Từ miền Nam ra. Các cán bộ sơ cấp từ B bực trưởng (chưa kịp phiên quân hàm, chỉ có chức vụ) bị thương tật nặng quê Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh... cùng cán bộ các quân binh chủng đặc biệt trực thuộc Bộ (Đặc công, Thiết giáp, Thông tin...), được về đoàn 253 (quân khu Tả Ngạn) an dưỡng.
Đoàn an dưỡng này trải dài các xã Nam Sách, Chí Linh, Thanh Hà của tỉnh Hải Dương. Anh em từ chiến trường ra đều qua D4, sau thời gian bổ dưỡng mới về các Tiểu đoàn khác để phân hướng nhiệm vụ.
Tôi quê Hà Tĩnh, là cán bộ sơ cấp thuộc quân chủng Phòng không- không quân. Sau thời gian dài điều trị ở quân y, tôi về đoàn 253. D1 của tôi thuộc huyện Thanh Hà, nhưng lại gần với xã Ái Quốc của huyện Nam Sách.
Thời gian này lưu lại trong tôi tình quân dân Ái Quốc thắm đượm, không bao giờ phai.
Năm 1972. Sau khi bị thương nặng, tôi được vận tải dần ra Bắc. Nói là vận tải dần vì vừa di chuyển, tôi vừa trải qua các trạm phẫu ở mặt trận, rồi các đội điều trị tiền phương của quân y Quân khu 4, Viện 5 ở Ninh Bình, Viện 108 Hà Nội...
Từ Quảng Trị đến Viện 108 Hà Nội là 150 ngày trên cáng. Có cả đồng bào, đồng đội hy sinh cho sự sống của tôi.
...Viện 105 Sơn Tây, Viện 109 Vĩnh Phú, Viện 10 Bắc Giang, Viện 7 Hải Dương. Bao nơi tôi qua là bao nhiêu ân tình không kể hết.
Sức khoẻ còn 19 phần trăm, vết thương bắt đầu liền sẹo. Năm 1977, tôi rời quân đội về với tỉnh nhà.
Xin nói về ân tình với Ái Quốc, khi tôi đến, xã đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương xã Anh hùng. "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Xã thuần nông nghiệp, mưa một tí là lũ lụt, nắng một tí là phải dùng gầu sòng, gầu dai... người dân cần cù trên đất.
Gần đó là con đường huyết mạch kèm đường sắt Hà Nội- Hải Phòng, ngày đêm máy bay địch bắn phá. Nơi đây nhà thơ Tố Hữu từng viết câu thơ xúc động về cô du kích Lai Vu: "Rắn quấn ngang chân vẫn bắn thù".
Nhân dân xã Ái Quốc vừa chăm lo sản xuất, thắt lưng buộc bụng vì Miền Nam ruột thịt, vừa bảo vệ tại chỗ, chiến đấu ngoan cường. Tất cả trai trẻ của xã đều đã được động viên xung phong vào Nam đánh Mĩ, ở lại chỉ còn lực lượng phụ nữ đảm đang việc nước việc nhà.
Nơi trạm tôi đóng quân, bà con còn vận động các cô gái trẻ xây dựng hạnh phúc gia đình với anh em Thương binh. Năm ấy tôi 25 tuổi cũng chưa có vợ nhưng vì nhiều lí do không nên duyên. Còn rất nhiều Thương binh như Trung uý Xuân, Thiếu uý Khánh, Thượng sĩ Thắng... đã đơm hoa kết quả với phụ nữ xã Ái Quốc.
Thương binh chúng tôi ở trong những ngôi nhà cột tre, mái rạ được địa phương giúp đỡ xây dựng. Mỗi Đại đội khoảng 100 đồng chí, 5 ngôi nhà. Nhưng có dịp bộ đội về dồn dập, phải chứa đến 200 người. Bộ đội gửi ở nhờ nhà dân.
Đơn vị là cán bộ B bực trưởng trở lên nên phần lớn là Đảng viên. Có đồng chí được kết nạp trong những trận chiến đấu chưa kịp có giấy tờ, mà Chi bộ có lúc tới 180 Đảng viên sinh hoạt. Đơn vị đông nhưng nề nếp, kỉ luật.
Sáng sớm, sau tiếng kẻng báo thức, anh em thể dục, vệ sinh rồi chăm bón vườn rau Tiểu đội. Rồi tuỳ sức khoẻ giúp đơn vị nuôi quân, vào giúp dân... vui lắm.
