Không biết bé có hiểu hết những lời các chị nói hay không mà thấy nét mặt em tỏ ra càng thêm sợ hãi , lúc lắc đầu liên tục , đôi mắt ngấn lệ như muốn xin ở lại đây thôi ! Thấy thế mấy chị bảo với nhau : Ta cùng đi để em an tâm hơn , rồi cổ vũ tăng niềm tin cho bé :
- Nào chị em mình cùng lên gặp cấp côi để xin cho em ở lại đơn vị mà , có chi mô mà sợ út nờ !
Cô bé như đã hiểu được phần nào , tay níu chặt vào áo chị Lan , lẳng lặng bước theo các chị .
Trung đội trưởng Tân cùng vài chiến sĩ nam ngồi bên bếp lửa nhỏ , thấy chị em và cô bé đến liền chỉ tay vào khúc gỗ gần đó mời ngồi , anh lấy cành cây khều một củ sắn nướng trong bếp đem mời cô bé , em quá sợ co rụt người núp vào sau lưng chị Lan . Bê trưởng Tân thấy thế nở nụ cười hiền lành để xoa dịu , quay sang nói với một chiến sĩ :
- Chắc là em ấy đang lạ nên sợ , chú nói chuyện với em đi , nhớ nói nhẹ nhàng và hỏi thật kỹ hoàn cảnh cuộc sống của bé !
Cậu chiến sĩ trẻ khẽ hỏi thân mật vài câu bằng tiếng dân tộc Pa cô , bé gái mắt mở to hơi ngạc nhiên rồi thay đổi ngay thái độ bớt lo sợ , chắc là có sự đồng cảm khi nghe anh bộ đội là người dân tộc mình hỏi chuyện .
Suốt gần ba mươi phút trao đổi với nhau như người nhà , có lúc thấy anh chiến sĩ thở dài , có khi lại đăm chiêu suy nghĩ , nét mặt thể hiện hơi buồn . Cô bé trả lời ngắn gọn , giọng nói vẫn còn ngại ngùng , mắt luôn liếc nhìn mấy chiến sỹ nam , vẻ như đang còn có đôi chút sợ sệt . Trung đội trưởng Tân cũng tập trung lắng nghe , bởi anh có hiểu một ít ngôn ngữ địa phương ở đây .
Cậu chiến sỹ giữ điềm tĩnh , từ từ kể lại toàn bộ câu chuyện về hoàn cảnh của cô bé :
- Em ấy tên Mủn , đã qua hơn mười ba mùa rẫy , tức là đã bước vào tuổi mười bốn , nhà ở bản nhỏ gần sông Đakrong vùng Tù rụt nơi có căn cứ Cách mạng , mẹ em chết sớm , nhà rất nghèo nên mới lớn qua được sáu mùa rẫy em đã phải theo cha đi phát nương trỉa lúa , trồng bắp , đa phần đi làm thuê cho họ . Mấy năm sau cha hỏi vợ mới , nhà không có tiền làm lễ cưới , phải đi vay mượn ba đồng bạc trắng của nhà giàu ở khác bản , khi giao kèo với nhau cả cha và ông nội của bé hứa : Nếu đến ngày hẹn mà không có đủ bốn đồng bạc trắng để trả thì sẽ giao con Mủn cho bên chủ nợ về làm vợ ! Coi như đó là món tiền nhà chồng bỏ ra mua con Mủn . Việc vay mượn hai bên có hai ông già trưởng hai bản , vị thầy mo và người mối lái cùng làm chứng . Nay đến ngày trả nợ , Mủn cũng đã hơn mười ba , theo phong tục ở đây độ tuổi này là gả chồng được rồi . Cha em thương con còn quá nhỏ , vì nhà nghèo thiếu ăn lại phải lao động nặng nhọc nên Mủn không lớn lên được , mấy lần cha em đến cầu xin cho khất nợ thêm vài mùa rẫy nữa nhưng ông chủ không chịu , luôn đòi ráo riết , còn dọa nếu không trả bạc thì sẽ kiện lên hai ông trưởng bản , nếu vậy ngoài số tiền bốn đồng bạc trắng phải trả , nhà Mủn còn phải chịu phạt một con trâu cùng bảy vò rượu cho cả hai bản ăn uống một bữa nữa . Đến đường cùng , cha của Mủn đành phải đem con trao cho ông chủ lấy làm vợ , để trừ khoản nợ như đã giao kèo với nhau . Ngày ông chủ đến nhận vợ , nhà gái phải dẫn con sang nhà trai để thầy mo làm lễ cúng ma bản , ma nhà cho Mủn được chính thức là người của nhà chồng . Mủn đã biết rõ chồng của mình là một ông già hơn cha em mấy mùa rẫy , nhưng bé cứ âm thầm chịu đựng , không nói một lời nào . Mọi việc buổi lễ cưới diễn ra suôn sẻ , vừa lòng đôi bên , các thủ tục xóa nợ cũng hoàn tất , có đủ hai ông trưởng bản và những người có mặt làm chứng . Dân bản được bữa rượu thịt no say , xong xuôi ai về nhà nấy . Còn lão chồng già mừng quá xách rượu đi chúc nhiều người , say mềm , nằm ngủ li bì . Quá nửa chiều Mủn nói với bà già là đi xuống suối lấy nước và hái rau chuẩn bị bữa tối , em kín đáo dấu một con dao đi rừng , nắm gói xôi thiệt to bỏ vào a chói , lẳng lặng ra đi . Thế rồi em bước nhanh một mạch theo con đường mòn , vượt qua ngọn núi cao trước mặt sang phía bên kia , lối đi này em đã nhiều lần thấy bộ đội đêm nghỉ ở bản , sáng hôm sau thường đi theo con đường ấy . Đến ngày thứ hai thì em gặp các chị , mừng lắm ! Nhưng khi xin đi " theo bộ đội " không được , em vẫn lần mò theo các chị , cách quảng mấy khúc đường quanh nên không ai biết .
