Mẹ tôi nghiện trầu, răng bà đen nhánh, cả hàng đều tăm tắp. Già rồi mà chẳng rụng cái nào. Bà bảo ăn trầu, chắc răng, răng không sâu, tôi thấy cũng đúng.
Chẳng nhường cho tôi, răng thì ngắn, lại hay sâu nên không dám ăn trầu.
Ngày tôi còn là học sinh cấp 2. Có một thầy giáo trọ ở nhà tôi để dạy học. Lúc đó trường chưa có chỗ ở cho giáo viên. Thầy xem móng tay tôi rồi bảo: trông mặt mũi em sáng sủa, có nét thông minh, có chí. Nếu móng tay em dài tý nữa, răng em dài ít nữa thì em toàn diện.
Tôi la:ối thầy ơi, nói vậy thì thành người đẹp mất rồi. Thầy bảo đúng mà.
Nói đến trầu cau của mẹ. Trước khi ra đồng, bà thường ngồi trước cửa nhà têm hàng chục miếng trầu. Cắt ít vỏ, hôm không còn vỏ mấu thì dùng vỏ chay. Bửa mấy quả cau cho vào miếng vải cuộn lại để mang ra đồng. Vừa ăn vừa cho bạn ngoài đồng.
Nhà tôi đất rộng nên bố tôi trồng vài cây cau trước nhà. Cạnh giếng nước. Còn trầu ông trồng chái nhà cho trầu leo lên chái và nóc nhà. Lâu lâu ông lại cho một ít vôi bột trộn lẫn đổ vào gốc cây trầu. Ông bảo trầu ưa vôi. Chỉ có vôi mới làm miếng trầu đỏ được. Nên được vôi lẫn đất tốt bón vào trầu nhanh tốt lá dày. Bố tôi bảo trầu quế đấy. Rồi mẹ tôi kể chuyện sự tích trầu cau.
Mẹ bảo: miếng trầu không có tý vôi ăn nhạt miệng mà miếng trầu không đỏ.
Năm sau tự nhiên giàn trầu bỗng héo lá. Cả nhà cố chăm nhưng không lại. Mẹ tôi buồn, bà bảo trầu héo là nhà có vấn đề. Lúc bấy giờ chỉ có Tết nhất mới dâng lễ vật và trầu cau cúng các cụ.
Rồi năm sau bố tôi đột ngột ra đi. Từ đó mẹ tôi không dám, trồng trầu nữa.
Đến nay cây cau vẫn còn. Cao chót vót không ai leo lên lấy quả được.
Ngày nay, rằm, mùng một mọi nhà đều có lễ vật dâng Tổ tiên, lễ vật đó tuỳ từng gia đình, bánh kẹo, hoa quả…. Nhưng không thể thiếu đĩa trầu cau. Nay mẹ đã đi xa. Có ai ăn trầu đâu.
Giờ đây gia đình nhỏ của chúng tôi ở đường Quốc lộ 1A, nhưng vẫn chừa một ít đất trồng gốc trầu quế. Lá lúc nào cũng xanh tốt, dày dặn, lá nhỏ. cây bám vào tường xưa có hồ ba ta, vôi xi cát nên cây trầu bám chắc, quanh năm có trầu dâng tổ tiên.
Có cây trầu còn bám thân cau trông rất đẹp.
Nhân ngày rằm, nhớ về quê hương. Nhớ mẹ.
Chuyện Làng Quê