Ngô hạt khô (ngô càng mới càng ngon) được xay bằng tay kéo cối đá, xay lần 2 xong thì Mẹ sàng lấy mảnh để nấu độn cơm, phần lọt sàng xay lần thứ ba. Mẹ dần lấy bột lọt xuống, đây là bột ngô phần nhiều từ phôi của hạt, bột này mới được dùng để nấu bánh đúc (giống bánh mặn miền Tây Nam bộ nấu từ bột gạo tẻ, miền Bắc cũng có gọi là bánh đúc gạo).
Bánh đúc ngô nấu phải có nước vôi lọc trong nữa nhé, nêm tí muối, quậy bột ngô với nước vừa phải, đun nhỏ lửa, quậy đều luôn tay, chín đổ ra mâm lót lá chuối hoặc đĩa, bát ăn cơm để nguội đặc lại là bẻ ăn được. Không cần phải xắt rồi ăn mình bánh hoặc ăn với canh cua đồng như bánh đúc gạo. Bánh đúc ngô ăn rất ngon, béo, ngọt, thơm mùi ngô và tôi chắc là rất bổ vì bột phần lớn từ phôi của hạt ngô, nơi tập trung chất dinh dưỡng của nó. Chỉ ăn mình nó, không cần thêm gì đâu. Ngày mới cưới dẫn vợ về quê Mẹ nấu cho ăn đến giờ lâu lâu bả vẫn nhắc lại, dù đã gần 40 năm rồi!
Bây giờ chắc không ai còn nấu nữa, vì nhiều lý do lắm. Cái món ăn dân dã thời đói kém mà giờ kiếm không ra đâu nhé các bạn! Tôi nhớ Mẹ, nhớ nhiều món ăn dân dã thời ấy Mẹ làm, giờ chỉ còn là dĩ vãng và chỉ mơ thôi!
Chuyện làng quê