Là người cùng dân tộc Pa cô với cô bé nên anh chiến sỹ rất thấu hiểu từng ý em ấy trình bày , anh nói lên sự nhận xét của riêng mình về cô bé :
- Em Mủn tuy còn nhỏ nhưng hiểu biết rất nhiều , em rất khôn và có ý chí tự lập cao ! Tôi đã hỏi : Vì sao út chấp nhận làm lễ cưới về nhà người ta rồi mà không ở lại ? Em nói : Là để cha trả nợ xong mới trốn ! Nếu bản họ đi tìm bắt được , em tính sao ? Mủn cũng trả lời rất tự nhiên : Họ đi tìm hết mùa trăng mà không thấy thì coi như út đã bị cọp ăn thịt rồi , không tìm nữa ! Tôi lại hỏi : Vì sao út cứ xin đi theo bộ đội ? Mủn nói rõ : Thấy bộ đội về bản họ tốt lắm , giúp dân bản nhiều thứ , dạy cho con nít học nói , học cái chữ ... Tôi hỏi tiếp : Đi vào ban đêm rồi ở một mình giữa rừng út không sợ cọp , rắn hay các con thú khác à ? Bé vẫn bình thản : Quen rồi , không sợ ! Lấy nứa vót nhọn cắm xung quanh chỗ ngủ , rải mấy thứ lá chống con rắn không dám đến gần ! Rồi em tự khoe : Biết nhiều lá thuốc chữa vết thương , chữa đau bụng , rịt lá khi bị rắn rết cắn .
Trung đội trưởng Tân nhờ cậu chiến sỹ nói với em Mủn có ý rằng : Nếu các anh không thể cho em đi theo vì còn quá bé , không đủ sức cùng các anh chị suốt ngày cùi cõng nặng , hành quân trong rừng cả tháng . Đơn vị sẽ cho người đem em trở về nhà và nói với Trưởng bản : Út Mủn đã là người của đơn vị bộ đội , nay xin gửi út ở nhà một vài mùa rẫy , sau sẽ đến đón em đi theo Cánh mạng ! Bé nghĩ sao ?
Cậu chiến sĩ vừa nói lại xong , cô bé đã giãy nảy , lúc lắc đầu không nhất trí , em rơm rớm nước mắt cầu xin :
- Không về mô , theo bộ đội thôi !
Hai người nói với nhau bằng ngôn ngữ dân tộc thêm vấn đề gì đó . Câu chiến sĩ trao đổi lại :
- Em ấy nói : Việc chi cũng làm được hết , cùi hàng , phát rẫy , đi tìm măng hay cài bẫy thú nhỏ , ở rừng lâu ngày hay tìm lá thuốc cho bộ đội , em đều thành thục . Nếu cán bộ không cho đi theo thì vẫn ở trong rừng chờ đợi . Bộ đội này không cho thì chờ bộ đội khác , khi nào được thì thôi , chứ quyết không quay về bản ! Em còn nói : Thức ăn trong rừng nhiều lắm , ở mấy cũng được , không sợ đói mô !
Nghe cô bé nói vậy , tất cả anh chị em đều cảm thấy thương em quá , đúng là một em gái có ý chí cao . Với hoàn cảnh như vậy thật khó cho em nếu trở về nhà và cũng khó cho cả đơn vị vận tải này nữa .
Cuộc hội ý chớp nhoáng giữa các anh chị có mặt , một quyết định bất ngờ khi tất cả đã thống nhất : Nhận em Mủn vào đơn vị , báo cáo rõ lên cấp trên trường hợp đặc biệt này . Trước mắt gửi em Mủn ở lại hậu cứ Đại đội , hiện nay có một nửa quân số đang làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất , em ấy làm được gì thì tùy vào sức lực của mình .
Nhìn nét mặt vui vẻ cười nói của các anh chị , Mũn đã thấy ngờ ngợ . Sau khi nghe anh đồng hương trao đổi lại cho em rõ quyết định của Thủ trưởng đã đồng ý nhận em . Quá đỗi vui mừng , cô bé nhảy cẫng lên sung sướng , hai tay chắp trước ngực cúi đầu , thể hiện rất cảm ơn các anh chị .
Trong nỗi thương cảm hoàn cảnh cô bé Mủn , A trưởng Lan xin có đề xuất :
- Tôi xin có ý kiến , gia đình tôi mẹ và em gái đã bị bom Mỹ giết hại ! Tôi muốn nhận Mủn làm em gái mình , tôi hứa sẽ dạy bảo em trở thành một chiến sĩ tốt ! Mong các anh đồng ý !
Một đề nghị hợp nghĩa hợp tình , tất cả đồng lòng nhất trí với ý kiến của Lan
Lan âu yếm ôm chặt em gái vào lòng , tiếp liền sau đó Lan đề xuất thêm :
- Cho tôi được lấy tên em gái mình đặt cho Mủn tên mới , anh chị em ta từ nay hãy gọi em là : Lệ ! Hồ Thị Lệ !
... P . H
Trái tim người lính