tao ở với mẹ tao trong đoàn ca múa TW, thấy các diễn viên múa đều đẹp không thể tả được.. Nói thật tao đã biết tơ tưởng từ ngày đó…
Thằng Tiến vỗ đùi đến đét:
- Múa hả? Được ngay. Tao sẽ giới thiệu cho mày….
Thằng này quả là hảo hán, nó nói là làm. Mà nói thật, tán gái là cái khó nhất trần đời, thế mà với nó cứ dễ như trở bàn tay (Kinh!)
Sau đợt biểu diễn, đoàn trở về Hà Nội, tôi lại được thay mặt Binh trạm tiễn đoàn tới tận Hồ Gươm. Thằng Tiến lôi tuột tôi về nhà nó, ở 10 Thọ Xương, giới thiệu với cả nhà tôi là "một dũng sỹ của Cánh đông Chum Lào, nơi con vừa đi biểu diễn vượt qua lửa đạn trở về" làm cả nhà trân trọng lắm. Và ngay đêm ấy, có thêm cả thằng Thanh Tùng, là em nuôi thằng Huy Tiến đang học ở trường múa Việt Nam, cùng lên một kế hoạch rất chi tiết và tài tình để làm sao tôi có mối tình đầu, lại phải đúng với một em Múa như nguyện ước của "Dũng sỹ Cánh đồng Chum"…
*
.. Nhà Huy Tiến ở một phố cổ Hà Nội, là một nhà nền nếp, gia phong, quý phái. Bố của Tiến là nhạc sỹ Huy Thư, tài hoa và rất lịch lãm. Có thể ông có chút phóng khoáng, nhưng bù lại, mẹ Tiến và chị Tiến lại là những người phụ nữ hết sức căn cơ, từ tâm, phúc hậu.Tiến lại có hai cô em ruột, Thúy Nga và Thúy Loan, nhí nhảnh lắm, cùng đang học ở trường múa….
Người mà thằng Tiến nhắm cho tôi, là một cô bé tên Minh Hằng, diện "hoa khôi" của đoàn ca múa Đ. Kế hoạch Tiến và Tùng vạch ra, là ngay tối mai sẽ đi xem đoàn này diễn ở rạp Đại Nam, để cho tôi biết măt cô bé ấy và nếu gật đầu thì Tiến sẽ rủ cái Minh Hằng đi ăn phở cho tôi làm quen. (Quả là nhiệt tình với bạn đến thế là cùng). Nghe kế hoạch chúng nó vạch ra thấy đầy hy vọng và mong tối đến thật nhanh để theo hai ông “cố vấn ái tình” này đi cưa cẩm. Tiến lại gọi thêm thằng Quyển (Họa sỹ Đặng Huy Quyển, có mẹ phụ trách phục trang của đoàn), sẽ dẫn tôi đi lậu vé, cửa sau…
Vào được rạp rồi, ngồi chờ màn nhung mở, tim tôi cứ đập loạn xạ. Cho đến một tiết mục múa thì mắt tôi như hoa lên, thằng Tiến và thằng Quyển rối rít chỉ con bé đứng giữa như là nhụy hoa, thì thầm vào tai tôi: “Đấy, nó đấy, nó đấy”. Công nhận nó đẹp thật. Nhưng không hiểu sao tôi lại thích con bé múa đứng bên cạnh hơn Mới to nhỏ với Tiến: “Tao thích con bé bên cạnh kia kìa”. Thằng Tiến gật gù: “Mày tinh thật. Con kia đẹp nhưng vô duyên. Còn này hơn nhiều, tên là Diệu Anh. Mày thích nó à?”. Tôi gật đầu đến đốp một cái, kể như khâu duyệt đã xong…
Đêm ấy Tiến về hội ý với thằng Tùng, chiều hôm sau hai thằng dẫn tôi đến nhà Diệu Anh, làm quen với cô bé. Thì hóa ra Tiến và Tùng cùng thân với Phúc, là anh ruột cái Diệu Anh, bởi Tùng và Phúc cùng học với nhau một lớp đã mấy năm rồi ở trường múa. Thấy cả bọn kéo đến chơi, Phúc hớn hở lắm, nhất là có Tiến vừa đi mặt trận về, còn Tùng thì lại sắp đi mặt trận (Bổ sung cho đoàn ca múa Quảng Đà). Cả bọn rủ nhau ra quán sen dừa ở Phan Bội Châu. Thấy cái Diệu Anh đang luẩn quẩn trong nhà, Tiến bảo cái Diệu Anh cùng đi luôn. Công nhận cô bé này ngoan, thấy các bạn anh đến chơi chào hỏi rất lễ phép, và khi Tiến mời cũng không ra vẻ kênh kiệu từ chối, rủ cả em ruột là cái Ngọc cùng đi.
