Kỳ 59
Điểm thống nhất là Hiệp ước Liên bang mới mở rộng nhiều quyền lực cho các nước Cộng hòa tham gia Hiệp ước, đổi tên Liên Xô thành “Liên bang các nước Cộng hòa Xô Viết có chủ quyền”. Lần cuối cùng Tổng thống Liên Xô cùng 7 nước Cộng hòa thương lượng Hiệp ước Liên bang mới, đổi tên nước là “Liên bang các nước có chủ quyền”. Nhưng do không thống nhất giữa lãnh đạo các nước nên Hiệp ước gác lại. Vị trí của Liên bang ở vào thời kỳ nguy khốn nhất, bước vào thời kỳ sụp đổ hoàn toàn.
V. Liên Xô sụp đổ.
Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết thành lập ngày 20-12-1922, trải qua lịch sử 69 năm đã tan vỡ ngày 25-12-1991. Đó là kết quả của cuộc cải tổ thất bại ở Liên Xô kéo dài 6 năm 9 tháng, kết quả của những cuộc cải cách kinh tế, chính trị ở Liên Xô do Goocbachốp khởi xướng và lãnh đạo.
Liên Xô sụp đổ là do kết quả cuộc đấu tranh giành quyền lực của các chính khách, của những mâu thuẫn sắc tộc, của chủ nghĩa dân tộc. Suy cho đến cùng, những nguyện vọng dân tộc đã bị những chính khách lợi dụng trong cuộc đấu tranh giành quyền lực. Cải tổ kinh tế thất bại ở Liên Xô, tiếp theo sau là cải cách tư tưởng với chủ trương dân chủ tràn ngập, đa nguyên, đa Đảng đã làm cho các tổ chức, chính trị đủ mọi màu sắc ngóc đầu lên và ngày càng lớn mạnh. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Liên Xô do thất bại bởi những cải cách kinh tế, chính trị, mất uy tín, bị phân liệt về tư tưởng và tổ chức. Điều này đã giúp cho các Đảng phái đối lập thắng cử, chiếm đa số ở những thành phố lớn như Matxcova, Lêningrat và ở Nghị viện một số nước Cộng hòa như ba nước vùng Ban tích, Grudia. Đó chỉ là bước đầu để hình thành nên những trung tâm quyền lực mới, đối lập với quyền lực của chính quyền Trung ương Liên bang.
Sau thất bại, Goocbachốp mải mê cải cách thể chế chính trị và dường như đã thành công trong việc tập trung quyền lực vào tay mình đồng thời tạo ra được những cơ cấu đối trọng để chống lại các thế lực chống đối. Đối thủ lớn nhất về chính trị của Goocbachốp là B. Enxin không chịu bó tay, đã ra sức xoay xỏa để lật ngược thế cờ.
Enxin đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Matxcova, từng là đồng minh của Goocbachốp trong cuộc đấu tranh chống lại những người Stalinnít. Do lớn tiếng tố cáo nạn tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng Cộng sản Liên Xô, Enxin bị gạt ra khỏi Đảng ở Đại hội lần thứ XXVIII. Trong điều kiện mà Đảng Cộng sản Liên Xô đang suy yếu, mất uy tín nghiêm trọng, những cử chỉ của Enxin, như đòn đánh của đối thủ chính trị lại làm tăng uy tín cho Enxin. Enxin thành người đứng đầu nhóm đối lập lớn nhất trong Quốc hội Liên bang - nhóm chủ trương theo mô hình dân chủ phương Tây đòi đa nguyên chính trị, đòi hợp pháp hóa chế độ tư hữu. Tóm lại đó là nhóm muốn đưa Liên Xô đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Enxin cũng đã tận dụng được yếu tố dân tộc chủ nghĩa ở Nga là nước Cộng hòa lớn nhất trong số 15 nước Cộng hòa, là chủ thể của Liên bang Xô Viết. Cải tổ thất bại đã làm cho chủ nghĩa dân tộc Nga sống lại. Người Nga nhận ra rằng họ thiếu những thể chế riêng biệt so với các nước cộng hòa khác trong Liên bang. Nước Cộng hòa Nga thực tế không có Đảng Cộng sản, Viện Hàn lâm khoa học và Đoàn thanh niên Cộng sản riêng.
