Ở quê tôi là một vùng thường xuyên bị bão lụt, nên mự tôi ( gia đình tôi gọi bố mẹ là chú mự) muối cà pháo mặn cả vại để làm thực phẩm dự trữ quanh năm.
Cứ đến mùa cà (tôi không nhớ là vào tháng mấy, chỉ nhớ câu ca dao" tháng chạp là tháng trồng khoai. Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà" thì nó vào khoãng tháng tư hoặc tháng năm âm lịch) khi những con bọ vừng xuất hiện, khi lũ trẻ chúng tôi bắt bọ vừng buộc vào quả cà cho xoay xoay làm đồ chơi thì cũng là lúc mự tôi hái những quả cà để muối cho gia đình một vại.
Những rổ cà mự hái vào tôi lại xúm xút phụ một tay cắt cuống, chỉ cắt cuống thôi còn vẫn giữ lại cái tai như ngôi sao năm cách đó vì mự bảo làm vậy khi muối không úng mới để được lâu. Mự phơi cà cho héo bớt xong trộn muối với một lượng nhất định nào đó rồi cho vào vại, cũng có lúc mự cho thêm mấy củ riềng giã giập dùng một cái rổ cũ đã hỏng cắt cho vừa miệng cái vại để ép lên trên, dằn thêm mấy hòn đá cuội, mự cho nước đun sôi để nguội vào ngập nan tre là xong. Khoãng một tháng sau cà chín là có thể dùng được.
Tuy nhiên phải đợi đến tháng tám, khi những cơn mưa lớn kéo theo nước lũ tràn về thì vại cà của mự mới phát huy tác dụng. Giữa mùa nước tràn đến thềm nhà thì nồi khoai xéo với những quả cà muối mặn là cứu cánh cho mọi gia đình ở xóm nhỏ ven sông.
Giờ đây món cà muối mặn đã được thương mại hóa với nhiều gia vị hơn và bơt mặn hơn để cho phù hợp thị hiếu người dùng. Nhưng với không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người con xa quê còn nhớ mãi một món ăn của những ngày giáp hạt. Món cà muối vại quê nhà.
Chuyện quê