Vừa ngồi chưa ấm chỗ, thằng Tiến giới thiệu ngay về tôi. Thấy tôi mặc quân phục – cũng là mốt của các cô gái Hà nội lúc ấy, Diệu Anh xem chừng cảm tình. Thật ra thì do thằng Tiến, thằng Tùng, hai thằng này vốn ít nói, nhưng hôm ấy cứ nói lia nói lịa, đánh bóng mạ kền về tôi sáng rực. Làm thằng Phúc, cái Diệu Anh và cái Ngọc mắt tròn mắt dẹt hết. Tôi không chỉ là dũng sỹ Cánh đồng Chum nữa, mà lúc này bỗng thành một anh hùng thời đại. Lại là con trai một nghệ sỹ lừng danh ai ai cũng biết tiếng...
Tôi bảo với Diệu Anh rằng anh ở mặt trận lâu năm rồi, rất yêu nghệ thuật múa, rất mong được xem đoàn em biểu diễn. Cái Ngọc hét lên luôn: “Tối nay đoàn chị Diệu Anh diễn ở Công Nhân, em lại bận đi học, nhờ anh đến chở chị Diệu Anh đến rạp biểu diễn rồi xem luôn nhé”. Thắng Tiến ranh mãnh nháy mắt với tôi, hùa vào: “Đúng đấy.Tối nay ông đến đưa Diệu Anh đi diễn, rồi xem đoàn biểu diễn luôn”. Rồi Tiến nói với Phúc về tôi “Thằng này nó máu nghệ thuật lắm. Đoàn tôi đi diễn ở mặt trận không có nó bỏ mẹ. Nó cũng đang viết giúp tôi một kịch bản nhạc kịch để có thể sẽ trình diễn ở Hà Nội và vào mặt trận tới đây. Trọng Nghĩa, Văn Sáu, Huy Túc, Thu Minh đều nhận lời rồi. Về phần múa ông đảm nhiệm phần biên đạo cho tôi nhé”. Thằng Phúc thấy thằng Tiến ngỏ lời mời mình, mắt ngời ngời lên. Đời nó diễn viên còn bỡ ngỡ, mà đánh đùng một cái giờ được mời làm biên đạo thì ai mà chẳng ngất ngây, tên tuổi sáng rực trên pa nô áp phích treo trước cửa Nhà hát lớn chứ đùa ư?
Đêm thứ nhất chở em đi biểu diễn. Đêm thứ hai em lại bảo tôi đưa em đi. Tôi nghĩ có lẽ tình yêu đã đến, có lẽ em cũng yêu mình, nhất định phải tìm cơ hội để ngỏ lời với em. Nhớ chiều tối hôm sau đến nhà đón em, cái Ngọc tinh nghịch hỏi tôi ngay trước mặt em “Thế anh đã biết quả cau nho nhỏ của chị em chưa”. Bỏ mẹ, thầm nghĩ, không biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì nhỉ. Suốt chặng đường chở em đi mà cứ băn khoăn quá. (Giá có thằng Tiến ở đây mà hỏi nó). Đến cửa nhà hát mới thật thà hỏi em rằng: “Quả cau nho nhỏ Ngọc nói là gì ấy nhỉ, để anh đi mua”. Em cười phá lên: “Để đêm về em bảo cho”, rồi lườm tôi một ghét quá rồi xách va ly hóa trang vào nhà hát biểu diễn.
Đêm về, đến một phố rất vắng, em bảo tôi dừng xe lại, em sẽ cho anh biết quả cau nho nhỏ nó là cái gì. Rồi tựa vào một góc cây, chưa kịp biết quả cau, tôi ôm ghì lấy em. Và hình như em cũng đón chờ điều này. Tôi đặt lên môi em một nụ hôn cháy bỏng. Em khẽ nhắm mắt, đón nhận. Rất lâu. Khi rời môi em, tôi xúc động thốt lên: “Lần đầu anh hôn đấy”, Em trìu mến nhìn mắt tôi: “Em cũng lần đầu. Anh có thấy ngọt ngào không”?