Ngày 4-9-1990, Đảng Cộng sản Nga được thành lập với số lượng Đảng viên quá nửa tổng số Đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô[1]. Đây là một sự phân liệt lớn, đòn nghiêm trọng nhất giáng vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 12-6-1991, nước Nga tiến hành bầu cử Tổng thống, Enxin trúng cử với 57% số phiếu. 12-7-1991, Enxin nhậm chức.
Ít ngày sau khi bầu cử, đại hội đại biểu nhân dân nước Cộng hòa Nga đã thông qua tuyên bố về chủ quyền của Nga thể hiện ưu thế các đạo luật của Cộng hòa Nga với các đạo luật của Liên Xô. Đại hội cũng đã tuyên bố ủng hộ các phong trào độc lập của nước Cộng hòa. Như vậy, đã hình thành một trung tâm mạnh mẽ đối đầu với chính quyền Trung ương Liên bang. Nước Cộng hòa Nga một nước chiếm hơn 50% dân số toàn Liên Xô với một lãnh thổ rộng lớn, chiếm 60% thu nhập quốc dân Liên Xô. Không thừa nhận luật pháp Liên Xô đã thực sự đặt Liên Xô trước sự sụp đổ không gì cữu vãn được.
Để thúc đẩy mạnh hơn nữa sự sụp đổ của Liên Xô, vô hiệu hóa hơn nữa chính quyền Trung ương, Enxin xúc tiến tìm cách kí hiệp ước riêng rẽ với các nước Cộng hòa khác. Những hoạt động của nước Cộng hòa Nga đã làm sâu sắc thêm cuộc “Chiến tranh đạo luật” làm cho các đạo luật của Liên Xô không có hiệu lực trên toàn lãnh thổ, càng lún sâu vào tình trạng vô chính phủ, bất lực, hỗn loạn, không thể kiểm soát được tình hình.
Một hiểm họa khác đe dọa sự tồn tại của Liên bang là Chủ nghĩa Xã hội từ các nước Cộng hòa khác tấn công. Cải tổ thất bại, khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, các đạo luật không có hiệu lực, các chính sách chỉ say sưa diễn thuyết suông đã làm nhân dân Liên Xô không tin vào Đảng và nhà nước Liên bang. Nhân dân chán nản, muốn tìm lối thoát riêng theo Chủ nghĩa Xã hội dân tộc. Còn những lãnh tụ ở các nước Cộng hòa cho rằng Trung ương không còn là chỗ dựa cho họ nữa, mà lại còn là mối đe dọa tới địa vị quyền lực của họ, đo đó họ đi theo chủ nghĩa dân tộc biệt lập để tự bảo vệ mình. Còn phía chính quyền Trung ương do Goocbachốp lãnh đạo, đã trót chơi con bài dân chủ không giới hạn lại muốn thực hiện âm mưa “chia để trị” nên không muốn sử dụng sức mạnh bảo vệ sự toàn vẹn của Liên Xô.
Từ tháng 8-1989, ba nước Cộng hòa Ban tích: Latvia, Estonia, Latvia đã đòi độc lập, đòi tách ra khỏi Liên Xô. Cũng năm này thêm nhiều nước cộng hòa và một số nước cộng hòa tự trị ra Tuyên ngôn chủ quyền và Tuyên ngôn độc lập.
Tháng 11-1990 Mônđôva căng thẳng và xung đột. 20-11-1990 ở Kisinhốp, Tibilixi khiêu khích và tấn công vào quân đội Liên Xô.
Tại Udơbêchkxtan tháng 6-1989 đã nổ ra cuộc bạo loạn xung đột ở tỉnh Pharogan của người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kì với người Udobech làm 95 người chết, hơn 1.000 người bị thương. Tháng 7 ở Tatgakixtan xung đột giữa người Tatgic và người Kiecghidi với hàng nghìn người tham gia để tranh chấp đất đai và nguồn nước.
(Còn nữa)
CVL
----------------
[1] ĐCS. Nga chiếm 54, 4% tổng Đảng viên ĐCS Liên Xô