Đơn vị có anh Thể, anh là bộ đội Đặc công, bị thương ở đầu, hỏng một mắt. Cùng như tôi sức yếu không giúp được gì, tôi và anh hay vào dân chơi với cụ già, em nhỏ.
Một hôm có văn công biểu diễn gần cầu Phủ Lương cách khoảng 5km. Tôi chống nạng đi cùng anh Thể. Mồ hôi vã ra nhưng miệng vẫn nghêu ngao bài hát "Bộ đội về làng". Vượt qua chúng tôi là cô gái đạp xe đi cùng chiều, cân đối xinh đẹp, quần đen áo trắng tinh khiết, mái tóc dài kẹp gọn vắt qua trước ngực. Ngẩng lên thấy chị nhìn tôi dịu hiền, nghĩ thân mình thương tật tôi buồn đến nao lòng bèn giở giọng đùa cho qua tủi:
- Chị yêu dấu... nhìn tôi làm gì? Đau lắm! Già lắm rồi...
Chị vòng xe quay lại, hai mắt đỏ hoe, chị khóc:
- Hai chú đi xem Văn công à? Chú bị thương ở chân lên tôi đèo một đoạn.
Tôi bối rối nhìn Thể rồi ngoan ngoãn lên xe chị đèo. Qua vài câu chuyện biết chồng chị cũng là bộ đội bị thương, chuyển ngành. Anh chị có hai con: một trai, một gái. Tôi thấy ấm lòng. Đèo tôi đến nơi, chị quay lại đón anh Thể.
Lần khác, buổi chiều tôi chống nạng ra hóng mát nơi cây đa đầu làng Ái Quốc. Một bà mẹ xoa vai tôi xót xa:
- Mẹ sinh ra thì nguyên vẹn, giờ ra thế này...
Rồi bà mếu máo... Tôi nhớ mẹ tôi, nhớ mẹ của PaVen trong "Thép đã tôi thế đấy" với câu nói: "Chỉ khi nào chúng mày ốm đau thương tật, mẹ mới được trông thấy chúng mày thôi"!
Trào dâng cảm xúc, tôi cứng cỏi nói với mẹ:
- Bộ đội chúng con đi chống Mỹ, bảo vệ Tổ Quốc mà mẹ!
In dấu nhất là ngày 11/12/1973, đơn vị không sinh hoạt. Tôi chống nạng cùng anh Thể vào phòng giáo viên Cấp Hai của xã chơi. Gặp các cô giáo có chuyện gì đó đang vui cười, chẳng giải thích làm anh em tôi cứ ngơ ngác. Bỗng một bà mẹ vào phòng, như bà có nỗi niềm muốn nói, bà nói: "Hôm nay xã báo tử mười một Liệt sỹ, các cô các chú ạ"!
Im bặt, rồi một cô giáo trẻ ngồi thụp xuống đất khóc thành tiếng. Bà mẹ kia ra khỏi nhà, còn chúng tôi hoảng định về thì một cô lớn tuổi hơn nói với tôi và Thể:
- Âu (tên cô ấy) có anh trai đi bộ đội từ 1967. Từ đấy không tin tức gì...
Cười đấy rồi khóc đấy, các cô gái trong chiến tranh. Chỉ biết nói với cô: "Chúng tôi vì nhân dân quên mình. Nếu phải cũng là niềm tự hào"... Cô càng khóc to.
An ủi cũng vô ích, nhà Âu cách 3km, tôi quyết định hai cô đèo hai chúng tôi đưa cô ấy về nhà.
Chúng tôi thống nhất với nhau: vào nhà chơi, giữ kín tin vừa biết.
Âu cố nén khóc nhưng không nén được nên đứng sau cột nhà không tiếp chúng tôi. Gia đình vẫn bình thường, niềm nở. Mẹ và em gái lớn giã gạo, hai em nhỏ đi chơi. Bố Âu đang soạn bài, ông là nhà giáo.
Thấy tôi dùng nạng bố Âu nhìn lặng lẽ, bất ngờ ông nói đủ nghe:
- Hôm nay xã này báo tử nhiều quá! Mười một Liệt sỹ.
Tôi thấy nghẹn:
- Thế anh nhà ta...
- Tôi cũng đã vội lên Uỷ ban hỏi kĩ, không có tên hắn.
Chén nước trên tay sóng sánh, ông đặt xuống bàn.
Họ sống trong thấp thỏm vậy đó. Người dân xã Ái Quốc, người dân đất nước tôi...
Chuyện Quê