...Sau đêm này, trong khi hồn vía còn đang trên mây, có hai sự kiện đến với tôi: Một là một buổi chiều, bỗng Phúc nhắn tôi đến gặp. Tôi nói thật hơi chờn chợn. Hai thằng đi bộ với nhau lâu lắm, vòng qua Quán sứ, rồi lại vòng vèo ra Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu. Hình như Phúc có điều gì muốn nói. Rất lâu sau thì nó lên tiếng: “Mày yêu cái Diệu Anh nhà tao đấy à”? (Hồi ấy chúng tôi thường xưng hô mày tao với nhau). Tôi gật đầu thú nhận: “Vâng” Nó lại hỏi: “Thế đã hôn nhau chưa”? (Nghĩ thầm: Này, ông anh chơi kiểu gì thế này. Em lính đặc công đánh thổ phỉ Vàng Pao ở Cánh đồng Chum đấy nhé, ông anh chớ có dại đùa em nhé). Thấy hơi lành lạnh, nhưng cũng không thể nói dối: “Rồi!”. Nó nhìn vào mắt tôi một lúc, cứ tưởng nó sắp đấm vào mặt mình, nhưng rồi chỉ thấy thốt lên rất nghiêm khắc: “Được. Nhưng nếu mày bỏ nó, hay đểu với nó, tao sẽ đánh mày chết nghe chưa!”
Sự kiện thứ hai là hồi ấy mẹ tôi vừa đi Bungari về. Không hiểu nghe ai nói (Mẹ tôi thân với nhiều lãnh đạo và nghệ sỹ của đoàn em), một lần tôi về nhà, mẹ bỗng bảo tôi là mẹ biết con đã có bạn gái. Hôm nào con dẫn bạn về nhà mình chơi nhé. Tôi nói với Diệu Anh, em gật đầu đồng ý và mấy hôm sau theo tôi về nhà thăm mẹ tôi.
Tôi nhớ buổi ấy, mẹ tôi nhìn gương mặt xinh xắn của em hài lòng lắm, và nhất là khi cầm bàn tay em, mẹ tôi thốt lên “Tay và chân của cháu đúng là của một diễn viên múa. Rất đẹp và rất chuẩn. Nhưng muốn đi xa trong nghệ thuật, phải đi học cháu ạ. Cô sẽ nói cô L. C và chồng là bác H. C sắp xếp cho cháu đi học ở Liên Xô tới đây. Cháu còn rất trẻ mà…” Tôi thấy em rất cảm động. Yêu tôi đến mức nào tôi không biết, nhưng chắc chắn là em rất yêu nghệ thuật múa…
*
Khi tôi trở về binh trạm 13, mặt trận lúc này ác kiệt hơn bao giờ hết. Quân thù quyết dành lại cánh đồng Chum cho nên tung hết lực lượng và vũ khí tối tân đánh phá. Suốt cả một mùa khô như vậy cho nên người lính chúng tôi chỉ tập trung một điều làm sao có thể sống được mà chiến đấu mà thôi .
...Có nhẽ cũng phải đến gần một năm sau, tôi lại được cử ra Hà Nội công tác. Tôi sung sướng vì sắp được gặp lại em. Bao tháng ngày xa cách rồi…
Về đến Hà Nội, thú thực tôi muốn chạy đến thăm Diệu Anh ngay. Nhưng lại thấy nóng ruột quá, nghe đâu B52 vừa rải thảm xuống dốc Chum, nơi binh trạm bộ đóng quân. Thế là mượn vội chiếc xe đạp, đạp một mạch đến Quần Ngựa, nơi Cục Vận tải Quân sự đóng quân, để hỏi tình hình binh trạm ra sao, ai còn ai mất. May là B52 vừa rải thảm binh trạm bộ thật, nhưng không một ai hề hấn gì.Thế mới yên tâm đến nhà Huy Tiến, rồi nghĩ tối đến sẽ đến thăm Diệu Anh…
Thấy tôi vừa từ mặt trận về, cả nhà vui lắm. Mợ Huy Tiến lấy vội thêm chiếc bát đôi đũa cho tôi cùng ăn cơm, cái Loan, cái Nga cái Hằng em Huy Tiến ríu rít đủ thứ chuyện. Bỗng cái Nga cười cười hỏi tôi: “Anh đến thăm chị Diệu Anh chưa”. Chẳng hiểu làm sao cái Nga vừa dứt lời, đã bị mợ và Chị Minh lườm cho một cái. Không hiểu có chuyện gì thế nhỉ? Tôi thầm nghĩ. Chờ tôi ăn hết bát cơm, mợ Huy Tiến mới nói rành rẽ: “Mấy lần rồi mợ cứ thấy cái Diệu Anh đi với một thằng lúc ở rạp chiếu phim ra, lúc ở bách hoá tổng hợp ra con ạ…”. Thú thực nghe mợ Huy Tiến nói, tôi choáng váng. Rồi một lúc sau chị Minh cũng nói với tôi: “Chị nghe nói nó có người yêu rồi Hoài ạ. Nghe đâu cũng đã ăn hỏi. Người yêu nó cũng là con một bà nghệ sỹ, hình như tên là Nắng Chiều thì phải”. Đến đây thì tôi gục hẳn, tưởng như những loạt bom B52 không phải rải thảm xuống dốc Chum nữa, mà đang dội ngay xuống đầu tôi đây...
Đêm ấy tôi đi lang thang với thằng Huy Tiến quanh Bờ Hồ. Gió lạnh thổi rát mặt. Thằng Huy Tiến cứ như thằng có tội, muốn an ủi tôi mà ấp úng mãi nói chẳng nên lời. Cuối cùng, Tiến cho tôi hay rằng nó đã đi điều tra, biết rằng chồng sắp cưới của cái Diệu Anh cũng là một thằng lính từ mặt trận về, cũng là con trai một bà nghệ sỹ, nhưng nó là thương binh nên được giải ngũ trở về sớm và đã nhờ bố mẹ đi ăn hỏi cái Diệu Anh…
Sáng hôm sau, tôi quay về Thường Tín nhận hàng cho Binh trạm, và nói cậu Hưởng lái xe có nhẽ anh em mình nên sớm quay về Cánh đồng Chum thôi. Đưa hàng về sớm cho anh em trong ấy khỏi chờ mong, với lại dạo này chúng nó đánh phá dữ dội quá, anh em mình về sớm để gánh vác với anh em. Thằng Hưởng hoàn toàn nhất trí và nói thế sáng mai anh em mình lên đường sớm anh Hoài nhé. Tối ấy tôi về chào mẹ tôi. Mẹ tôi ngỡ ngàng khi thấy tôi vừa từ mặt trận ra, sáng mai lại đã quay vào ngay. Và trách tôi sao không đưa Diệu Anh về nhà chơi. Tôi ngần ngại một lúc rồi nói thật với mẹ:
- Diệu Anh sắp lấy chồng rồi mẹ ạ..
Mẹ tôi như giật mình, hỏi lại tôi:
- Nó sắp cưới à?
Nghe tôi vâng ạ, mặt mẹ buồn rười rượi. Tôi cầm tay mẹ an ủi:
- Chồng sắp cưới cô ấy cũng là một người chiến sỹ như con, cũng là con trai một nghệ sỹ mẹ ạ. Anh ấy chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị, bị thương nặng và được đưa về hậu phương. Mẹ anh ấy thương con nên đã đi hỏi vợ cho anh ấy, và Diệu Anh đã nhận lời…
Tôi cầm tay mẹ:
Mẹ ơi, trong chuyện này sẽ có một người mẹ vui, và một người mẹ buồn. Bác ấy cũng là nghệ sỹ như mẹ, con bác ấy cũng là người lính như con, lại bị thương tật, bác ấy sẽ vui và hạnh phúc bao nhiêu khi người con mình trở về và có một mái ấm gia đình. Riêng điều ấy đã làm mẹ con mình phải vui với bác ấy rồi mẹ ạ... Tôi chào mẹ rồi khoác ba lô ra đi. Nhìn lên cửa sổ, vẫn thấy ánh mắt mẹ tôi nhìn theo tôi thăm thẳm. Nước mắt tôi như chực trào ra, tôi biết mẹ đang thương tôi lắm!
*
50 năm sau, có lần thằng Huy Tiến hỏi tôi:
- Từ ngày ấy có bao giờ mày gặp lại cái Diệu Anh không?
- Không, không bao giờ Huy Tiến ạ.
Huy Tiến lại hỏi tôi:
- Mày giận nó à?
Tôi trầm ngâm bảo Tiến:
- Sao tao lại giận hả Tiến?. Nó yêu một thằng lính như tao từ mặt trận trở về, một người lính còn thiệt thòi hơn tao vì là một người thương binh, thế thì phải trân trọng, ngợi ca nó chứ. Tao cũng là một thằng lính, hơn ai hết tao phải hiểu điều ấy chứ Tiến.
- Nhưng nó là mối tình đầu của mày. Nụ hôn đầu đời của mày..
Tôi bảo với thằng bạn nghệ sỹ thân thiết một thời trai trẻ của tôi:
- Không nhẽ đến tuổi này, mày không hiểu rằng có thể có nụ hôn đầu, nhưng chưa hẳn đó đã là mối tình đầu hay sao…
Theo Chuyện Làng quê